Hành trình gian nan để trở thành ngôi sao trên bầu trời công nghệ giáo dục Việt Nam

05/11/2020, 14:11

TCDN - Sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ ngoại, đại dịch COVID-19 và một số trở ngại khác đang cản trở hành trình vươn lên vị thế dẫn đầu của giới startup công nghệ giáo dục ở Việt Nam.

Khi trò chuyện với Tech in Asia vào năm 2018, ông Phạm Minh Tuấn, người sáng lập và Tổng giám đốc lúc bấy giờ của Topica, tỏ ra rất phấn khởi, vì Topica vừa nhận khoảng vốn đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D từ quỹ đầu tư tư nhân Singapore Northstar Group.

2 năm sau, 50 triệu USD vẫn là một trong những số vốn lớn nhất mà một startup công nghệ Việt Nam từng nhận. Ra đời vào năm 2009, Topica tập trung vào 3 mảng: Topica Native (dịch vụ dạy Tiếng Anh cho người trưởng thành), Edumall (cung cấp các khoá học ngắn) và Topica Uni (hợp tác với các trường đại học để thực hiện các chương trình cử nhân trực tuyến).

Hồi tháng 1 năm nay, ông Phạm Minh Tuấn thôi chức Tổng giám đốc. Người kế nhiệm ông là Nguyễn Huy Đức, giám đốc tài chính. Tân Tổng giám đốc nói ông sẽ "tinh giản" vận hành và đầu tư mạnh vào các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) cho trẻ em và học viên trẻ.

DealStreetAsia khẳng định Topica đã sa thải một số lượng lớn nhân sự do áp lực của các nhà đầu tư và để giảm chi phí vận hành. Ngược lại, Tech in Asia đưa tin Topica đang đẩy mạnh mở rộng, cả về thị trường và số lượng sản phẩm. Ban lãnh đạo Topica không hé lộ những ưu tiên hiện nay của công ty.

Câu chuyện của Topica cho thấy các startup giáo dục không dễ có chỗ đứng ngay cả khi tiềm năng thị trường rất lớn. Thị trường edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023, theo Ken Research.

Vài năm gần đây, đa số doanh nghiệp công nghệ giáo dục đều vận hành theo mô hình như của Topica mà không tạo ra các tính năng đáng chú ý để tạo sự khác biệt với những đối thủ lớn," bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập Do Ventures, nhận định. Theo bà, một số startup công nghệ giáo dục sáng tạo trên thị trường đã bắt đầu nhận vốn đầu tư, song qui mô của họ còn rất nhỏ.

Khi giới quan sát kì vọng COVID-19 là một tác nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của công nghệ giáo dục, các startup của Việt Nam nên làm gì để có thể cạnh tranh và trở thành Topica, hay thậm chí là Ruangguru hay Byju (những doanh nghiệp công nghệ giáo dục có trị giá trên 1 tỉ USD) tiếp theo?

Austin Carter đồng sáng lập Edu2Review vào năm 2017 cùng 2 người bạn. Edu2Review muốn giúp phụ huynh và học sinh có nguồn thông tin đáng tin cậy về các trường đại học, cao đẳng, trường ngoại ngữ và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục khác tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo Austin Carter, Edu2Review đang có khoảng 1,5 triệu người hoạt động hàng tháng và có khoảng 10.000 đối tác cung cấp dịch vụ giáo dục cung cấp thông tin. Hồi tháng 8/2018, Edu2Review tuyên bố họ đã nhận vốn từ Nest Tech, một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Singapore.

Mặc dù người dùng có thể tự tìm thông tin về các cơ sở giáo dục trên Google hoặc Facebook, Edu2Review cho phép họ so sánh nhanh các thông tin như học phí, nhận chiết khấu, nhận hoàn tiền sau một tuần học thử và đọc các đánh giá xác thực từ người dùng. Với các khoá học trong nước, người dùng thậm chí có thể đăng kí học thông qua nền tảng.

Carter nói rằng Edu2Review hoạt động tương tự Booking.com, nghĩa là công ty thu phí trung gian trên mỗi giao dịch.

e-learning

Song, do hoạt động phụ thuộc và các trung tâm giáo dục trực tiếp ở Việt Nam nên khi COVID-19 bùng phát vào tháng 2, Edu2Review chịu ảnh hưởng nặng nề. Lượng đăng kí học giảm 25%-30%. Để bù đắp tổn thất, Edu2Review bắt đầu làm việc với các trường đại học để quảng cáo và hỗ trợ hoạt động tuyển sinh.

Một startup công nghệ giáo dục khác là Everest Education đã quyết định mở các lớp học trực tuyến từ tháng 12/2019. Chiến lược chuyển dịch đã góp phần tạo nên những kết quả tích cực.

"Chúng tôi có thể đưa rất cả lớp trực tiếp lên online chỉ một tuần sau khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc hồi tháng 2 trong khi nhiều trung tâm khác dường như ngủ quên", Tony Ngo, đồng giám đốc Everest, nói với Tech in Asia.

Everest không có ứng dụng đi động. Thay vào đó, công ty tập trung vào yếu tố giao tiếp trong giáo dục trực tuyến, nên học viên có thể tương tác và luyện tập với bạn bè, giáo viên. Nhờ đó, Everest không cần phải sa thải bất kì nhân sự nào trong đại dịch.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Hành trình gian nan để trở thành ngôi sao trên bầu trời công nghệ giáo dục Việt Nam tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan