Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đối mặt khủng hoảng niềm tin
TCDN - Bằng cách làm giả các khoản vay, những kẻ lừa đảo trong các ngân hàng Trung Quốc đã lấy gần 6 tỷ USD tiền gửi của khách hàng.
Bloomberg nhận định những bất ổn trong nền kinh tế - xã hội của Trung Quốc đang tăng khi loạt bê bối liên quan đến hệ thống ngân hàng nông thôn Trung Quốc được phơi bày. Vụ việc liên quan đến vụ lừa đảo hàng tỷ USD từ người gửi tiền tại nhóm ngân hàng nông thôn.
Niềm tin lung lay
Cơ quan điều tra cho hay Henan Xincaifu Group Investment Holding Co., cổ đông chính của 5 ngân hàng nông thôn, đã thông đồng với các nhân viên ngân hàng để lấy khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,9 tỷ USD) tiền gửi và đầu tư.
Vụ việc đã dẫn đến làn sóng biểu tình của những người gửi tiền, kéo theo việc tẩy chay với các khoản thanh toán thế chấp vì dự án nhà ở chậm bàn giao.
Kết quả điều tra cho thấy nhóm đối tượng lừa đảo đã sử dụng các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, để thu hút người gửi tiền và sau đó làm giả các thỏa thuận cho vay để chuyển tiền đi. Hiện, Tập đoàn Xincaifu đã ngừng hoạt động và các ngân hàng liên quan cũng đã yêu cầu các khách hàng chịu ảnh hưởng đăng ký thông tin trực tuyến với họ để có thể lấy lại tiền.
Bê bối này làm lung lay niềm tin vào hệ thống ngân hàng địa phương tại Trung Quốc. Hiện nhóm này có khoảng 3.800 ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cấp tín dụng cho vùng nông thôn đang phát triển rộng lớn của đất nước tỷ dân.
Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã đưa gần 300 ngân hàng nông thôn vào danh sách các tổ chức tín dụng rủi ro cao.
“Niềm tin vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã giảm trong thời gian này. Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ thắt chặt các quy định đối với các ngân hàng ở nông thôn", Zhiwu Chen, Giáo sư tài chính tại trường Kinh doanh Đại học Hong Kong, bình luận.
Chiêu lách luật của ngân hàng nông thôn
Phần lớn ngân hàng nông thôn của Trung Quốc được thành lập sau cuộc cải cách tài chính nông thôn đầu những năm 2000.
Vào cuối tháng 3, tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng nông thôn ở mức 3,37%, cao gấp đôi so với các ngân hàng khác. Đồng thời,tỷ lệ vốn chủ trên giá trị tài sản rủi ro thấp nhất trong số các ngân hàng Trung Quốc.
Mặc dù được gắn mác là ngân hàng địa phương nhưng một số ngân hàng Trung Quốc có quy mô khá lớn. Ví dụ, Shanghai Commercial Rural Bank Co. có giá trị tương đương với ngân hàng Commerzbank AG của Đức (ngân hàng lớn thứ hai nước Đức).
Trung Quốc quy định các ngân hàng nông thôn không được phép huy động vốn bên ngoài địa phương của họ nhưng những bê bối gần đây cho thấy họ đã lách luật bằng cách dùng các nền tảng online để thu hút tiền gửi. Nhiều người ở nơi khác đã tìm đến để rút tiền khi bê bối diễn ra.
Tom, một chủ doanh nghiệp nhỏ đến từ miền đông Trung Quốc, đã gửi 1,2 triệu nhân dân tệ vào 4 ngân hàng liên quan do mức lãi suất cao của các ngân hàng trên mạng.
“Tôi thực sự hối hận khi gửi tiền của gia đình vào đó, nhưng ai lại nghĩ rằng tiền gửi ngân hàng có thể bị lừa?”, người đàn ông 32 tuổi thổ lộ.
Martin Chorzempa, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận: “Từ các vụ bê bối, ta có thể thấy hệ thống quản lý đã không thực hiện đúng các quy định. Trong trường hợp này, các ngân hàng Trung Quốc quy mô nhỏ không được phép huy động vốn thông qua hình thức trực tuyến. Song, họ vẫn làm và làm nó ở quy mô khá lớn".
Giới chức Trung Quốc đã trải qua nhiều năm cố gắng giải quyết các vấn đề trong ngành nhưng kế hoạch không thành công như mong đợi.
Vụ bê bối diễn ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm. Nhà chức trách đang bắt đầu bồi thường cho những người bị mất tiền tiết kiệm. Mới đây, ông Tập Cận Bình yêu cầu các cơ quan quản lý duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính, giải quyết các rủi ro liên quan đến các ngân hàng nông thôn và nghiêm trị tội phạm tài chính.
Ngoài ra, chính sách Zero Covid khắc nghiệt của Trung Quốc cũng đang gây áp lực với nền kinh tế, khiến các ngân hàng nhỏ hơn lâm vào tình thế khó khăn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899