Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội: Chính sách thiếu cụ thể, chính quyền chưa sẵn sàng

28/03/2019, 09:25

TCDN - Doanh nghiệp xã hội đã tồn tại ngay cả khi khái niệm này chưa được đưa vào Luật Doanh nghiệp 2014. Chính sách hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp này không thiếu, từ tiếp cận tín dụng... nhưng chung chung nên không thể thực hiện.




Chỉ có 54 doanh nghiệp xã hội

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), cho biết, có 3 đóng góp to lớn mà các doanh nghiệp xã hội mang lại cho cộng đồng, đó là: đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội mà hiện giờ chưa được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, thể chế tài chính chưa chú ý tới như vấn đề năng lượng mới, vấn đề xử lý rác thải môi trường; hòa nhập cộng đồng những người yếu thế, những người nghèo.

Hiện có 54 doanh nghiệp chính thức đăng ký là doanh nghiệp xã hội theo điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phản ánh, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xã hội cái gì cũng có, từ tiếp cận tín dụng, mặt bằng cho đến thị trường... nhưng chung chung, vì thế không thể nào thực hiện được.

Khảo sát ở Hoà Bình và Lào Cai cho thấy, địa phương có ban hành kế hoạch hành động thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xã hội nhưng chỉ đơn thuần nhắc lại quy định của luật, không biết hỗ trợ cho ai và hỗ trợ như thế nào. Hòa Bình hiện chỉ có 10/14 doanh nghiệp xã hội cộng đồng được tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng với quy mô vay vốn còn thấp và lãi suất vay còn cao. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Lào Cai có là 16/22.

Bà Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Du lịch Sapa O’Chau chia sẻ, ngôn ngữ là rào cản lớn đối với bà con dân tộc dẫn đến khó tiếp cận chính sách của nhà nước; Doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn thông tin và còn nhiều bỡ ngỡ về thủ tục vay vốn; Thủ tục pháp lý còn rắc rối và không biết tìm đến đâu để được giải thích rõ ràng; Khó tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển... Những nhà đầu tư từ bên ngoài đến ồ ạt trong khi nội lực địa phương (người dân, chính quyền...) chưa sẵn sàng, dẫn tới thiếu kỹ năng việc làm, người lao động nhập cư quá mức, phá vỡ sự cân bằng của cộng đồng...

Cải cách điều kiện kinh doanh là vấn đề sống còn

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, doanh nghiệp xã hội chỉ có thuận lợi là sự tự tin và khát vọng, nhưng khó khăn thì vô vàn. Do vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xã hội, phát triển, cải cách điều kiện kinh doanh là vấn đề sống còn. Chẳng hạn muốn kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế phải ký quỹ 250 triệu đồng trong khi đi vay vốn chỉ được 50 triệu đồng như doanh nghiệp xã hội Du lịch Sapa O’Chau phản ánh. Đồng thời, phải có bốn năm kinh nghiệm ở những lĩnh vực mà một người phải nghỉ học rất sớm để bán hàng như lãnh đạo doanh nghiệp Du lịch Sapa O’Chau ngày trước thì không thể nghĩ tới. Với những điều kiện như vậy, kinh doanh lữ hành nội địa còn quá xa vời, chưa nói đến lữ hành quốc tế.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM nhấn mạnh, cần sửa đổi khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội tại Luật Doanh nghiệp, mở rộng khái niệm doanh nghiệp sang các pháp luật kinh doanh khác. Hoàn thiện các quy định hướng dẫn thực thi các quy định liên quan đến doanh nghiệp xã hội; đơn giản hóa các thủ tục hành chính với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội.

Doanh nghiệp xã hội là mô hình kinh doanh sáng tạo, là những ý tưởng mới được áp dụng nhằm thỏa mãn các nhu cầu xã hội chưa được giải quyết và cải thiện cuộc sống của người dân, là giải pháp mới để giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu lực, hiệu quả, bền vững và công bằng hơn, giá trị tạo ra được chủ yếu phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, không phải lợi ích của cá nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp xã hội khó có thể phát triển tại địa phương. Ví dụ vấn đề vốn là khó khăn lớn nhất, phụ thuộc nhiều vào các nhà tài trợ; Nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ cũng như kĩ năng; Khó khăn trong việc tiếp cận thị trường; Quản trị doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc về trình độ quản lý, kỹ năng và trình độ trong xây dựng chiến lược, kế hoạch; Rào cản về thủ tục hành chính... Đặc biệt, nhận thức chung của xã hội về doanh nghiệp xã hội còn hạn chế, bởi nói đến doanh nghiệp xã hội không phải ai cũng biết và thực sự hiểu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, doanh nghiệp xã hội có vai trò to lớn trong việc cải thiện đời sống và sinh kế cho hộ quy mô nhỏ, hộ nghèo. Bởi vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi bổ sung cho doanh nghiệp xã hội tham gia cung cấp hàng hóa công, dịch vụ công cho các sản xuất nghèo, người dân cư trú tại các địa phương, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hộ dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tiếp cận nguồn lực phát triển và nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh (xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm và thị trường, quản trị tài chính và kế toán, marketing); Gắn kết, phối hợp hoạt động của doanh nghiệp xã hội với trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; Vận động chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp xã hội trong chuỗi giá trị nông nghiệp...

Mặt khác, cần thúc đẩy và chính thức hóa hình thức đối tác công - tư (PPP) trong các dự án xã hội và môi trường quy mô nhỏ; đồng thời, đóng vai trò điều phối lợi ích, liên kết giữa doanh nghiệp xã hội và hộ sản xuất nhỏ

Bà Tẩn Thị Su cho rằng, nên thiết lập một ban tư vấn (cấp tỉnh hoặc cấp huyện) dành cho các doanh nghiệp nhỏ và các mô hình khởi nghiệp tại cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tạo nhiều hơn những chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đã cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Mức cho vay phải hợp lý mới kinh doanh hiệu quả và tránh lãng phí vốn vay Nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện về đất đai cho các doanh nghiệp địa phương để phát triển kinh doanh.


Trần Tuân - Tạp chí TCDN số 3/2019
Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội: Chính sách thiếu cụ thể, chính quyền chưa sẵn sàng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận