Hai doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ ở Bình Phước mua bán hóa đơn GTGT như thế nào?

05/10/2020, 13:42

TCDN - Kiểm toán Nhà nước vừa chuyển hồ sơ đề nghị Công an tỉnh Bình Phước điều tra dấu hiệu mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của Công ty TNHH MTV cao su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước.

Thông qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 của tỉnh Bình Phước, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh Bình Phước để điều tra dấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT của Công ty TNHH MTV cao su Bảo Long (Công ty Bảo Long) và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Phước (Công ty Thành Phước), cùng có trụ sở tại huyện Chơn Thành, Bình Phước.

Hai Công ty tại Bình Phước có đấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT.

Hai Công ty tại Bình Phước có đấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế tại Chi Cục Thuế huyện Chơn Thành, KTNN nhận thấy Công ty Bảo Long và Công ty Thành Phước có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo Quy định tại Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính “Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; … cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, ca nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách…”; có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015: “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn” và dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 203 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Công ty Bảo Long doanh thu gấp 1.600 lần vốn điều lệ nhưng lỗ

Công ty Bảo Long thành lập ngày 10/3/2014, thay đổi lần thứ nhất ngày 23/6/2016 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng và ngành nghề kinh doanh là mua bán cao su, mủ cao su. Địa chỉ đăng ký kinh doanh số nhà 17, tổ 1, ấp 5 xã Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Theo KTNN, dù vốn điều lệ và vay nợ thấp, doanh thu năm 2017 chỉ 182 tỉ đồng, nhưng năm 2018 đã tăng lên 1.668 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 5 tỉ đồng; năm 2019 doanh thu 2.447 tỉ đồng và báo lỗ 156 triệu đồng. Khi mua bán hàng hóa, Công ty Bảo Long thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng, nhưng đa số rút ngay bằng tiền mặt trong ngày.

Trong 2 năm 2018, 2019 Công ty mua bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su nhưng Công ty không có kho hàng, phương tiện vận chuyển, hàng hóa chủ yếu được ký gửi và thuê kho nhưng chi phí ký gửi, thuê kho hàng tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Năm 2019 Công ty thuê 2 xe dể vận chuyển nhưng lượng xăng dầu phát sinh lớn hơn mức tiêu thu hợp lý cho 2 xe; tồn kho cuối năm thấp không phù hợp với quy mô kinh doanh… Những dấu hiệu cho thấy, ngoài một số hợp đồng mua bán cao su có thật, thì phần lớn hoạt động mua bán cao su có khả năng là không có thật, tức có dấu hiệu của hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, KTNN tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế cho thấy Công ty Bảo Long đã kê khai hóa đơn đầu vào của 4 công ty đã tạm dừng kinh doanh, 3 công ty không kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và 1 công ty đã bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Năm 2019, Công ty Bảo Long ký hợp đồng mua mủ cao su của Công ty Thành Minh Khang với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng tương ứng với 25.000 tấn mủ cao su và ký hợp đồng bán lại cho Công ty TNHH Vạn Lợi với địa chỉ giao hàng tại Cảng Cát Lái, TP HCM. Tuy nhiên hợp đồng giữa Công ty Bảo Long và Công ty Thành Minh Khang quy định địa chỉ giao hàng tại kho của Công ty Bảo Long tại Phú Giáo, Bình Dương trong khi theo sổ sách thì Công ty Bảo Long không có kho hàng tại Bình Dương. Hơn nữa theo hợp đồng mua bán giữa hai bên chi phí bốc xếp hàng mỗi bên chịu một đầu nhưng theo sổ sách thì Công ty Bảo Long lại không phát sinh chi phí bốc xếp đối với hàng hóa này. KTNN nhận thấy nhiều khả năng việc mua bán cao su theo các hợp đồng nêu trên là không có thật.

Công ty Bảo Long mua bán mủ cao su nhưng không có phương tiện vận chuyển, kho hàng...

Công ty Bảo Long mua bán mủ cao su nhưng không có phương tiện vận chuyển, kho hàng...

Năm 2019, Công ty Bảo Long kê khai xuất bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su với doanh số 2.153.221 triệu đồng cho Công ty TNHH Vạn Lợi nhưng không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe mà xuất hóa đơn chung theo giá trị của từng Hợp đồng mua bán với giá trị rất lớn; các xe khi xuất hàng không có phiếu cân hoặc phiếu xuất kho để xác định trọng lượng hàng hóa của từng chuyến; không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng… Do đó đây là bằng chứng cho thấy việc buôn bán cao su có nhiều khả năng là không có thật, có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 203 Bộ Luật hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nươcs.

Đồng thời, theo kết quả xác minh hóa đơn mua hàng của Công ty Bảo Long do Cục Thuế tỉnh Bình Phước thực hiện cho thấy, công ty Bảo Long mua mủ cao su của 7 công ty phù hợp với hóa đơn của người bán; mua 710.014 triệu dồng mủ cao su của 2 công ty mới thành lập năm 2018 nhưng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký…

Công ty Thành Phước doanh thu hơn 2.000 tỷ, lãi hơn 200 triệu.

Công ty Thành Phước đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 21/12/2010, thay đổi lần thứ 3 ngày 18/6/2020 với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh mua bán hàng nông sản; địa chỉ đăng ký kinh doanh tại tổ 5, Ấp 3B, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tình Bình Phước.

Doanh thu của Công ty tăng mạnh trong hai năm 2018 - 2019 với những khoản lỗ - lãi rất bất thường. Tính riêng quý 4/2018, doanh thu của công ty là 359 tỉ đồng, nhưng khoản lỗ cả năm hơn 2,7 tỉ đồng. Năm 2019, Công ty Thành Phước có tổng doanh thu là 2.015 tỉ đồng và báo lãi… 219 triệu đồng.

Theo KTNN, đáng chú ý, doanh thu lớn nhưng Công ty không sở hữu phương tiện vận chuyển, chỉ có kho hàng khoảng 1.000m2 nhưng chủ yếu để chứa hàng xuất bán bị trả lại do không đạt chất lượng.

Tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế cho thấy năm 2019, Công ty Thành Phước đã mua hàng của 2 công ty đã tạm dừng kinh doanh, 1 công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế và 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thuế.

“Đây là dấu hiệu cho thấy, có khả năng Công ty Thành Phước đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước, là dấu hiệu vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015”, báo cáo KTNN nêu rõ.

Bên cạnh đó, Công ty Thành Phước khi xuất hóa đơn bán mủ cao su không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe mà xuất hóa đơn chung theo giá trị của từng Hợp đồng mua bán; các xe khi xuất hàng không có phiếu cân hoặc phiếu xuất kho để xác định trọng lượng hàng hóa từng chuyến xe; không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng… Ngoài ra, Công ty ký hợp đồng với 2 đơn vị vận chuyển nhưng đơn giá vận chuyển cố định 300.000 đồng/tấn không gắn với cự ly vận chuyển là không phù hợp với hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Theo KTNN, đây là các bằng chứng cho thấy việc mua bán cao su có nhiều khả năng là không có thật, là dấu hiệu vi phạm quy định quy định tại điều 203 bộ luật Hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Hai doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ ở Bình Phước mua bán hóa đơn GTGT như thế nào? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tổng cục Thuế: Sai phạm hóa đơn diễn biến phức tạp
Tổng cục Thuế cho biết, những sai phạm về hóa đơn vẫn diễn biến phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước để trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính, gây thất thu ngân sách nhà nước.