Hòa Bình thu ngân sách chưa đủ chi

27/02/2023, 09:32
báo nói -

TCDN - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Hòa Bình còn một số hạn chế như xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét. Thu ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi.

Chiều 26/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình, kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Báo cáo của Tỉnh ủy Hòa Bình nêu rõ, năm 2022 đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 6.400 tỷ đồng, tăng 14,2%.

Nông nghiệp phát triển khá; nông dân được mùa, được giá; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 51,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,1%; trong đó, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,73%, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 7,5%; tổng lượng khách du lịch tăng 98,5%.

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 18.400 tỷ đồng, tăng 2,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gấp gần 1,9 lần số doanh nghiệp rúi lui khỏi thị trường.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 55% xã đạt nông thôn mới; có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Công tác quy hoạch được chú trọng; cải cách hành chính được quan tâm [chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 xếp thứ 26/63, tăng 28 bậc; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 36/63, tăng 17 bậc so với năm 2020].

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hòa Bình như xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét. Thu ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi.

Công nghiệp chế biến chế tạo chưa phát huy được vai trò là động lực tăng trưởng, còn phụ thuộc nhiều vào ngành điện lực. Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao chưa phát triển mạnh, chưa gắn với công nghiệp chế biến; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm.

Mặc dù tốc độ phát triển du lịch khá cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Số doanh nghiệp hoạt động còn ít (hiện có khoảng trên 2.300 doanh nghiệp). Môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm được cải thiện (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp gần cuối, thứ 62/63 địa phương cả nước).

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ; tốc độ đô thị hóa chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác quy hoạch, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; chậm hình thành các khu, cụm công nghiệp mới; chưa thu hút được nhiều đầu tư ngoài nhà nước.

Thủ tướng khẳng định, với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, có thể nói tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành trước tháng 5/2023.

Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số.

Thủ tướng chỉ rõ, cần tập trung cho đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội vừa khởi công, cùng với tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình để đưa Hòa Bình về gần hơn với Hà Nội, với cảng hàng không, cảng biển…; cao tốc Hòa Bình - Sơn La với hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể, đúng chuẩn cao tốc.

Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiền năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, chú trọng phương thức đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh gắn kết với công nghiệp chế biến, du lịch, nhất là những nông sản có thế mạnh.

Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hòa Bình. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung xóa những vùng lõm về điện và sóng di động.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thường xuyên lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình thu ngân sách chưa đủ chi tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan