Hợp tác phát triển bền vững vùng nguyên liệu tre Lùng tại Quế Phong, Nghệ An
TCDN - Là một loại cây có giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cây tre Lùng được sử dụng nhiều trong sản xuất các mặt hàng đan lát thủ công mỹ nghệ, tăm tre, đua, nhang hương, than hoạt tính… Lùng là loài cây đặc hữu, chỉ xuất hiện tại một số địa phương của Nghệ An và Thanh Hóa.
Được ví như “vương quốc lùng” tại Nghệ An với diện tích hơn 17.000ha rừng có lùng phát triển và sinh trưởng, từ lâu lùng là loại cây quen thuộc với người dân miền núi huyện Quế Phong.
Trước đây, do nhu cầu sản xuất chưa nhiều nên hiệu quả kinh tế của cây lùng không cao; nhiều diện tích rừng trồng lùng được gìn giữ, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu sản xuất mây tre đan tăng cao và lùng được đưa vào sản xuất nhiều mặt hàng, như tăm tre, đũa, nhang hương… nên diện tích rừng được nhiều đối tượng tham gia khai thác. Việc khai thác không theo quy trình, chưa đúng tuổi khai thác, thậm chí khai thác tràn lan đã xảy ra. Nguy cơ về một vùng nguyên liệu bị cạn kiệt không những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn người dân trên địa bàn mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái địa phương.
Hỗ trợ kỹ thuật sản xuất đạt các tiêu chuẩn bền vững
Ngày 25/5/2018, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đối tác 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tổ chức hội thảo khởi động dự án trị giá 4,3 triệu Euro, do liên minh châu Âu (EU), Oxfam và đối tác đồng tài trợ, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hai chuỗi giá trị Nghêu và Tre tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, TS. Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ khẳng định: “Muốn nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ tre lùng Nghệ An, chúng ta phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi sản xuất các sản phẩm này. Các thị trường quốc tế có đòi hỏi cao; đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội vì khi chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không những tăng được thu nhập mà còn giúp đóng góp vào việc khai thác vùng nguyên liệu theo hướng bền vững và đóng góp cho an sinh xã hội”.
Từ 2018 đến nay, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của dự án đã tập trung vào tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ khai thác rừng lùng tự nhiên một cách bền vững, đảm bảo khi rừng đưa vào khai thác phải đảm bảo yêu cầu về trữ lượng, tuổi cây và cường độ khai thác theo quy định. Dự án cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh và khai thác, phục tráng rừng thoái hóa, sơ chế và bảo quản nguyên liệu có hiệu quả kinh tế.
Với những nỗ lực của địa phương và hỗ trợ của dự án, đầu năm 2020, lần đầu tiên huyện Quế Phong đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho 837,2 ha lùng có thời hạn 5 năm, trong đó xã Đồng Văn 525,2 ha (164 hộ tham gia), xã Thông Thụ 313 ha (56 hộ tham gia).
Thúc đẩy sự tham gia của người dân vào liên kết thị trường
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, điều phối hợp phần xúc tiến và phát triển thị trường của dự án thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin tưởng rằng thu nhập của những người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được cải thiện khi sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững, năng lực đàm phán của họ với các công ty chế biến và thương mại được nâng cao, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường trong nước và quốc tế. Theo bà Huyền, VCCI đã tổ chức nhiều khoá tập huấn tập trung vào Lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, nâng cao kỹ năng marketing và phát triển thị trường cho các tổ nhóm trong chuỗi giá trị Tre luồng trên địa bàn huyện Quế Phong. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sơ chế nguyên liệu lùng trên địa bàn bản Ăn Đừa, xã Thông Thụ. Tổ hợp tác được tập huấn về quản lý vận hành, được hỗ trợ máy móc thiết bị sơ chế nguyên liệu với mục tiêu tăng năng suất sơ chế và giá trị gia tăng vào nguyên liệu lùng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trồng tre.
Theo ông Vi Văn Nguyện, người dân ở xã Thông Thụ, sau thời gian dài được hướng dẫn chăm sóc, bảo tồn và khai thác đúng quy trình kỹ thuật, hiện nay người dân đang có những rừng lùng phát triển tốt, tuy nhiên vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Để kịp thời hỗ trợ người dân, ngày 3 tháng 12 năm 2021, VCCI và UBND huyện Quế Phong đã tổ chức Hội thảo giao thương Hợp tác phát triển mở rộng thị trường tre lùng trên địa bàn huyện với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm làm từ tre lùng lớn như Công ty TNHH Đức Phong, Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm, Công ty TNHH Làng Tăm Việt, Công ty TNHH Mây Tre Sáng tạo, Công ty TNHH Vibabo… Sự kiện đã cập nhật cho các doanh nghiệp thông tin về tiềm năng sản xuất tre lùng FSC trên địa bàn huyện Quế Phong và các đặc tính thương phẩm của tre lùng. Sau chương trình khảo sát vùng nguyên liệu và hội thảo giao thương với các tổ nhóm trồng tre trên địa bàn đã mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Tre với các tổ nhóm, tổ hợp tác trồng và chế biến Tre trên địa bàn huyện, thúc đẩy hợp tác thu mua nguyên liệu tre lùng.
Bên cạnh nhu cầu sử dụng nguyên liệu tre lùng FSC ngày càng tăng của doanh nghiệp địa phương như Công ty TNHH Đức Phong, Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm, là doanh nghiệp đến từ miền Bắc, Ông Nguyễn Lương Thực, Giám đốc Công ty TNHH Làng Tăm Việt chia sẻ, trung bình mỗi tháng làng nghề tăm hương ở huyện Ứng Hoà bán ra 1000 tấn tăm, sử dụng tương đương 5000 tấn nguyên liệu. Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nhà cung cấp lùng với chất lượng cao, sản lượng ổn định. Ông Thực hi vọng sau chương trình kết nối này, công ty sẽ hợp tác với các tổ nhóm và doanh nghiệp địa phương cùng hướng tới bảo tồn và phát triển cây lùng, phục vụ mục tiêu khai thác, sử dụng mang lại nguồn lợi kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp và người dân.
Dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai dự án 4 năm “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV), giai đoạn 2018 - 2022. Dự án sẽ tập trung ở 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh (chuỗi giá trị Nghêu) và Thanh Hóa & Nghệ An (chuỗi giá trị tre). Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn bền vững của các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất; trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và làm việc với các liên minh công-tư để quản trị chuỗi giá trị tốt.
Thanh Hà
email: [email protected], hotline: 086 508 6899