Giải ngân đầu tư công còn chậm, chỉ gần 4.500 tỷ đồng trong tháng 1

12/02/2020, 11:13

TCDN - Trong đó, vốn trong nước là 4.438,393 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 10,229 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tháng đầu năm này là thấp.

unnamed

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/01/2020 là 4.448,622 tỷ đồng, đạt 0,95% kế hoạch Nhà nước giao (cùng kỳ đạt 0,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 0,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó, vốn trong nước là 4.438,393 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 10,229 tỷ đồng. Cụ thể, các Bộ, ngành trung ương ước giải ngân đạt 46,198 tỷ đồng (vốn trong nước là 35,969 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 10,229 tỷ đồng), đạt 0,03% kế hoạch nhà nước giao (cùng kỳ năm 2019 giải ngân 0%). Các địa phương ước giải ngân đạt hơn 4.402 tỷ đồng (vốn cân đối ngân sách địa phương), đạt 1,21% kế hoạch vốn nhà nước giao.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tháng đầu năm còn thấp là do hầu hết các Bộ, ngành địa phương đang tập trung triển khai công tác phân bổ kế hoạch vốn và nhập dự toán chi cho các dự án.

Tính đến ngày 20/01/2020, Bộ Tài chính đã nhận được Quyết định phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 của 34/53 Bộ, ngành và 46/63 địa phương với tổng số vốn phân bổ khoảng 243.144,382 tỷ đồng, đạt 51,67% so với kế hoạch nhà nước giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 227.455,618 tỷ đồng.

Trên cơ sở số vốn đã phân bổ, một số Bộ, ngành đã thực hiện nhập dự toán trên hệ thống Tabmis như Bộ Giao thông vận tải, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao.

Để đảm bảo việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đúng thời gian quy định, ngày 17/01/2020, Bộ Tài chính đã có công văn số 696/BTC-ĐT gửi các Bộ, ngành Trung ương và địa phương về việc đôn đốc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các Bộ, ngành địa phương cần chú trọng các công tác chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân, đồng thời tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ các tháng đầu năm; tập trung chỉ đạo công tác tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2020 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về danh mục, mức vốn bố trí từng dự án và theo từng nguồn vốn (trong đó có nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án và phục vụ báo cáo tổng hợp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm và giai đoạn trung hạn 2016-2020 theo từng nguồn vốn đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Giải ngân đầu tư công còn chậm, chỉ gần 4.500 tỷ đồng trong tháng 1 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hơn 12.300 tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ đổ vào Đà Nẵng trong năm 2020
UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch năm 2020 là vô cùng quan trọng, là tiền đề và là cơ sở để xây dựng kế hoạch ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Bên cạnh 12.373 tỷ đồng nói trên, Đà Nẵng còn dự nguồn 1.966 tỷ đồng, bằng 162% so với năm 2019.
Sáu nhóm giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.