Phó thủ tướng: Tự chủ Việt Nam khác thế giới, lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên

29/10/2022, 17:04
báo nói -

TCDN - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc thực hiện tự chủ của Việt Nam làm khác thế giới. Việt Nam lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, nếu lo cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì cho tự chủ hoàn toàn, nếu lo được đầu tư chỉ chi được thường xuyên là tự chủ được.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vấn đề tự chủ bệnh viện, trường học được nhiều đại biểu đưa ra.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) không thực hiện được tự chủ ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối đó là một sự thất bại, mà nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp và kể cả sự bạc nhược.

“Điều quan trọng nhất là giao cho bệnh viện tự chủ thì phải cho họ được tự chủ, đặc biệt là tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân lực, việc này tôi đã có dịp trình bày ở nhiều diễn đàn. Tự chủ bệnh viện là một cơ chế, cơ chế tự chủ đã thực hiện ở Việt Nam hàng chục năm nay rồi, tự chủ toàn phần, tự chủ một phần, nhờ đó đã giảm bớt gánh nặng kinh phí của Chính phủ hàng chục ngàn tỷ 1 năm. Tôi nghĩ với Nghị định 60/2021, các bệnh viện hạng cao hoàn toàn có thể được tự chủ với mức hợp lý từ nhóm 1 đến 3”, đại biểu cho hay.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết riêng về tự chủ toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và y tế trên bốn phương diện: độc lập, tự chủ về mô hình và phương thức hoạt động; độc lập về nhân sự, tự chủ về nhân sự; tự chủ về ngân sách và tài chính; tự chủ về đầu tư, thẩm quyền đầu tư.

“Có như vậy mới có đột phá về chất lượng nhân sự và chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Chúng ta trao quyền nửa vời, khó có thể phát huy được tính năng động, sáng tạo và đặc biệt vấn đề cấp bách hiện nay, đó là phải có các giải pháp thích ứng. Ví dụ như là chúng ta có thể ghi trong nghị quyết chung của kỳ họp về việc cho phép chào giá cạnh tranh để các cơ sở y tế được phép mua trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, vốn là vấn đề cấp bách ở các bệnh viện công hiện nay”, đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định.

Chia sẻ tại phiên thảo luận đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Tp.HCM) cho rằng các bệnh viện hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường nhưng có nhiều quyết định hiện nay không phù hợp với thực tế và trái cơ chế thị trường, cần thay đổi những quy định này.

Nhà nước phải khẳng định trách nhiệm của mình đầu tư cho các bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện tham gia tự chủ là tự chủ chi phí thường xuyên chứ không tự chủ chi phí đầu tư. Nhưng đến nay, hầu như chúng ta không bố trí ngân sách cho các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên có kinh phí đầu tư. Không có kinh phí đầu tư thì không mua được máy móc thiết bị mới. Cho nên buộc phải thuê máy, đặt máy để làm dịch vụ. Chừng nào chúng ta chưa bố trí kinh phí năm 2020, 2021, 2022 cho các bệnh viện thì các bệnh viện đó tiếp tục được thuê máy, đặt máy cho đến khi có kinh phí đầu tư để việc hoạt động không bị dừng lại.

Do đó, đại biểu cho rằng nên công bố kế hoạch đầu tư cho các bệnh viện, mà danh mục từ đây đến 2025 để trên, dưới chuẩn bị triển khai cho tốt. Năm 2022, giải ngân đầu tư y tế chỉ có 12%, 88% chưa giải ngân, đại biểu đề nghị nên cho chuyển sang 2023.

Đối với vấn đề tự chủ, theo đại biểu đã tự chủ chi thường xuyên thì đề nghị cho bệnh viện được quyết định mức thu nhập cho cán bộ y tế. Chúng ta không cấp chi phí thường xuyên bệnh viện, các đơn vị tự chủ nhưng chúng ta quy định là chỉ được trả lương bao nhiêu, cơ bản không quá 2 lần Quỹ tiền lương và thưởng 3 tháng thì không hợp lý. Nên để việc này cho bệnh viện quyết định, miễn làm sao cán bộ giữ được người tốt, hoạt động hiệu quả, thu thường xuyên càng cao.

Giải trình về vấn đề tự chủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận đây cũng là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Chúng ta đã có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp nhà nước sau 30 năm, chúng ta giảm được từ 10 nghìn doanh nghiệp nhà nước xuống còn dưới 1 nghìn, nhưng đổi lại chúng ta có trên 700 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị sự nghiệp về cơ bản không giảm được mấy. 2 năm vừa qua có giảm nhiều về đầu mối, nhưng tổng biên chế vẫn không giảm, chúng tôi nói số tròn là khoảng 48 nghìn đơn vị sự nghiệp. Câu chuyện đặt ra là làm sao cơ chế quản trị các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học và bệnh viện.

Theo Phó thủ tướng, điều này chúng ta vẫn làm nhưng mà chúng ta làm khác thế giới. Thực tế chứng minh vừa qua chúng ta phải thay đổi theo xu thế giới. Ở thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, từ đó người ta được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư và về lương, về chi.

Nhưng ở chúng ta, vì chúng ta thiếu tiền cho nên thiết kế theo hướng là lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, nếu lo được hết cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn, nếu ở mức giá thấp hơn không lo được đầu tư chỉ chi được thường xuyên là tự chủ được, một mức nữa là tự chủ được một phần chi thường xuyên và mức cuối cùng là không tự chủ được. Chúng ta ra một phương pháp để quản lý các cơ sở này, chúng tôi vẫn nói với nhau đó là một khóa 4 nấc và 2 chìa.

Phó thủ tướng lấy dẫn chứng, như đại học ở Đức là tự chủ nhưng ngân sách nhà nước vẫn lo 85%, còn ở chúng ta nếu ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ và chúng tôi rất tha thiết là chúng ta sẽ phải thay đổi việc này.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu để cùng với các cơ quan có chức năng rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để chúng ta có những sự đổi mới căn bản hơn.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng: Tự chủ Việt Nam khác thế giới, lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, Bệnh viện đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3/2022, sau 2 năm triển khai. Bệnh viện cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho dừng thí điểm tự chủ vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.