Khơi thông vốn cho ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm

17/07/2023, 21:39
báo nói -

TCDN - 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản cả nước vẫn đạt 4,27 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,13 tỷ USD, giảm tới 27%.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng nhà nước tổ chức buổi làm việc về tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, và trong đó có sự góp mặt của Hiệp hội VASEP.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp thuỷ sản, họ cần vốn để duy trì sản xuất, vốn để thu mua nguyên liệu, vốn để phát triển thị trường, tìm kiếm đơn hàng 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó khăn.

6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản cả nước vẫn đạt 4,27 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản cả nước vẫn đạt 4,27 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Agribank cho biết đến đầu tháng 5, dư nợ lĩnh vực thủy sản của họ là 59.000 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ nền kinh tế; Đại diện BIDV dư nợ cho vay lâm sản và thủy sản của họ đạt 88.000 tỷ đồng, còn Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân khó tiếp cận vốn vay vì lãi suất ngân hàng vẫn cao. VASEP kiến nghị, cần giãn nợ từ 3-5 tháng đối với khoản vay đến hạn phải trả ngay trong quý II và tiếp tục được vay cấp mới theo hạn mức, đồng thời, giảm lãi suất cho vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, điểm nghẽn dòng vốn nếu được khơi thông giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực..

Theo VASEP, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.

Hiện tại, nhiều người nuôi tôm, cá tra đã tạm dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì được 30 – 40% công suất, cá biệt có cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động. Nhu cầu vốn tiếp tục trở nên cấp thiết với các ngành thuỷ sản những tháng cuối năm.

Doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng xuất khẩu cũng đã ảnh hưởng đến giá thu mua các loại thủy sản từ hộ nuôi trồng. Ví dụ hiện giá tôm thu mua đã sụt giảm, như ở Cà Mau giá tôm thẻ chân trắng quý 2 giảm từ 18 – 49 nghìn đồng/kg so với đầu năm, hay ở Tiền Giang giá bình quân tôm thẻ chân trắng cũng đang giảm từ 30 nghìn – 60 nghìn/kg so với tháng trước.

Giá bán giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi chỉ biết trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng để duy trì sản xuất. Ngoài vốn, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, họ đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm - cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi dự báo thị trường sẽ phục hồi, nhưng người nuôi đã không thể có đủ "sức" để thả nuôi tiếp vào thời điểm hiện nay; không ít các doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất, suy thoái nặng nề và thậm chí không thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn.

Để đạt được mục tiêu dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản năm nay là 10 tỷ USD, nhưng để đạt được con số này, 6 tháng cuối năm rất cần sự chung tay của các sở, ngành ngân hàng để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thanh Thanh
Bạn đang đọc bài viết Khơi thông vốn cho ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan