Xuất khẩu thủy sản dự báo tụt dốc sau khi lập đỉnh

17/01/2023, 20:54
báo nói -

TCDN - Năm 2022, ngành xuất khẩu thủy sản đạt đỉnh với kỷ lục 11 tỷ USD nhưng Tổng cục Thủy sản dự báo, tình hình năm nay sẽ nhiều khó khăn, các đơn hàng sụt giảm ở nhiều thị trường lớn.

Những con số ấn tượng 

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc 11 tỷ USD là kỷ lục đáng mừng của Việt Nam trong hơn 20 năm tham gia thị trường thế giới. Có thể nói năm 2022 là một năm nhiều kỷ lục của ngành thủy sản.

Năm 2022 xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,4 tỷ USD.

Năm 2022 xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,4 tỷ USD.

Cụ thể, ngành tôm đạt kỷ lục xuất khẩu với doanh số 4,3 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, mức cao kỷ lục và tăng trưởng hàng năm kỷ lục 70%. Cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành hàng giá trị tỷ USD với doanh thu 1 tỷ USD. Nhờ những thành tích ấn tượng trên, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới. 

Không chỉ là kỷ lục của các ngành hàng mà thủy sản xuất khẩu còn ghi nhận kỷ lục tại hầu hết các thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ về đích với 2,1 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc và Hongkong cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD về giá trị thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, với mức tăng trưởng 55%. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. 

Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, mặc dù khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, nhất là chính sách 'Zero Covid', nhưng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi. Do đó, dự báo từ ngày 8/1/2023 Trung Quốc mở cửa thì sẽ tạo thuận lợi cho thủy sản, trong đó, các mặt hàng như cá tra, tôm, cá ngừ dự kiến sẽ tăng mạnh. 

Trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết. 

Không những vậy, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.

Đối với mảng tôm, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn nhưng tôm Việt Nam khó cạnh tranh ở Trung Quốc ở cả phân khúc cao cấp và nguyên liệu. Do vậy, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, châu Âu... 

Dự báo sụt giảm ở nhiều thị trường 

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề ra mục tiêu, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm dự báo năm 2023 sẽ khó cạnh tranh với thị trường nội địa của Trung Quốc ở phân khúc hàng cao cấp.

Xuất khẩu tôm dự báo năm 2023 sẽ khó cạnh tranh với thị trường nội địa của Trung Quốc ở phân khúc hàng cao cấp.

Lý giải nguyên nhân ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, các chuyên gia nhận định, yếu tố chi phối nhất đến xuất khẩu là thị trường. Do đó, sự bất ổn của thị trường nhập khẩu sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2023 không đạt được mức kỷ lục như năm 2022, với khả năng lạc quan là 10 tỷ USD.  

Dự báo này đã bao gồm những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, sau khi nước này chính thức bỏ kiểm soát, kiểm dịch đối với người và hàng hóa nhập cảnh sau hơn 2,5 năm kiểm tra ngặt nghèo theo chính sách “zero Covid”. Ngoài ra, thủy sản Việt Nam vẫn có thể giữ hoặc tăng thị phần tại các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông…là những thị trường có nền kinh tế ít bị ảnh hưởng hơn so với các thị trường lớn khác. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), năm 2023 ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Những lợi thế về thị trường trong quý 4/2022 và quý 1/2023 sẽ không còn vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới. Hiện nay các đơn hàng gần như bị sụt giảm rất mạnh, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng cho cho quý 1/2023. 

Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm đơn hàng của ngành thủy sản là do biến động về tỷ giá, lạm phát khiến nguồn chi của người tiêu dùng bị thắt chặt. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước gặp khó vì thiếu vốn, lại thêm khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Nếu doanh nghiệp không đủ vốn để mua nguyên liệu dẫn đến doanh nghiệp chậm trễ đơn hàng cho khách hàng. 

Đồng thời, nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm; doanh nghiệp còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador hay Ấn Độ.

Lượng hàng tồn kho tăng, trong khi đó, khâu bảo quản, logistics của phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thủy sản ghi nhận mức đỉnh lợi nhuận trong năm 2022, đây là dấu hiệu cho thấy ngành đang bước vào chu kỳ đi xuống. 

KBSV cũng nhận thấy giá tôm nguyên liệu và giá cá tra dù đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Mặc dù dự kiến giá nguyên liệu sẽ có xu hưởng giảm trong năm 2023, nhưng sẽ vẫn ở mức cao do chi phí nuôi cao trong khi tốc độ giá bán giảm nhanh hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp. 

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, năm 2023, lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023.

Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, SSI tin rằng điều đó sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. 

Bên cạnh đó, cá tra Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với cá rô phi tại Trung Quốc và lượng hàng tồn kho của những tháng cuối năm còn khá nhiều nên SSI cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa chỉ giảm bớt áp lực tăng trưởng chứ không tạo sự bùng nổ cho ngành xuất khẩu thủy sản tại nước này. 

SSI dự báo giá bán bình quân sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu, qua đó, dự báo giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023. 

Bà Lê Hằng cho rằng, trước bối cảnh dự báo ngành thuỷ sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu và nguồn lực, sẵn sàng trở lại sản xuất khi thị trường hồi phục. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố tài chính, điều chỉnh chi phí sản xuất một cách tối ưu, nâng cao chất lượng sản phẩm để sẵn sàng phục hồi trong giai đoạn sắp tới. 

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu thủy sản dự báo tụt dốc sau khi lập đỉnh tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủy sản Việt Nam lọt top 3 thế giới về xuất khẩu
Kết thúc năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu (XK) 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước XK thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).