[HỎI - ĐÁP] Công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại do tai nạn
TCDN -
Hỏi: Tôi có tham gia bảo hiểm trách nhiệm DSBB của cty AAA. Ngày 04/12/2019 tôi có bị tai nạn, công an kết luận Theo hồ sơ của công an huyện Tĩnh Gia thì: thiệt hại xe của anh Sơn do bị xe của tôi đẩy về phía trước trong trạng thái dừng đỗ để tránh tai nạn. Trong kết luận và xử lý vụ tai nạn cơ quan công an cũng đã phân định rõ lỗi của các bên và xác định rõ là 2 vụ tai nạn liền nhau (do ông Sơn đã dừng xe). Trong hồ sơ và hiện trường thực tế thì ông Sơn hoàn toàn không có lỗi vì đã dừng đỗ trước khi bị xe của tôi đâm vào và đẩy về phía trước sau khi hoàn tất hồ sơ thì công ty AAA không bồi thường cho tôi phần thiệt hại đầu xe do xe tôi đẩy xe của họ đâm vào xe khác cũng đang dừng đỗ vì tai nạn giao thông là đúng hay sai?
Đáp:
Trả lời câu hỏi của độc giả, đề nghị hướng dẫn về bảo hiểm theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Thông tư số 22/2016/TT-BTC), liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) có ý kiến như sau:
- Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP: “Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:
1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại.
2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
3. Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe.
4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.
7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt”.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 22/2016/TT-BTC: “1. Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
- Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Thông tư số 22/2016/TT-BTC: “b) Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm”.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 22/2016/TT-BTC: “Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về ... tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Cụ thể như sau: 2.Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
- Theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 Thông tư số 22/2016/TT-BTC: “4. Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này”.
Theo BTC
email: [email protected], hotline: 086 508 6899