Hậu IPO Vinafood 2, nhìn về tương lai các doanh nghiệp cổ phần hoá

22/04/2020, 15:04

TCDN - Dường như lối quản trị “trước IPO có sao thì sau IPO dùng vậy” đang khiến “ông lớn” ngành lương thực Vinafood 2 (Tổng Công ty lương thực miền Nam) chưa được vực dậy thành công, đẩy các cổ đông chiến lược vào tình trạng “mất nhiều hơn được” sau thương vụ IPO đình đám này.

vina

Sau 2 năm thương vụ IPO đình đám

Tháng 2/2018, Vinafood 2 phát đi thông báo mời tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Theo bản công bố thông tin của Vinafood 2, giá khởi điểm đợt chào bán công khai là 10.100 đồng/cổ phần. Như vậy, để sở hữu 25% cổ phần của Vinafood 2, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.262 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước những thông tin không mấy tích cực tại Vinafood 2 trong việc quản lý, sử dụng vốn sai quy định với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, dẫn đến hậu quả kinh doanh thua lỗ, nợ khó đòi, mất vốn Nhà nước đã khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà. Chỉ có 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia là Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển (hay được gọi là bầu Hiền) và Công ty Cổ phần FPT. Tuy nhiên sau đó, do hồ sơ dự thầu của FPT không hợp lệ nên T&T Group đã ‘bất đắc dĩ” trở thành ứng viên duy nhất.

Trong bối cảnh Vinafood 2 đang chìm trong thua lỗ với rất nhiều các vấn đề cần xử lý, việc bầu Hiển bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng để đầu tư vào Vinafood 2 được đánh giá như “phao cứu sinh” cho Vinafood 2 lúc bấy giờ. Thị trường kỳ vọng với đầu óc nhạy bén của bầu Hiển, tiềm lực tài chính và hệ sinh thái đa ngành đang hoạt động có hiểu quả tại T&T Group sẽ giúp giải quyết triệt để các vấn đề đang tồn tại ở Vinafood 2 và vực dậy thành công thương hiệu này, giống như kịch bản với Bình An Bianfishco giai đoạn trước.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm IPO, tình hình kinh doanh của Vinafood 2 vẫn không khởi sắc, cả năm 2018 và 2019 Vinafood 2 đều báo lỗ. Với việc bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng để nắm giữ 25% cổ phần tại Vinafood 2, trước kết quả thua lỗ này, chắc chắn với bất cứ nhà đầu tư nào cũng không thể hài lòng.

Chính vì vậy, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào cuối tháng 2/2020 vừa qua, ông Đỗ Ngọc Khanh, đại diện cổ đông chiến lược sở hữu 33,74% vốn điều lệ (trong đó có Tập đoàn T&T Group) cũng đã khẳng định, việc Vinafood 2 kinh doanh thua lỗ kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ mất vốn của các cổ đông, mất vốn Nhà nước nếu không có các biện pháp, giải pháp đồng bộ, hành động cụ thể, quyết liệt. Đồng thời, yêu cầu HĐQT, BGĐ Vinafood 2 phải có những chiến lược, giải pháp cụ thể để nhanh chóng ổn định sản xuất, giảm lỗ hòa vốn trong giai đoạn 2020-2021 và bắt đầu có lãi từ năm 2021-2022. 

Trên thực tế, mặc dù bỏ ra số tiền lớn để trở thành cổ đông chiến lược tại Vinafood 2, nhưng thời gian qua T&T Group không hề nắm quyền điều hành và chi phối “ông lớn” ngành lương thực như lời đồn. Bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch kinh doanh hàng năm hay các phương án đầu tư, giải pháp phát triển thị trường… đều thuộc thẩm quyền của HĐQT.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm rằng, dù có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, nhưng nhà nước vẫn nắm quyền chi phối và kiểm soát Vinafood 2 thông qua Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi nắm giữ tới 51% cổ phần. Điều này cũng đồng nghĩa, dù Vinafood 2 đã thông qua việc bổ sung thêm các ngành nghề kinh doanh mới tại ĐHĐCĐ vừa qua, trong đó có kinh doanh bất động sản thì T&T Group cũng không thể nối dài cánh tay để thâu tóm những mảnh “đất vàng” của Vinafood 2 như thị trường vẫn đặt câu hỏi.

Thực tế cho thấy, ngoài HĐQT nắm quyền quyết định, còn có Ban kiểm soát kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp và không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong từng đường đi nước bước tại đây, chưa kể đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tài sản trên đất cũng là vấn đề rất lớn, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai hiện hành. 

Tương lai nào cho Vinafood 2?

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc cổ phần hóa phải mang đến sự thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới” thì mới đem lại hiệu quả.

Điều này dường như hoàn toàn đúng với trường hợp của Vinafood 2. Mặc dù đã có sự tham gia của nhóm các cổ đông mới bên ngoài, có cơ cấu vốn mới, nhưng dường như chưa thực sự có một cuộc thay đổi, cải tổ về chất tại Vinafood 2. Bộ máy quản trị tại đây suốt 2 năm từ sau cổ phẩn hóa vẫn là những con người cũ, bộ máy cũ và lối điều hành cũ, quản trị vẫn mang dấu ấn đậm nét của quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Việc tái cấu trúc doanh nghiệp - yếu tố then chốt quyết định sự thành – bại của một doanh nghiệp sau cổ phần hoá tại Vinafood 2 chưa được thực hiện và hoạt động có hiệu quả. Nói cách khác, trước IPO có sao, thì sau IPO Vinafood 2 vẫn dùng vậy, chỉ là “bình mới – rượu cũ”. Đó là chưa nói tới do những hệ lụy của giai đoạn trước cổ phần hóa, khiến cho gần 2 năm kể từ thời điểm Vinafood 2 IPO thành công, việc quyết toán vốn Nhà nước vẫn chưa hoàn tất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tới nay quá trình cổ phần hóa tại Vinafood 2 vẫn chưa cán đích.

Cũng tại ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 2/2020 vừa qua, nội dung này cũng đã được đưa ra. Theo đó, do việc quyết toán bàn giao sang CTCP của Vinafood 2 chưa thể hoàn tất, nên nhóm cổ đông chiến lược đã kiến nghị ban lãnh đạo công ty sớm giải quyết vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất để xúc tiến quá trình, đồng thời yêu cầu công ty sớm có phương án tái cấu trúc trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chuẩn hóa hoạt động bằng các quy chế, quy định trước ngày 30/9/2020. Bởi đặt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu Vinafood 2 không nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp vốn đã rệu rã do hàng loạt “di chứng” từ thời kỳ trước cổ phần hóa để “thay máu” hoạt động quản trị doanh nghiệp thì nguy cơ “tay trắng” của cả cổ đông nhà nước và cổ đông bên ngoài là rất lớn.

Việc Vinafood 2 đang thực hiện những thay đổi về nhân sự mà tiêu điểm là sếp cũ của Sabeco là ông Võ Thanh Hà - hiện đang là Tổ trưởng Tổ đại diện vốn Nhà nước tại Vinafood 2, sở hữu 20% vốn điều lệ sẽ giữ vị trí Chủ tịch HĐQT được kỳ vọng sẽ “thanh lọc” và xử lý triệt để những tồn tại của bộ máy vận hành cồng kềnh, quan liêu của giai đoạn trước. Cùng với BLĐ mới mà đại diện là bà Nguyễn Thị Hoài - Tổng Giám đốc sẽ giải quyết được nhiệm vụ cấp thiết trước mắt là giảm lỗ, hòa vốn ngay trong năm nay, từng bước vực dậy Vinafood 2, mang lại tín hiệu mới khả quan, tươi sáng hơn cho Vinafood 2.  

Nhưng đó vẫn là kỳ vọng, còn thực tế có thể vực dậy được một thương hiệu quốc gia như Vinafood 2 hay không, phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm, nỗ lực của một tập thể nhằm hiện thực hóa một chủ trương lớn của nhà nước, đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

                                                                                                        Theo Nhà Đầu tư 

Bạn đang đọc bài viết Hậu IPO Vinafood 2, nhìn về tương lai các doanh nghiệp cổ phần hoá tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899