Giảm thuế VAT hiệu quả sâu rộng nhất, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa
TCDN - Trong những năm qua, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng được đánh giá là có hiệu quả hơn hẳn, góp phần kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Thúc đẩy tiêu dùng trong nước
Đại dịch Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Trước bối cảnh đó, Quốc hội khóa 15 đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 để góp phục phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư. Trong đó, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng được đánh giá là có hiệu quả hơn hẳn. Chính sách đã góp phần kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chính sách giảm thuế VAT 2% còn góp phần vào tăng thuế thu nhập cho doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ tiếp tục có Tờ trình Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế VAT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.
Theo Chính phủ, trong giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế TNDN, thuế TNCN, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng và dự kiến đối với những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Theo Tờ trình, tại Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý 1 năm 2024, tổng số doanh nghiệp giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5%. Các tổ chức tài chính, kinh tế toàn cầu mới đây (IMF, ADB, AMRO…) đều đồng loạt đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với các nước trong khu vực: Ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%; IMF dự báo GDP năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 5,8%. Tuy nhiên, các mức dự báo này thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Ở trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%; gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNCN; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Đánh giá về việc tác động ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho biết, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).
Trong 3 tháng đầu năm 2024, số thuế VAT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế VAT ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng.
Giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, năm 2022 và đầu năm 2023 là năm có nhiều giải pháp toàn diện nhất, sâu rộng nhất, nhiều sắc thuế được hỗ trợ nhất để các doanh nghiệp phục hồi một cách an toàn và phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong năm vừa qua đã góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT có tác dụng thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp.
Do đó, Chủ tịch VTCA kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT trong những tháng cuối năm 2023 để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.
Ông Tuấn cũng khẳng định, khuyến khích "người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt" cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm thuế VAT từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế VAT là nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Chính sách thuế VAT cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm 6 tháng/lần theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899