Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói về đề xuất xin rút tự chủ tài chính toàn diện

08/11/2022, 16:00
báo nói -

TCDN - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, trên cơ sở đánh giá điều kiện của bệnh viện, chúng tôi kiến nghị thực hiện phương án tự chủ chi thường xuyên giai đoạn 2022 - 2026 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

Chồng chất khó khăn khi tự chủ bệnh viện

Chia sẻ về lý do xin dừng tự chủ toàn diện bệnh viện, Giám đốc Đào Xuân Cơ cho biết, hiện tại bệnh viện vẫn chưa được giao vốn và xác định giá trị tài sản để thực hiện tự chủ, cơ chế hạch toán vẫn theo chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp công mà chưa có cơ chế hạch toán như doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng của bệnh viện đã cũ, lạc hậu, có tuổi đời từ 10 - 100 năm, một số hạng mục không còn khả năng khôi phục, sửa chữa, cần được đầu tư xây mới.

PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Trong giai đoạn thực hiện tự chủ toàn diện, nguồn thu của Bệnh viện Bạch Mai bị ảnh hưởng dẫn tới thu nhập cho cán bộ, nhân viên giảm mạnh. Chi thu nhập tăng thêm chỉ ở mức 1/2, 1/3 thậm chí 1/5 so với trước dẫn tới nhiều cán bộ nhân viên không an tâm làm việc, chuyển công tác. Từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 100 cán bộ giỏi từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển đi.

Trong khi nguồn thu cho Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp không phát triển, trong 2 năm đại dịch đời sống cán bộ nhân viên y tế suy giảm trầm trọng. Nguồn lực để tái tạo nguồn Quỹ này hầu như không có do giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ (chưa bao gồm chi phí quản lý, khấu hao…) và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu thì chưa có khung giá do Bộ Y tế ban hành dẫn đến bệnh viện không có nguồn để tái đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, cơ sở hạ tầng.

Chia sẻ về tình trạng bệnh viện, PGS. TS Đào Xuân Cơ cho hay, trong hơn 10 năm qua, máy móc trang thiết bị của bệnh viện sử dụng chủ yếu qua cơ chế xã hội hóa, liên doanh liên kết, máy mượn, máy đặt… phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp vật tư, hóa chất của các doanh nghiệp. Đến nay, do có một số điều tra liên quan đến hoạt động liên doanh liên kết, các máy móc trang thiết bị không được sử dụng hoặc đã hết giá trị sử dụng khiến cho công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, do hoạt động pháp lý liên quan đến đấu thầu, liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều đối tác cung cấp thuốc, vật tư, y tế, trang thiết bị e ngại không muốn cung ứng hàng cho bệnh viện tại thời điểm này dẫn đến nhiều gói thầu không có đối tác tham gia. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong thời gian qua.

"Nhiều máy móc còn tốt, cấu hình hiện đại nhưng phải “đắp chiếu”, trong khi người bệnh không có trang thiết bị để chẩn đoán và điều trị. Đây là điều rất khó khăn của bệnh viện", giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Đáng chú ý, do triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong giai đoạn trước, bệnh viện đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị liên doanh liên kết. Kết quả dịch vụ của nhiều máy xã hội hóa được đưa về giá bảo hiểm y tế giảm nhiều như máy siêu âm đang thu 110.000 đồng xuống còn 43.000 đồng, Ganma Knife giảm từ 40.000.000 đồng xuống còn 28.790.000 đồng,… làm giảm đáng kể nguồn thu của bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phân tích, giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ (chưa có chi phí quản lý, khấu hao tài sản, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…), thậm chí có những dịch vụ không đủ cả 4/7 yếu tố.

Đồng thời, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công… tăng hàng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo nên ảnh hưởng đến cân đối thu chi. Điều này tác động đến nguồn thu, đến khả năng tái tạo nguồn lực, đặc biệt đối với bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện có tỷ trọng người bệnh bảo hiểm y tế ở mức cao.

Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, do một số yếu tố khách quan, đến nay khi đã kết thúc 2 năm 6 tháng thí điểm tự chủ, Bộ Tài chính chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu nên bệnh viện không có đủ cơ sở tham chiếu, dẫn đến việc bệnh viện thực hiện tự chủ nhưng không được tự chủ về giá.

Nhiều máy móc tại Bệnh viện Bạch Mai còn tốt, cấu hình hiện đại nhưng phải “đắp chiếu”.

Nhiều máy móc tại Bệnh viện Bạch Mai còn tốt, cấu hình hiện đại nhưng phải “đắp chiếu”.

Về thu tiền thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, theo ông Cơ, căn cứ các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP thì kể từ ngày 1/7/2014 các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc đối tượng thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định. Nếu ước tính truy thu từ năm 2014 đến nay sẽ là khoảng 170 tỷ đồng.

Ông Cơ cho biết, trong khi chi phí này chưa được kết cấu vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, do đó Bệnh viện Bạch Mai hiện không có nguồn chi trả khoản chi phí này. Mặt khác nếu kết cấu tiền thuê đất vào chi phí dịch vụ y tế sẽ tạo thêm gánh nặng chi trả cho người dân và Quỹ bảo hiểm y tế.

Tự chủ cần có lộ trình

Liên quan đến việc các bệnh viện xin thôi tự chủ, tại phiên thảo luận về Luật Khám chữa bệnh mới đây, đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết, “cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình”.

Screenshot (198)

Sau khi có kết quả thanh tra 11/27 đề án liên doanh, liên kết có dấu hiệu sai phạm nên Bệnh viện Bạch Mai dừng các đề án này. Điều đó khiến bệnh viện thiếu trang thiết bị y tế trầm trọng như máy chẩn đoán hình ảnh, ung bướu, y học hạt nhân, máy xét nghiệm, robot phẫu thuật… Bệnh viện đã tích cực mua sắm nhưng nguồn tài chính không cho phép đầu tư lớn như vậy về thiết bị. Nếu không có hệ thống xét nghiệm thì Bệnh viện Bạch Mai phải đóng cửa.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ

Đại biểu đề nghị luật sửa đổi cần quy định về tự chủ của bệnh viện công. Tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu nhưng trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

“Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách.

Cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định các quyền năng đi liền với mức độ tự chủ mà cơ sở khám chữa bệnh đạt được”, ông Cường cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ. Đồng thời, quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Bệnh viện Bạch Mai đang gặp nhiều khó khăn sau khi thực hiện tự chủ toàn diện.

Bệnh viện Bạch Mai đang gặp nhiều khó khăn sau khi thực hiện tự chủ toàn diện.

Theo PGS. TS Đào Xuân Cơ, nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bệnh viện bị phong tỏa, các hoạt động bị đóng băng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động bị đình trệ, chủ yếu tập trung chống dịch, nguồn thu sụt giảm 50%...

Ông Cơ khẳng định, tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương đúng đắn tuy nhiên cần có lộ trình để thực hiện.

Trong điều kiện của bệnh viện hiện nay, Giám đốc Đào Xuân Cơ nhấn mạnh, Bệnh viện Bạch Mai được tự chủ theo nhóm 2, tự chủ chi thường xuyên là hợp lý. Sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng quy định về tài chính, bảo hiểm y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh… dần dần từng bước bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện.

Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: Nhóm một tự chủ toàn diện; nhóm hai tự chủ chi thường xuyên; nhóm ba tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm bốn nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản 7499/VPCP-KGVX về việc thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019.

Văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Bộ Y tế tại Báo cáo số 1388/BC-BYT ngày 14/10/2022 về việc Báo cáo kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Việc tiếp tục thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm: Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Hai bệnh viện này sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói về đề xuất xin rút tự chủ tài chính toàn diện tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K dừng cơ chế tự chủ toàn diện
Bệnh viện Bạch và Bệnh viện K sẽ dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 ngày 19/5/2019 của Chính phủ. Hai bệnh viện này sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ.