Hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp tại Hà Nội

10/05/2019, 08:07

TCDN - Ngày 10/5, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp.

Hội thảo do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tổ chức.

​Toàn cảnh hội thảo

​Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có Bà Nguyễn Thị Cúc – Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch VTCA; Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính; Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng thương mại công nghiệp VN – VCCI; Ông Trần Hoài Phương - Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng HDBank; Ông Nguyễn Xuân Bắc - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Việt Hưng - Trưởng phòng Định chế, Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức Tài chính, Bộ Tài chính, cùng gần 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

​Ông Hà Khắc Minh - TBT Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo

​Ông Hà Khắc Minh - TBT Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Khắc Minh – Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp cho biết, với phương châm xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, Chính phủ đã và đang quyết liệt hành động, chỉ đạo các cơ quan đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Trên tinh thần ấy, là một cơ quan báo chí, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp xác định sứ mệnh của mình là chuyển tải thông tin một cách kịp thời, chú trọng thông tin mang tính chỉ dẫn, giải đáp các cơ chế chính sách, phản ánh các khó khăn cho doanh nghiệp, bạn đọc tới cơ quan quản lý nhà nước, trở thành cầu nối quan trọng, kết nối cơquan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Tại hội thảo này các diễn giả, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ trực tiếp vào các khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải để cùng nhau tìm ra giải pháp, làm thế nào doanh nghiệp tiếp cận được vốn, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng thuế đầy đủ nhưng chỉ trong thời gian ngắn nhất, thuận tiện nhất.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo


Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần sự hỗ trợ mạnh mẽ. Ngoài hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, đổi mới môi trường kinh doanh, cần đi thẳng vào vấn đề chính sách có đi vào cuộc sống hay không? Giai đoạn 2008 - 2009, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu 16.000 tỷ đồng với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đối tượng tiếp cận được nguồn vốn này chủ yếu là doanh nghiệp lớn do hồ sơ của doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ tiêu chuẩn.
Do vậy, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới đây cần xây dựng các tiêu chuẩn, “lưới lọc” phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời có cơ chế để các ngân hàng góp vốn vào quỹ. Qua đó, giảm bớt thủ tục, tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp cận các quỹ quốc tế hoặc các tổ chức cho vay của nước ngoài có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dân doanh để đa dạng các nguồn vốn tiếp cận cho doanh nghiệp.
Chức năng của các ngân hàng thương mại không giống các Quỹ hỗ trợ vốn của Nhà nước. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, là doanh nghiệp phải phục vụ tốt khách hàng, phải đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng đảm bảo chặt chẽ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, khó tiếp cận vốn vẫn là vấn đề thường trực của một bộ phận DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Khảo sát của VCCI cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, gần 1/3 không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 1/3 doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Vì vậy, cần có thêm những giải pháp hiệu quả hơn nữa để giúp khu vực doanh nghiệp này tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn. Theo đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (trong đó có khó khăn về tiếp cận vốn) theo chủ trương của Chính phủ.
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn, doanh nghiệp phải có dự án khả thi, quản trị minh bạch đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng. Ngân hàng cần đổi mới chính sách tín dụng, đồng thời phải bảo toàn vốn. Với vai trò cầu nối, thời gian qua VCCI đã cùng Tạp chí Tài chính doanh nghiệp tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhằm góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các tổ chức cung cấp vốn với doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HDBank trình bày tham luận

Ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HDBank trình bày tham luận


Ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HDBank chia sẻ, doanh nghiệp chưa được cung cấp giải pháp vốn, dịch vụ một cách đầy đủ, hiệu quả nhất cho hoạt động kinh doanh của mình. Ngân hàng chưa được tạo điều kiện để hiểu hết hoạt động của doanh nghiệp, điều kiện tài chính của doanh nghiệp dẫn đến hai bên chưa đến được với nhau. Điều quan trọng, doanh nghiệp hãy coi những người làm ngân hàng như là ba nhà, người bạn có thể chia sẻ các thuận lợi, khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, hãy xem ngân hàng như nhà tư vấn, theo đó ngân hàng có thể sẽ trở thành nhà tư vấn tốt cho doanh nghiệp, ngoài giải pháp tín dụng và các dịch vụ, ngân hàng còn có thể chia sẻ với doanh nghiệp những điều kiện kinh tế vĩ mô hay vi mô liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động. Đặc biệt ngân hàng có thể so sánh với những trường hợp thành công hay thất bại của doanh nghiệp khác.
Thứ ba, xem ngân hàng là nhà đồng hành với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh công khai, minh bạch tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế hơn so với doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính việc để ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp trong kế hoạch kinh doanh, thậm chí ngân hàng có thể cùng doanh nghiệp thương thảo với đối tác, qua đó ngân hàng sẽ hiểu hơn về hoàn cảnh, viễ cảnh của doanh nghiệp. Đó là ba yếu tố tốt hơn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Nếu làm được quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ thực sự tốt hơn.
Để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, hệ thống các ngân hàng thương mại nói chung, HDBank nói riêng sẽ đẩy mạnh truyền thông, chủ động tìm kiếm, đối thoại khách hàng, qua đó gợi mở hướng tiếp cận tín dụng cụ thể. HDBank đã và đang tiếp tục nghiên cứu các điểm nóng trong nền kinh tế để xây dựng các chương trình tín dụng đặc thù.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA trình bày tham luận tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA trình bày tham luận tại hội thảo

Liên quan đến vấn đề thuế, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA cho hay theo cơ chế hiện nay, doanh nghiệp phải tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm số liệu kê khai, cơ quan thuế không thực hiện quyết toán thuế hằng năm mà chỉ tiến hành tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế nợ thuế. Một số rủi ro trong quyết toán thuế không chính xác như: đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn: Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định trên là 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm cao hơn so với mức quy định của pháp luật về thuế.
Trường hợp vi phạm theo quy định trên thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định là 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu tại còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế nợ, số tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế xác định số tiền thuế thiếu, số ngày chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế; số tiền phạt và ra quyết định xử phạt đối với người nộp thuế.
Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế: Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế như: Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.

Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.
Huỷ bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
Sử dụng hoá đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; khai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận...


PV

 

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp tại Hà Nội tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận