Các yếu tố tác động đến ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

29/12/2020, 02:10

TCDN - Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ đòi hỏi sử dụng vốn, trước hết là dùng để đầu tư, mua các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đạt giá trị cao.

1-1

Tóm tắt

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao là một xu thế tất yếu. Việt Nam cũng đã xác định phát triển nông nghiệp phải dựa vào khoa học công nghệ và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, nước ta đang gặp rất nhiều rào cản trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Bài viết chỉ ra ba yếu tố quan trọng để thực hiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là: (i) sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, (ii) nguồn vốn lớn và (iii) nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời làm rõ những rào cản đang tồn tại gồm các bất cập trong quy định, chính sách về đất đai, các yếu tố gây khó khăn trong việc vay vốn của người nông dân và doanh nghiệp, cũng như những hạn chế về nguồn nhân lực của nước ta hiện nay.

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

1.1. Sản xuất quy mô lớn

Xét trên khía cạnh về chi phí, sản xuất theo quy mô lớn sẽ kiệm được chi phí đầu tư ban đầu. Trên phương diện lý luận, điều này xuất phát điểm từ lý thuyết hiệu quả kinh tế theo quy mô của nhà kinh tế học người Anh Afred Marshall. Lý thuyết này được phát biểu như sau: “Hiệu quả kinh tế theo quy mô là khái niệm dùng để chỉ sự giảm dần của chi phí bình quân trong dài hạn khi quy mô sản lượng của doanh nghiệp tăng và tất cả các nhân tốt đầu vào đều biến đổi”. Hiểu một cách đơn giản hơn, chẳng hạn khi đầu tư vào một chiếc máy phun thuốc trừ sâu, thay vì mỗi hộ dân phải đầu tư một máy trên một diện tích cây trồng nhỏ hẹp, ta có thể tận dụng chiếc máy đó cho quy mô lớn hơn mà chi phí đầu tư cũng vẫn chỉ là một máy như vậy.

Xét trên khía cạnh doanh thu, khoa học công nghệ là sản phẩm mang tính trí tuệ cao, vì thế hiển nhiên có thể nói đầu tư vào khoa học công nghệ nói chung và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nói riêng cần một lượng vốn không hề nhỏ. Mỗi hộ nông dân không thể có đủ nguồn lực để đầu tư đơn lẻ vào khoa học công nghệ, các loại máy móc trang thiết bị hiện đại giúp tăng năng suất cây trồng hay vật nuôi nằm ngoài sức chi trả của mỗi hộ dân. Nếu sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ thì nông sản thu được làm sao có thể bù đắp được chi phí đã đầu tư vào máy móc thiết bị ban đầu. Ngược lại, đầu tư trên quy mô lớn, sản xuất trên diện rộng sẽ đem đến nguồn thu xứng đáng với chi phí đã bỏ ra.

1.2. Sử dụng nguồn vốn lớn

Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ đòi hỏi sử dụng vốn, trước hết là dùng để đầu tư, mua các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đạt giá trị cao. Sau đó, để sản xuất nông nghiệp có thể ứng dụng công nghệ còn cần vốn đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các chi phí cho duy tu, bảo dưỡng, xử lý môi trường…

Bên cạnh đó, để ứng dụng công nghệ trong sản xuất đạt hiệu quả, các chi phí để đào tạo người lao động không thể không kể đến.

Việc phải chi đầu tư cho nhiều hạng mục như đã kể trên cộng thêm điều kiện phải sản xuất trên quy mô lớn dẫn tới một điều kiện khác của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là đòi hỏi nguồn vốn lớn.

1.3. Nguồn nhân lực chất lượng cao

Một yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất là yếu tố nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có khả năng thích nghi nhanh chóng hơn với công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ để có thể vận hành hiệu quả, cũng như từ đó phát triển nâng cao hơn nữa. Ngược lại, nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn và tay nghề kém sẽ trở thành rào cản lớn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp khi họ sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận và vận hành công nghệ cao mới, do đó quá trình sản xuất sẽ kém hiệu quả.

Bên cạnh năng lực, trình độ người sản xuất thì yếu tố người quản lý hay những người đưa ra hoạch định, chính sách cũng là những nhân tố vô cùng quan trọng. Khi nhân tố này làm việc không hiệu quả có thể gây ra nhiều bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp, cho ngành hay cho cả nền nông nghiệp. Vì vậy, để quá trình ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp diễn ra hiệu quả, rất cần có nguồn lực quản lý có trình độ chuyên môn và năng lực cao.

2. Một số thách thức trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

2.1. Quy mô sản xuất

Các chính sách về việc tích tụ ruộng đất và chính sách đồn điền của Việt Nam hiện nay lại đang là một trong những rào cản chính để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nhất là các dự án đầu tư sử dụng khoa học công nghệ. Điều này thể hiện rõ qua thực trạng cũng như những quy đinh pháp lý trong việc sử dụng đất nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Thứ nhất, về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Luật Đất đai năm 2003 quy định thời hạn giao sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 20 năm. Tuy nhiên, Luật đất đai năm 2013 có sự thay đổi trong quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: “Tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp có thể đem đến những hệ lụy gì?”.

Trong thời gian vừa qua, việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp gặp rất nhiều vấn đề bất cập. Một số trường hợp bất cập có thể kể đến như: người dân chuyển từ làm nông sang một ngành nghề khác, chuyển khẩu đi nơi khác, người sử dụng đất qua đời để đất lại cho con cháu, thay đổi quốc tịch Việt Nam… Các trường hợp như vậy, tuy rằng gia đình không còn hoặc còn rất ít người làm nông nhưng do được thừa hưởng lại nên quy mô đất nông nghiệp lớn gấp nhiều lần những hộ khác. Trong khi đó, những hộ gia đình có nguồn thu nhập chính hoặc duy nhất dựa vào nông nghiệp rất cần đất để canh tác lại không có đủ điều kiện về đất đai để sản xuất. Trong thời hạn sở hữu đất lên đến tận 50 năm, các hộ gia đình có đất nông nghiệp không sử dụng đến có thể tìm các lý do phù hợp về mặt pháp lý để giữ lại đất nông nghiệp cho mình. Ngược lại, các hộ khác khi tăng nhân khẩu lại không thể đáp ứng đủ mức sống cơ bản cho gia đình dẫn đến hiện tượng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Như vậy, thoạt nhìn thì việc tăng thời gian sở hữu đất nông nghiệp có thể khiến nông dân gắn bó hơn với đất đai, yên tâm sản xuất nhưng suy cho cùng, nó lại gây ra nhiều bất cập hệ lụy trong việc phân phối đất đai. Điều này không những gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nói chung mà còn gây cản trở cho việc đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp nói riêng.

Thứ hai, quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định này được thể hiện rất rõ tại điều 129, Luật đất đai 2013. Tóm tắt lại như sau: “Mỗi hộ gia đình, cá nhân được giao không quá 03 héc ta đất trồng cây hàng năm, đất làm muối và đất nuôi trồng thủy sản, không quá 10 héc ta đất trồng cây lâu năm ở đồng bằng và 30 héc ta ở vùng núi, trung du”. Như vậy, quy định pháp lý về hạn mức giao đất nông nghiệp cho các hộ nông dân xét về mặt lý thuyết là tạo điều kiện cho các hộ nông dân có quy mô lớn để sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nên ở một số vùng, bình quân đất nông nghiệp chia theo hộ gia đình là rất thấp, không đủ điều kiện về quy mô để ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Quy định về tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp được quy định tại khoản 1 điều 130: “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này”. Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 đã tăng mức hạn điền là dưới 20 héc ta đối với đất cây hàng năm ở miền Bắc và miền Trung, không quá 30 héc ta ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không quá 100 héc ta đối với cây dài ngày ở vùng đồng bằng và dưới 300 héc ta ở vùng miền núi. Tuy nhiên, sản xuất quy mô lớn để áp dụng khoa học kĩ thuật có thể lên đến hàng nghìn héc ta. Vì vậy, quy định này vẫn còn là một cản trở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho không nhiều doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp.

Mặt khác, quy định này cho phép mỗi hộ đình được tích trữ đất đai theo nguồn lực của từng gia đình, tuy nhiên tổng diện tích đất nông nghiệp lại ngày một thu hẹp nên có thể sẽ dẫn đến một hiện tượng phân phối đất chênh lệch. Một số hộ dân có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp lại không có đủ điều kiện về quy mô đất đai để sản xuất. Trong khi có những hộ gia đình mà sản xuất nông nghiệp không phải là nguồn thu chính lại tích trữ quá nhiều đất đai. Những bất cập về phân phối ruộng đất như vậy sẽ trở thành một rào cản lớn trong phát triển nông nghiệp.

2.2 Vốn

Hiện người nông dân và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay nông nghiệp.

Khó khăn đầu tiên đến từ vấn đề thủ tục còn rườm rà, quy trình nhiều bước, đòi hỏi nhiều hồ sơ giấy tờ dẫn tới người vay vốn khó nắm bắt chính xác thông tin, các đầu mối liên hệ… để thực hiện vay vốn dẫn tới vay vốn không thành công.

Thứ hai, các chính sách quy định về vay vốn nông nghiệp còn nhiều bất cập. Điển hình, quy định về việc các tổ chức tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại vay theo hình thức không có tài sản bảo đảm được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sửa đổi tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 116/2018/NĐ-CP, tuy nhiên tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 55/2015 lại quy định thêm rằng “Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 2 Điều này phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận”. Như vậy, người vay vốn vẫn phải có tài sản đảm bảo.

Trong trường hợp đi vay thế chấp tài sản, người làm nông nghiệp chủ yếu chỉ có đất nông nghiệp để thế chấp do tài sản hình thành trên đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như các công trình nhà lưới, nhà kính… chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Thêm vào đó, các ngân hàng chỉ định giá đất mà không định giá tài sản trên đất hoặc định giá rất thấp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, nếu thế chấp bằng nhà xưởng hay công nghệ thì được định giá thấp, còn đất thì chủ yếu đi thuê, dẫn tới chỉ huy động được nguồn vốn nhỏ. Như vậy, chỉ các doanh nghiệp lớn nhờ vào vốn tự có mới có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong khi các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu là vừa và nhỏ, và các hộ nông dân thì khó có thể phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để gia tăng giá trị sản xuất.

Về phía các tổ chức tín dụng, họ thường không thích cho vay đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp do đây là ngành khó đem lại lợi nhuận cao, thời gian quay vòng vốn dài và thường rủi ro cao do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt hiện nay là nguy cơ bất lợi từ biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, công cụ phòng ngừa rủi ro cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp là bảo hiểm, vẫn chưa được triển khai rộng rãi, hay thậm chí các tổ chức bảo hiểm cũng không muốn bảo hiểm cho lĩnh vực này do tính rủi ro của nó, dẫn tới các tổ chức tín dụng càng không muốn cho vay vốn hoạt động nông nghiệp.

Một vấn đề khác, các ngân hàng thường khó khăn trong việc cho vay vốn nông nghiệp do thiếu thông tin minh bạch trong hồ sơ vay vốn của người dân, nhiều trường hợp người vay vốn không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích dẫn tới nợ xấu. Do đó, các ngân hàng thường phải siết chặt các quy định cho vay vốn trong lĩnh vực này. Các ngân hàng thương mại cũng còn quá cứng nhắc trong các quy định cho vay, đặc biệt yêu cầu đầy đủ hóa đơn đỏ khi xét duyệt dự án cho vay. Tuy nhiên, các hoạt động nông nghiệp như thuê lao động, thuê công cụ lao động… thì không thể có hóa đơn đỏ.

Về phía chính quyền địa phương, nhiều nơi tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp, dẫn tới nguồn vốn chủ yếu ưu tiên cho lĩnh vực này. Do đó, những nông dân hoặc doanh nghiệp nông nghiệp khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.

2.3. Nguồn nhân lực

2.3.1. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Lực lượng sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn lao động của nước ta hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được những yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Nguồn nhân lực chính của nền nông nghiệp Việt Nam xưa nay vẫn là người nông dân, những lao động chưa qua đào tạo, kiến thức chuyên môn còn rất hạn chế, trình độ tay nghề không cao cũng như khả năng thích nghi và tiếp cận công nghệ mới còn kém, điều này dẫn đến đa số lao động nông nghiệp không đủ năng lực làm chủ công nghệ hiện đại, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, “trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học - công nghệ. Đặc biệt, ở những vùng, miền có nền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Hơn nữa theo dự báo, đến năm 2020 nguồn nhân lực khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Nguồn nhân lực nông nghiệp là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, song hiện nay không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Thực trạng này đang là một rào cản rất lớn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.

2.3.2. Công tác đào tạo chưa phù hợp

Trong khi ở nhiều quốc gia, quy mô đào tạo đại học, cao đẳng luôn chiếm tỷ lệ nhỏ hơn đào tạo bậc trung cấp thì điều này lại ngược lại ở nước ta. Năm 2017, đào tạo trung cấp chỉ chiếm 3,7% trong lực lượng lao động trong khi lao động trình độ cao đẳng, đại học chiếm đến 12%, điều này dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở nước ta. Việt Nam đang rất thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn cao trong khi lại dư thừa lao động phổ thông. Hơn nữa tuy số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học rất đông nhưng trình độ và kỹ năng làm việc còn nhiều hạn chế.

Việc đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập. Hệ thống đào tạo nghề còn lạc hậu, chương trình học nặng về lý thuyết, chưa chú trọng vào thực hành, người học ít được giảng dạy trực tiếp tại môi trường thực tế, hơn nữa nội dung giảng dạy chưa bao trùm hết những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về nông nghiệp công nghệ cao, thiếu kiến thức về hội nhập quốc tế, về biến đổi khí hậu,… Mặt khác, đào tạo chưa kết hợp với những kế hoạch, chiến lược về sử dụng lao động. Từ đó, nguồn nhân lực sau đào tạo vẫn chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu của xã hội.

2.3.3. Bất cập về trình độ của người quản lý

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói riêng, tuy nhiên các chính sách này lại chưa thực sự mang đến những kết quả nổi bật hay chưa thực sự hiệu quả. Nhiều chính sách, quy định được xây dựng chưa hợp lý, khó tiếp cận, gây ra rất nhiều khó khăn cho đối tượng tham gia. Nguyên nhân do trình độ, năng lực người quản lý, xây dựng chính sách chưa cao, chưa thực sự đi sâu vào thực tế để nắm bắt yêu cầu của xã hội cũng như những khó khăn, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, quá trình quản lý thực hiện chính sách còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả.

3. Kết luận

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi tiềm năng nhằm phát triển ngành này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những rào cản trong hướng đi này vẫn còn hiện hữu rõ. Trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo các tài liệu có liên quan, nhóm tác giả đã đưa ra những điều kiện ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và tương ứng với đó là những rào cản ở Việt Nam hiện nay. Việc nhìn nhận những rào cản này có thể là một đóng góp tích cực cho các cơ quan, ban, ngành trong việc hoạch định các chính sách nhằm hạn chế và xóa bỏ những rào cản này, thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2013), Luật đất đai.

2. Thủ tướng Chính phủ (2015), Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

3. Thủ tướng Chính phủ (2018), Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

4. Lê Thị Mỹ Thúy (2014), Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Luận văn thạc sỹ Kinh tế chính trị.

5. Nguyệt Minh (2019), Vay vốn ngân hàng: Điểm nghẽn và giải pháp với doanh nghiệp nông nghiệp, Báo Doanh nghiệp Việt Nam online từ doanhnghiepvn.vn.

NCS. Lê Thanh Dung

Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

Bạn đang đọc bài viết Các yếu tố tác động đến ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cơ sở phát triển của tín dụng phi chính thức
Đây là nguồn thu quan trọng nhất của hoạt động tội phạm có tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ đánh bạc. Các khoản thanh toán phải được trả vào ngày giờ xác định, sự chậm trễ trong việc trả nợ có thể sẽ dẫn đến một mức lãi suất cao hơn thậm chí là sự truy đòi gắt gao.
Phát triển kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
Trong giai đoạn 2010 - 2017, với những cải cách về chính sách phát triển, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu khu vực về đóng góp GDP. Năm 2017, có duy nhất tỉnh Quảng Ngãi có mức tăng trưởng thấp do nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo trì bảo dưỡng.