Thuế thép - thêm cảnh báo chuyện xuất xứ

14/07/2019, 10:02

TCDN - Quyết định áp thuế của Mỹ lên một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam là một hồi chuông cảnh báo để các bộ, ban ngành của Việt Nam siết chặt lại công tác quản lý xuất xứ hàng hóa.

Áp lực gia tăng, nguy cơ đã được cảnh báo trước

Theo thông lệ trước đây của Mỹ, nếu doanh nghiệp nhập khẩu thép cán nóng, sau đó sản xuất thành các chủng loại thép khác thì được coi là chuyển đổi đáng kể và không bị coi là lẩn tránh thuế. Tuy nhiên, trong ba năm trở lại đây, phía Mỹ đã thay đổi quan điểm và yêu cầu thép phải được sản xuất từ thép cán nóng sản xuất trong nước mới được coi là không trốn thuế.

thep_thanhoa

Trong năm năm gần đây, ngành sản xuất thép Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, với mức độ ngày càng gia tăng. Báo cáo cạnh tranh năm 2018 của Bộ Công Thương cho biết: tính đến cuối năm 2017, ngành thép Việt Nam đã chịu gần 30 vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 25% tổng số vụ kiện trong năm và là ngành bị kiện tụng nhiều nhất hiện nay.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỉ đô la Mỹ năm 2018. Tuy vậy, về tỷ trọng thì thép nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu thép của Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với các nước thuộc tốp đầu như Canada, Brazil, Mexico, Nga... Riêng Hàn Quốc và Đài Loan (hai nước mà Bộ Thương mại Mỹ cho rằng có lẩn tránh thuế qua Việt Nam) chiếm lần lượt khoảng 10% và 4% thị phần trong tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ.

Tự chủ nguồn nguyên liệu, minh định xuất xứ

Động thái mạnh từ phía Mỹ cho thấy Mỹ muốn ngăn chặn tận gốc các hàng hóa gian lận xuất xứ chứ không riêng gì ngành thép.Việc Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp mức thuế rất cao lên các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan rõ ràng là tin không vui đối với ngành thép.

Tuy nhiên, xét trên quy mô tổng thể thì việc áp thuế trên thực tế có thể sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép trong nước. Lý do là phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của ngành thép hiện nay vẫn là thép xây dựng.

Bên cạnh đó, Mỹ chỉ áp thuế với các sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan nên nếu các doanh nghiệp Việt Nam chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất trong nước thì sẽ không bị đánh thuế.

Hiện nguồn thép cán nóng trong nước đang dần được gia tăng nhờ hoạt động của nhà máy Formosa Hà Tĩnh.

Tập đoàn Hòa Phát - một trong những công ty lớn nhất trong ngành thép hiện nay - cho biết quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của công ty vì trước nay doanh nghiệp này chưa xuất khẩu sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội. Về mặt tổng thể, tập đoàn này không xuất khẩu quá nhiều, đồng thời có chính sách “không bỏ trứng vào một giỏ”. Ngoài ra, với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất, Hòa Phát đang tiến tới chủ động hơn nguồn nguyên liệu sản xuất (thép cuộn cán nóng).

Mặc dù vậy, quyết định áp thuế của Mỹ cũng thêm một hồi chuông cảnh báo để các bộ, ban ngành của Việt Nam siết chặt lại công tác quản lý xuất xứ hàng hóa. Động thái mạnh từ phía Mỹ cho thấy Mỹ muốn ngăn chặn tận gốc các hàng hóa gian lận xuất xứ chứ không riêng gì ngành thép. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận trước mắt mà tiếp tay cho các hành vi gian lận thì sẽ rất nguy hiểm cho hàng loạt ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, phía Mỹ có thể tạm dừng nhập, điều tra chống bán phá giá hoặc gian lận thương mại. Khi đó các công ty làm ăn chân chính cũng bị vạ lây.

Thị trường Mỹ đang là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng gần 30% trong sáu tháng đầu năm 2019. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đang mang đến những cơ hội nhất định cho Việt Nam nhưng nếu không quyết liệt hạn chế những rủi ro từ hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại thì cũng không thể tận dụng được những cơ hội này. Thậm chí, trong kịch bản xấu, “phần mất” còn lớn hơn “phần được”!

Được biết, để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, phân công lại và siết chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ (CO), đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp thận trọng trong việc mở rộng đầu tư sản xuất sản phẩm thép do nguồn cung trên thế giới có hiện tượng dư thừa, chưa kể nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng này.

Theo Kinh Tế sài gòn
Bạn đang đọc bài viết Thuế thép - thêm cảnh báo chuyện xuất xứ tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899