Hợp tác xây dựng và phát triển thị trường cho sản phẩm tre, luồng tỉnh Thanh Hóa
TCDN - Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) vừa tổ chức hội thảo “Hợp tác xây dựng và phát triển thị trường cho các sản phẩm tre, luồng tỉnh Thanh Hóa”.
Hội thảo "Hợp tác xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho các sản phẩm tre luồng tỉnh Thanh Hóa" nằm trong khuôn khổ chương trình Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ và thủy sản giai đoạn 2018 - 2022” và Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/tre ở Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ.
Hội thảo nhằm tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp để khai thác các thế mạnh nguồn nguyên liệu tre, luồng đồng thời trang bị kiến thức cho nhiều doanh nghiệp về xây dựng thương hiệu cho sản phẩm do cơ sở tạo ra, đồng thời phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo Vietnamhoinhap, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, khoảng 193 triệu cây trên diện tích khoảng 78.000 ha. Số lượng tre luồng trên được phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn như Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân.
Sản lượng khai thác luồng trung bình khoảng 1,2 triệu tấn/ năm. Một phần sản lượng được cung cấp cho các cơ sở chế biến, phục vụ công trình xây dựng và hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến là hộ gia đình. Phần còn lại được tiêu tụ thị trường ngoài tỉnh để làm các sản phẩm xuất khẩu, vật liệu xây dựng.
Toàn tỉnh có khoảng 37 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây tre luồng là doanh nghiệp, HTX với tổng công suất chế biến khoảng 200.000 tấn nguyên liệu/năm, chiếm 16,7% sản lượng khai thác trung bình/năm của cả tỉnh.Sản phẩm sản xuất, chế biến chủ yếu là đũa, tăm, giấy vàng mã, nguyên liệu giấy, ván ép, nan thanh.
Tuy nhiên, theo báo Thanh Hóa, các cơ sở chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất không ổn định, thị trường ngoài tỉnh phụ thuộc vào các thương lái thu mua tự do, cam kết thu mua giữa cơ sở sản xuất và hộ gia đình trồng luồng không có hợp đồng. Điều này dẫn đến tình trạng có thời điểm nguồn nguyên liệu tre luồng thừa gây tồn đọng, nhưng cũng có thời điểm thiếu cục bộ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở cũng như người dân trồng tre, luồng...
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ các chuyên đề, như "Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường của ngành tre, luồng Thanh Hóa: Các cơ hội và thách thức trong thời kỳ COVID-19"; Chiến lượng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tre, luồng; Cơ chế phối hợp giữa huyện và các doanh nghiệp tre, luồng trên địa bàn để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp và phát triển bền vững vùng nguyên liệu; Giải pháp thương mại điện tử hiệu quả cho các sản phẩm từ tre, luồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa…
Với tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu, chuyên gia đã chia sẻ và mong muốn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần sớm có hoạch định chiến lược cho cây tre, luồng, để cây tre, luồng sớm trở thành“cây vàng xanh” đa dạng về mẫu mã và chủng loại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thanh Hóa cần sớm đăng kí nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, chứng nhận nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí và xây dưng thương hiệu trên cơ sở tiếp cận và áp dụng công nghệ vào các quá trình sản xuất kinh doanh; tận dụng thời cơ, nắm rõ thách thức và xây dựng chiến lược cho vùng nguyên liệu phát triển lâu dài.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899