Ngành thép sắp hết được hưởng ưu đãi về thuế?
TCDN - Ngành thép Việt Nam được cho là sẽ có những biến động nhất định trong thời gian tới do cơ quan quản lý có ý định tăng thuế nhập khẩu và những cáo buộc từ bên ngoài về sự bảo hộ của Chính phủ đối với mặt hàng ống thép không gỉ.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 125 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan do Bộ Tài chính công bố ngày 8/8, cơ quan này đã đề xuất tăng thuế đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 lên 5% thay vì mức 0% như hiện hành.
Lý do đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng này được bộ Tài chính đưa ra là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3.
Bộ Tài chính cho biết thống kê số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 năm 2018 đạt 5,3 triệu tấn với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,09 tỉ USD. Trong đó, 88% tổng kim ngạch nhập khẩu chịu thuế suất MFN là 0%.
Dẫn báo cáo của Hiệp hội Thép, Bộ Tài chính cho biết nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng trong nước khoảng hơn 10 triệu tấn/năm. Còn năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng gần 50%, dự kiến cuối năm 2019 sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước khi nhà máy của Công ty Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi và Công ty Formosa đi vào hoạt động.
Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Do trong nước đến nay đã sản xuất được một số mã hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 và năng lực sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.
"Mặt hàng thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu có mức thuế suất cơ bản từ 5-25%, như vậy phù hợp với nguyên tắc thuế nhập khẩu tăng dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm", Bộ Tài chính thông tin.
Về tác động của việc tăng thuế suất thép cán nóng từ 0% lên 5%, Bộ Tài chính cho biết khả năng tăng thu ngân sách nhà nước với số thuế nhập khẩu tăng là 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, khi mức thuế suất được tăng lên 5% thì các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc. Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước thực tế sẽ thấp hơn con số tính toán nêu trên.
Tuy nhiên, để đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0%, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí xin giấy chứng nhận xuất xứ và tìm đối tác nhập khẩu mới. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên 5% sẽ có tác động đến chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 8/8, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR, thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Theo đó, DGTR quyết định biên độ trợ cấp với các nhà sản xuất/xuất khẩu ống thép của Việt Nam là 0% - 11,96% (trong đó có hai doanh nghiệp nhận biên độ trợ cấp là 0%), thấp hơn rất nhiều so với mức 21,7-29,8% từ Trung Quốc.
Thời hạn DGTR kiến nghị áp thuế chống trợ cấp với các biên độ nói trên kéo dài đến năm năm, khả năng xét lại phán quyết gần như không có.
Trước đó, giữ vai trò nguyên đơn của vụ kiện là Hiệp hội sản xuất ống thép không gỉ và một số công ty sản xuất của Ấn Độ.
Nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất/xuất khẩu hàng hoá bị điều tra của Việt Nam đã được nhận các khoản trợ cấp như ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, ưu đãi khoản vay, hỗ trợ xuất khẩu… từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp của Việt Nam, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ.
Thời kỳ điều tra về trợ cấp được DGTR xác định từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, trong khi giai đoạn thiệt hại được tính từ 2014-2017, kể cả thời kỳ điều tra trợ cấp.
Trước đó, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899