Hàng loạt doanh nghiệp ngành thép lâm cảnh khốn đốn

14/11/2019, 08:30

TCDN - Nhiều doanh nghiệp ngành thép báo lỗ lớn hoặc có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng chiến tranh thương mại, tồn kho cao trong khi sản lượng tiêu thụ có xu hướng giảm.

Các doanh nghiệp ngành thép ngoài việc tiết giảm chi phí, gia tăng sản lượng bán hàng, còn tìm nhiều hướng đi mới để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các doanh nghiệp ngành thép ngoài việc tiết giảm chi phí, gia tăng sản lượng bán hàng, còn tìm nhiều hướng đi mới để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thép Dana Ý lỗ quý thứ 4 liên tiếp

Doanh nghiệp ngành thép có nhiều câu chuyện nhất năm 2019 vừa qua chắc hẳn là Thép Dana Ý (mã chứng khoán DNY). Bản thân là doanh nghiệp tầm trung trong các doanh nghiệp ngành thép trên sàn với kết quả kinh doanh đều đều các năm trước không lãi lớn, cũng ít khi lỗ sâu.

Tuy nhiên từ sau khi "dính" đến vụ ảnh hưởng đến môi trường, làm dân quanh khu vực biểu tình, doanh nghiệp bị tạm ngừng sản xuất, chỉ bán hàng tồn đọng, bán nguyên liệu và thanh lý, xuất trả một số thiết bị, vật tư có thời hạn sử dụng ngắn. Tính đến hết quý 3/2019 Thép Dana Ý đã tạm dừng sản xuất 12 tháng, tương ứng với đó là 4 quý lỗ liên tiếp với tổng lỗ 4 quý gần đây hơn 320 tỷ đồng. Còn tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2019 đã trên 262 tỷ đồng.

Thép Dana Ý cũng cho biết hiện thành phố đã có chủ trương di dời một phần hoạt động sản xuất vào hoạt động tại KCN Hòa Khánh. Ngoài ra, tháng 6 vừa qua Thép Dana Ý đã chính thức có đơn kiện ngược lại UBND và Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng liên quan đến những thiệt hại mà đơn vị này phải gánh chịu từ quyết định của Thành phố, với tổng thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.

Thép Pomina lỗ kỷ lục 119 tỷ đồng

Thép Pomina (POM) không có câu chuyện đặc biệt nào, nhưng đã lỗ quý thứ 3 liên tiếp từ đầu năm, với số lỗ kỷ lục quý 3 gần 119 tỷ đồng, nâng tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2019 lên trên 250 tỷ đồng. Doanh thu 9 tháng đầu năm cũng giảm hơn 9%, còn 9.151 tỷ đồng.

Nguyên nhân doanh thu giảm, theo giải trình từ phía công ty do trong hệ thống của công ty đang có 1 nhà máy ngưng sản xuất do sự cố thiết bị, dẫn đến sản lượng hàng bán giảm, và nhà máy đã khắc phục sự cố, bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10 vừa qua.

BCTC của Pomina cho biết, ngoài nguyên nhân chi phí giá vốn đội lên cao, thì gánh nặng chi phí lãi vay cũng góp phần lớn làm lợi nhuận giảm sút. Tổng chi lãi vay 9 tháng đầu năm lên đến 265 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của Pomina còn hơn 6.600 tỷ đồng.

Thép Việt Ý kinh doanh sụt giảm từ khi về tay Kyoei Steel

Nhắc đến Thép Việt Ý (VIS), nhà đầu tư nhớ ngay đến những thương vụ sang tên đổi chủ đình đám từ khi Sông Đà thoái vốn năm 2017. Thép Việt Ý đã có những quý lãi kỷ lục khi chính thức về tay Thái Hưng, tuy nhiên sau đó là giai đoạn kinh doanh khó khăn, tiếp tục thua lỗ khi chuỗi ngày sang tên đổi chủ chưa kết thúc. Doanh nghiệp của Nhật, Thép Kyoei xuất hiện, và chỉ một thời gian ngắn, từ một cổ đông chiến lược, Thái Hưng đã dần sang tên cổ phần tại Việt Ý cho Kyoei -  đối tác Nhật nắm quyền chi phối tại Thép Việt Ý.

Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 Thép Việt Ý giảm 11% so với cùng kỳ, đạt 3.448 tỷ đồng. Và ngay cả giá vốn cũng cao hơn doanh thu, khiến Thép Việt Ý ghi nhận lỗ hơn 141 tỷ đồng trong 9 tháng, nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối lên 467 tỷ đồng. Quỹ 3/2019 vừa qua cũng là quý thứ 6 liên tiếp Việt Ý báo lỗ.

Doanh nghiệp ngành thép báo lỗ quý 3 còn có Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) và Thép Tiến Lên (TLH), trong đó Thép tấm lá Thống Nhất đã lỗ quý thứ 5 liên tiếp.

Hàng loạt doanh nghiệp thép gặp khó

Cũng câu chuyện liên quan đến thoái vốn. Cái tên Thái Hưng đã xuất hiện tại Tisco sau khi SCIC thoái vốn. Và không lâu sau đó, kịch bản tại Thép Việt Ý lặp lại khi Thái Hưng đăng ký bán ra phần lớn số cổ phần tại Tisco. Tuy nhiên "ván bài" này không suôn sẻ như khi bày ra tại Thép Việt Ý. Nguyên nhân, bởi sau khi Sông Đà thoái vốn, Thái Hưng đã nắm cổ phần chi phối tại Thép Việt Ý, và việc sang tay cho Kyoei Steel thuận lợi. Tuy nhiên tại Tisco vẫn còn đó cổ đông nhà nước – VnSteel với tỷ lệ sở hữu chi phối 65%, do vậy Thái Hưng đã nhiều lần rao bán bớt cổ phần Tisco nhưng không thành.

Kết quả kinh doanh, lợi nhuận quý 3 của Tisco chưa bằng một nửa cùng kỳ với 3,2 tỷ đồng, nâng tổng lãi 9 tháng đầu năm lên 41 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Doanh thu 9 tháng cũng giảm 7%, còn 7.652 tỷ đồng.

Tính đến hết quý 3 tổng nợ Tisco lên đến 8.039 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 5.120 tỷ đồng, gấp đôi tài sản ngắn hạn. Nợ dài hạn 2.919 tỷ đồng. Nếu so với vốn chủ 1.899 tỷ đồng, thì hiện nợ đang cao gấp 4 lần vốn chủ, trong đó riêng nợ vay 4.976 tỷ đồng – gấp 2,6 lần vốn chủ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thép còn lại, dù không lỗ, nhưng phần  lớn trong số đó đều có kết quả kinh doanh giảm sút mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, Thép Hòa Phát (HPG) đạt 15.087 tỷ đồng doanh thu qúy 3, tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.794 tỷ đồng, giảm đến 25% so với quý 3 năm ngoái. Điểm sáng khác trong quý III vừa qua của Hòa Phát là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó sản lượng cung cấp bò Úc, trứng gà sạch, heo an toàn sinh học đã vươn lên top dẫn đầu cả nước và đóng góp doanh thu khoảng 1.840 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm Thép Hòa Phát đã cho ra thị trường khoảng 2 triệu tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó doanh thu thuần cũng tăng 10%, lên trên 45.680 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế còn 5.655 tỷ đồng, giảm 17% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.

Trong khi đó, qua 9 tháng 2019, Thép Nam Kim đạt 8.975 tỷ đồng doanh thu, giảm 20,9% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn tăng cao dẫn tới lợi nhuận sau thuế chỉ còn 40 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi hơn 230 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.

Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN) cũng trải qua quý 3 với doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý 3 giảm 7,6%, xuống còn hơn 5.700 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt chưa đến 42 tỷ đồng, giảm đến 71% so với quý 3 năm ngoái.

Còn tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần đạt gần 18.000 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 43%, còn 445 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản chậm lại, giá quặng sắt vẫn ở mức cao, thì kết quả kinh doanh quý 3 của ngành thép giảm sút không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp ngành thép ngoài việc tiết giảm chi phí, gia tăng sản lượng bán hàng, còn tìm nhiều hướng đi mới để vượt qua giai đoạn khó khăn. Câu chuyện kết hợp với nhau như Nam Kim và SMC là một phương án khi các doanh nghiệp đang từng bước kết lại thành một khối nhằm tăng sức cạnh tranh, tăng năng lực sản xuất và tiêu thụ.

Hải Tiến
Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt doanh nghiệp ngành thép lâm cảnh khốn đốn tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngành thép sắp hết được hưởng ưu đãi về thuế?
Ngành thép Việt Nam được cho là sẽ có những biến động nhất định trong thời gian tới do cơ quan quản lý có ý định tăng thuế nhập khẩu và những cáo buộc từ bên ngoài về sự bảo hộ của Chính phủ đối với mặt hàng ống thép không gỉ.
Thuế thép - thêm cảnh báo chuyện xuất xứ
Quyết định áp thuế của Mỹ lên một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam là một hồi chuông cảnh báo để các bộ, ban ngành của Việt Nam siết chặt lại công tác quản lý xuất xứ hàng hóa.