Hơn 90 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 60%
TCDN - Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Sáng ngày 28/9/2021, Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500.000 tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy nhiệm vụ những tháng cuối năm còn rất lớn.
Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá kết quả, phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Báo cáo tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2021, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp là rất cần thiết.
Tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án (vốn trong nước: khoảng 2.114 dự án, vốn nước ngoài: khoảng 397 dự án), trong đó: 2.021 dự án chuyển tiếp và 490 dự án khởi công mới; mức vốn bố trí trung bình cho một dự án sử dụng vốn trong nước là 50,8 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 118,6 tỷ đồng, trung bình mỗi bộ, cơ quan trung ương và địa phương bố trí cho 4,3 dự án khởi công mới.
Đối với vốn ngân sách trung ương, hiện nay còn 34 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách địa phươn còn 14 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, nguyên nhân là do nguồn thu giảm, một số dự án dự kiến bố trí từ nguồn thu xổ số kiến thiết nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư và cũng không thể điều chỉnh nguồn thu này cho dự án khác.
Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân 8 tháng đạt 183.320,91 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 56,33%), trong đó vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%).
Đến nay có 04 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Tính đến ngày 27/9/2021, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 với tổng số vốn là 21.771,492 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 3.917,057 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 17.854,435 tỷ đồng. Có 06 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn là 1.643,888 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương trong nước là 1.595 tỷ đồng của 05 địa phương (Tuyên Quang: 600 tỷ đồng; Yên Bái 300 tỷ đồng, Thái Bình 400 tỷ đồng, Bình Thuận 100 tỷ đồng, Bình Phước 195 tỷ đồng) và vốn nước ngoài là 48,8 tỷ đồng duy nhất 01 địa phương (Kiên Giang).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mùa mưa bão ở miền Trung và Tây Nguyên,... sẽ tiếp tục tác động tới hoạt động triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
“Bởi vậy, nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ quan, tồn tại cố hữu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết để đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kích thích tổng cầu, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh bình thường, trong đó có đầu tư công; thực hiện điều chỉnh ngay các vướng mắc về quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899