Giá thực phẩm, xăng dầu giảm khiến CPI tháng 3 giảm 0,23%
TCDN - Tổng cục Thống kê cho biết, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2023 so với tháng trước có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá.
Đối với quý 1, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41%; học phí giáo dục tăng 10,13%; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9%; giá điện sinh hoạt tăng 2,71%; giá gạo trong nước tăng 2,24%.
Một số yếu tố làm giảm CPI như giá xăng dầu, giá gas, nhóm bưu chính, viễn thông.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý 1/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Chỉ số giá vàng tháng 3 giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 1 năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 1 năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI của Việt Nam hiện nay so với thế giới mức thấp. Theo quy luật CPI có xu hướng giảm dần trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, CPI của nước ta trong thời gian tới sẽ bị tác động bởi một số yếu tố như giá nhiên liệu trên thế giới đang giảm; sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới giá cả trên thế giới; từ 1/7 sẽ tăng lương, sau khi tăng lương giá cả hàng hóa thường tăng lên...
Về lạm phát 3 tháng theo bà Oanh đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân là một số chính sách hỗ trợ của nhà nước từ đầu năm 2023 đã hết hiệu lực nên giá cả tăng trở lại. Giá cả hàng hóa của doanh nghiệp phản ánh vào giá cả tiêu dùng.
Bà Oanh cũng nhấn mạnh, lạm phát cơ bản tăng 5,01% nhưng từ đầu năm tới đây có xu hướng giảm dần.
Để kiểm chế lạm phát, bà Oanh kiến nghị các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Ngân hàng nhà nước theo dõi về chính sách tiền tệ, sử dụng các biện pháp tiền tệ linh hoạt. Các bộ, ngành địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng đặc biệt là mặt hàng thiết yếu; bình ổn giá mặt hàng; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, tích trữ hàng hóa để khiến giá cả hàng hóa tăng cao bất thường...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899