Chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản tại xã Tri Trung - huyện Phú Xuyên mang lại hiệu quả kinh tế cao
TCDN - Hầu hết các hộ gia đình tại xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên - Hà Nội) tham gia chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong những năm qua hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản tại huyện Phú Xuyên nói chung và tại xã Tri Trung nói riêng đã có những bước chuyển biến rõ rệt về quy mô, năng suất và chất lượng. Đáng chú ý, đó là việc hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Tuy nhiên sản xuất thủy sản chủ yếu theo kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống, đầu tư thiết bị công nghệ cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thủy sản được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất đồng thời làm giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Để khuyến khích người nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tân dụng tiềm năng lợi thế phát triển hiệu quả bền vững, tạo ra sản phẩm thủy sản chất lượng cho nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, năm 2021 UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành kế hoạch triển khai hỗ trọ chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng quy mô hơn 54,8ha với: 55% cá trắm cỏ, 30% cá chép, 15% cá rô phi.
Trước khi thả cá giống, người dân đã được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chuẩn bị ao nuôi và kỹ thuật nuôi cá. Thức ăn sử dụng là cám dạng viên kết hợp với cỏ; không sử dụng hooc môn, chất kích thích tăng trưởng trong quá trình nuôi. các hộ dân tham gia cũng được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng máy quan trắc môi trường để điều chỉnh các yếu tố môi trường trong ngưỡng phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cá.
Các hộ nuôi cũng thường xuyên theo dõi các dấu hiệu hoạt động, kiểm tra ngăn ngừa các nguồn có thể phát sinh mầm bệnh, kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của cá tăng cao hơn hẳn so với trước đây.
Sau 12 tháng nuôi cá áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cỡ cá trắm cỏ trung bình đạt 4,1kg/con; cá chép đạt 2,27kg/con; cá ô phi đạt 1,63kg/con; năng suất gần 81 tấn.
Như vậy, việc áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại cho địa phương hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cụ thể: Môi trường nuôi được kiểm soát tốt, giảm thiểu ô nhiễm, cá sinh trưởng mạnh, năng suất cao hơn 1,2 lần so với nuôi thông thường, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân tham gia chương trình. Điển hình như hộ ông Vũ Xuân Trong, Vũ Đình Trọng đã cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng sau khi tham gia dự án.
Thành công của chương trình áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cơ sở tạo ra sản phẩm thủy sản sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường; mang lại phương thức chăn nuôi mới cho người chăn nuôi thủy sản, thay đổi tập quán nuôi theo kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống của bà con; đồng thời chương trình cũng là điểm thăm quan, học tập cho bà con nông dân trong xã và các địa phương khác.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899