Cơ sở phát triển của tín dụng phi chính thức
TCDN - Đây là nguồn thu quan trọng nhất của hoạt động tội phạm có tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ đánh bạc. Các khoản thanh toán phải được trả vào ngày giờ xác định, sự chậm trễ trong việc trả nợ có thể sẽ dẫn đến một mức lãi suất cao hơn thậm chí là sự truy đòi gắt gao.
1. Khái niệm và đặc trưng tín dụng đen
Tín dụng phi chính thức được hiểu chung là các hình thức vay vốn ngoài sự quản lý và giám sát của các cơ quan quản lý về tài chính tiền tệ, gồm cho vay của các cá nhân, cho vay thông qua các hình thức hụi, họ, phường, hoặc cho vay của gia đình, bạn bè, người thân (Nguyễn Kim Anh và cộng sự, 2017). Một cách đơn giản hơn thì tín dụng phi chính thức là các khoản tín dụng sau khi đã loại đi tín dụng chính thức và bán chính thức.
Đối với tín dụng phi chính thức, thì một phần cần quan tâm là tín dụng đen - vì đây là các khoản mục gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các hộ kinh doanh cá thể - đặc biệt tại vùng nông thôn bởi những ảnh hưởng tiêu cực của nó (Ledgerwood và cộng sự, 2013).
Theo Nugent (1941) thuật ngữ “tín dụng đen” thường được sử dụng để mô tả những người cho vay những khoản vay nhỏ, thời hạn cho vay và trả nợ ngắn với mức phí cao hơn so với luật pháp cho phép. Tại thời điểm nghiên cứu, “tín dụng đen” được liên hệ hoàn toàn với những khoản vay cho người làm công ăn lương. Người cho vay thường yêu cầu chứng từ chuyển nhượng tiền lương của người đi vay để có quyền nhận tiền lương của người đi vay trong trường hợp vỡ nợ. Những yếu tố làm cho hình thức cho vay này phát sinh gồm có lòng tham của người cung cấp các khoản vay, sự cả tin của người sử dụng và sự cấp thiết buộc người vay tìm đến tín dụng đen.
Nhóm các nghiên cứu Miller (1966), Kaplan và Matteis (1968), Shergold (1978) đều cho rằng tín dụng đen là việc cho vay với tỷ lệ cao hơn giới hạn theo quy định của pháp luật hoặc định mức được xã hội chấp nhận. Đây là nguồn thu quan trọng nhất của hoạt động tội phạm có tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ đánh bạc. Các khoản thanh toán phải được trả vào ngày giờ xác định, sự chậm trễ trong việc trả nợ có thể sẽ dẫn đến một mức lãi suất cao hơn thậm chí là sự truy đòi gắt gao. Ngoài ra, những kẻ cho vay nặng lãi đã thâm nhập được cả vào các ngân hàng và doanh nghiệp hợp pháp; “núp bóng” các tổ chức này để tiếp tục mở rộng các hoạt động phi pháp.
Với cách hiểu như vậy, có thể thấy ba đặc điểm quan trọng của tín dụng đen là: (i) nằm ngoài hệ thống các tổ chức tài chính được cấp phép, (ii) lãi suất cao và (iii) gắn với các hành vi vi phạm pháp luật.
2. Một số lý thuyết giải thích cơ sở tồn tại tín dụng phi chính thức
Các quy luật và lý thuyết về mối quan hệ cung cầu, mối quan hệ rủi ro với lãi suất, cạnh tranh và hiệu quả trong hoạt động tín dụng giải thích cơ sở phát triển tín dụng phi chính thức.
Lý thuyết thông tin bất cân xứng (Asymmetric Information) lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970 George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz). Thông tin không đối xứng, hay còn gọi là thông tin bất cân xứng là việc các bên tham gia giao dịch cố tình che đậy thông tin. Thông tin bất cân xứng làm thay đổi các đánh giá về rủi ro và chi phí giao dịch, khi đó, giá cả không phải là giá cân bằng của thị trường mà có thể quá thấp hoặc quá cao.
Trong hoạt động cho vay, lý thuyết này giải thích về rủi ro đạo đức và lựa chọn đối nghịch trong quan hệ tín dụng, tạo nên mối quan hệ lợi nhuận và rủi ro của các tổ chức tài chính/ người cho vay. Lựa chọn đối nghịch là tình huống thông tin không cân xứng xuất hiện trước khi giao dịch được thực hiện: Những người đi vay rủi ro cao lại là những người tích cực trong việc tìm kiếm khoản vay. Ví dụ, những người liều lĩnh hay có động cơ lừa đảo thường là những người hăm hở chấp nhận khoản vay, bởi vì họ biết rõ khả năng trả lại khoản vay là không có hoặc khó có thể xảy ra. Rủi ro đạo đức nảy sinh khi bên có ưu thế thông tin hiểu được tình thế thông tin phi đối xứng giữa các bên giao dịch và tự nhiên hình thành động cơ hành động theo hướng làm lợi cho bản thân bất kể hành động đó có thể làm hại cho bên kém ưu thế thông tin. (ví dụ đặt lãi suất cao, yêu cầu tài sản đảm bảo, cách tính lãi gộp, đòi nợ bạo lực…)
Lý thuyết đánh đổi lợi nhuận - rủi ro (Risk-Return Trade-Off) phát biểu rằng rủi ro của một khoản đầu tư càng cao thì lợi nhuận mà nhà đầu tư kì vọng, mong đợi thu được từ khoản đầu tư đó cũng càng lớn, và ngược lại. Trong cho vay, người cho vay thực hiện nguyên tắc này thông qua lãi suất cho vay: các điều kiện của người vay càng rủi ro, lãi suất cho vay càng cao.Trong trường hợp có đủ thông tin, các khách hàng vay có rủi ro cao có thể bị loại bỏ (không được chấp nhận cho vay bởi các tổ chức), và do vậy rủi ro sẽ giảm thiểu. Khi thông tin không đầy đủ, các tổ chức cho vay có thể loại bỏ hoặc chấp nhận cho vay với lãi suất cao (hoặc phải có tài sản đảm bảo).
Lý thuyết về chi phí giao dịch (Transaction Cost Economics) - theo Ronald Harry Coase, O.E. Williamson, chi phí giao dịch bao gồm thời gian và chi phí đàm phán, soạn thảo, và thực thi các giao dịch hay hợp đồng, bao gồm tìm kiếm thông tin, đàm phán, giao kết và thực thi hợp đồng, kiểm soát thành quả… Trong hoạt động tín dụng, chi phí giao dịch cấu thành lãi suất cho vay. Do chi phí kiểm soát thành quả/thực thi hợp đồng trong tín dụng phi chính thức rất cao đã đẩy lãi suất cho vay lên cao.
3. Cơ chế vận hành tín dụng phi chính thức
Lãi suất cao trong tín dụng phi chính thức
Lãi suất cao (nặng lãi) là mục tiêu hướng tới của người cung cấp tín dụng phi chính thức. Thu nợ bạo lực là phương pháp của tín dụng phi chính thức. Cho vay nặng lãi có từ thời trung cổ, hiện diện cho đến ngày nay mặc dù bị lên án mạnh mẽ là phi đạo đức. Thực tế này minh chứng sức sống (điều kiện sống) của tín dụng nặng lãi.
a/ Người vay: đây là nhóm người không thể vay được từ các tổ chức tài chính chính thức, không thể vay được từ anh em, bạn bè với nhu cầu vay cấp bách.
(i) Nhóm người vay cho hoạt động phi pháp: buôn lậu, đánh bạc, tội phạm khác…;
(ii) Nhóm người nghèo, thất nghiệp, thu nhập thấp (không có tiết kiệm, hoặc thu nhập không đủ trang trải nhu cầu tối thiểu), không có khả năng trả nợ bằng thu nhập ít ỏi;
(iii) Nhóm người không chứng minh được khả năng trả nợ/không cung cấp thông tin về nguồn trả nợ (ví dụ có nhà cửa song là tài sản chung, có thu nhập song công việc tự do, thất thường, không ai xác nhận);
(iv) Nhóm người vay món nhỏ mà nhiều định chế tài chính không đáp ứng do chi phí tính trên món vay cao;
(v) Nhóm người vay cấp bách: hầu hết người vay năng lãi đều có nhu cầu cấp bách. Ngoài 4 nhóm người trên, có nhiều trường hợp có khả năng trả nợ, có thể đủ điều kiện vay các tổ chức tài chính chính thức, song do nhu cầu cấp bách (phải vay được tiền ngay trong ngày, trong buổi) nên không thể thực hiện các thủ tục vay từ các tổ chức tài chính chính thức.
Vay mượn là thỏa thuận dân sự, tức là người đi vay có quyền/ khả năng mặc cả. Tuy nhiên những nhóm người vay trên không có khả năng này. Họ có nhu cầu xong không có/ hoặc có ít khả năng thanh toán. Với đường cầu thẳng đứng, lãi suất cắt cổ là tất yếu.
b/ Cho vay của các tổ chức tài chính chính thức: Kinh doanh tiền tệ - trong đó có kinh doanh tín dụng - hình thành nên thị trường tài chính khổng lồ với các chủ thể cho vay, sản phẩm cho vay, cách thức cho vay đa dạng, với nguyên tắc chung nhất là phải thu được gốc và lãi trong thời gian xác định. Định chế cho vay có qui mô lớn nhất là các NHTM, các công ty tài chính; nhiều quốc gia có ngân hàng đầu tư, ngân hàng công nghiệp, ngân hàng phát triển; nhiều quốc gia tổ chức ngân hàng người nghèo/ ngân hàng cộng đồng để cho vay các đối tượng yếu thế (người nghèo, phụ nữ…); các tổ chức tài chính vi mô được phát triển mạnh, tiếp cận nhu cầu vay nhỏ, nhanh, tại các vùng nông thôn, hẻo lánh…
Để cân bằng rủi ro và sinh lợi, các tổ chức tài chính chính thức - được quản lý bởi các cơ quan giám sát - xây dựng chính sách cho vay cho các đối tượng theo chuẩn, bao gồm qui trình/ thủ tục cho vay, đảm bảo xác định được khả năng trả nợ của người vay, cũng như áp dụng các biện pháp thu nợ hợp pháp, nhân văn. Trong xã hội, nhất là tại các nước đang phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, nghèo đói, thất nghiệp, …5 nhóm người vay trên không phải là cá biệt, được các tổ chức cho vay chính thức xếp vào hạng phi pháp/ hoặc dưới chuẩn/hoặc chi phí giao dịch, phần bù rủi ro tính trên món vay quá lớn. Phần lớn các NHTM, công ty tài chính có chính sách không cho vay các đối tượng này
c/ Người cho vay nặng lãi/ tín dụng phi chính thức
Khi có cầu, ắt có cung. Các tổ chức tín dụng chính thức/ hợp pháp không cung cấp thì tổ chức tín dụng cho vay nặng lãi / hoặc phi pháp sẽ đáp ứng. Những người bị loại khỏi khu vực tín dụng hợp pháp hoặc những người bị hạn chê tín dụng do một vài điều kiện nào đó thì tín dụng phi pháp như là phương sách cuối cùng của họ bởi tính linh hoạt, thời gian và chi phí giao dịch nhanh gọn.
Kẻ cho vay nặng lãi - đáp ứng nhu cầu vay của 5 nhóm người vay dưới chuẩn - chấp nhận rủi ro rất lớn. Đây là thị trường đáp ứng nhu cầu (không phải cầu) với rủi ro cao, chi phí cao, đã dẫn đến lãi suất cho vay cao và có thể cả hành vi vi phạm pháp luật:
(i) Đòi nợ khó khăn: người vay rất khó khăn trong trả nợ, do vậy để tạo sức ép khủng lên người vay, kẻ cho vay phải đòi nợ liên tục, gặp trực tiếp để đòi, hăm dọa, thuê giang hồ xã hội đen…làm gia tăng chi phí đòi nợ tính trên giá trị mỗi món vay (thường là nhỏ);
(ii) Phát sinh chi phí ngầm: do hoạt động bất hợp pháp, các cá nhân và tổ chức cho vay có thể phải hối lộ chính quyền, chạy án, di chuyển địa điểm, cạnh tranh, tranh giành lãnh thổ;
(iii) Chi phí huy động vốn cao. Những người có tiền không gửi mà cho vay các tổ chức/ cá nhân cho vay nặng lãi cũng với lãi suất cao;
(iv) Khi lãi suất cao, gánh nặng tài chính lớn, đẩy người vay vào tinh trạng càng không trả nợ được; các hành vi tội phạm (chém giết, bắt, đánh đập, tước đoạt tài sản) đã được chuẩn bị trước để áp dụng cho con nợ. Theo lý thuyết về chi phí giao dịch, kẻ cho vay nặng lãi đã phải chi phí cho các chuẩn bị này.
Thủ tục
Xem xét cơ chế vận hành của các cửa hàng cầm đồ/ hoặc các cá nhân cho vay nặng lãi để thấy họ biến nhu cầu vay vốn thành cầu và đáp ứng cầu này như thế nào.
(i) Cho vay món nhỏ, có hoặc không có TSĐB
(ii) Cho vay thủ tục đơn giản/ thời gian nhanh đáp ứng nhu cầu cấp bách
Thủ tục đơn giản. Nếu cầm cố, người cho vay giữ lại tài sản với giấy tờ gốc và cam kết cho bán/ chuyển sở hữu của người đi vay (xe, điện thoại, chứng minh thư, thẻ sinh viên…). Các nội dung như mục đích sử dụng vốn vay, công chứng các giấy tờ, thẩm định thu nhập…đều được bỏ qua hoặc giảm thiểu. Giải ngân tiền mặt. Nếu khách hàng không trả đúng hạn, người cho vay mặc nhiên bán tài sản thu nợ mà không phải qua bất cứ thủ tục pháp lý nào. Người cho vay xuống tận nơi người vay để giải ngân trong ngày; thậm chí cho vay qua app…
Thu nợ
Thu nợ là mấu chốt của hoạt động tín dụng. Khi thủ tục cho vay đơn giản, người vay có nhu cầu cấp bách, lại khó khăn về tài chính, khả năng trả nợ thấp, thì bên cạnh lãi suất cao, người cho vay đã chuẩn bị các phương án thu nợ bạo lực. Theo mô hình 6C, khả năng và ý chí trả nợ của người vay là 1 trong những yếu tố quan trọng. Khả năng trả nợ được đánh giá thấp/ hoặc bị bỏ qua trong thủ tục cho vay vì kẻ cho vay có nhiều cách tác động mạnh lên ý chí trả nợ của người vay. Tất cả người vay nặng lãi đều hiểu 1 nguyên tắc là “không trả không xong”.
4. Hạn chế tín dụng đen
Trấn áp tội phạm
Tín dụng phi chính thức được hiểu/ được xếp vào hoạt động bất hợp pháp. Đằng sau lãi suất cao là các hành vi nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của người vay. Phần lớn các tổ chức cung cấp tín dụng phi chính thức đều/ có nguy cơ cao gây ra tội phạm hình sự. Do vậy, trấn áp loại tội phạm này là biện pháp quan trọng nhất để hạn chế tín dụng phi chính thức. Thực tế cho thấy, khi cơ quan công an trấn áp mạnh tội phạm tín dụng phi chính thức, hoạt động này sẽ giảm xuống.
Thiết lập cơ chế minh bạch hơn về chi phí giao dịch
Chi phí giao dịch trong cho vay dưới chuẩn rất cao, tuy nhiên lại không được thông tin rõ ràng. Nhà nước có qui định các tổ chức tài chính được cấp phép phải qui định rõ các chi phí phát sinh. Tuy nhiên đối với các của hàng cầm đồ qui định này lại không được áp dụng triệt để.
- Yêu cầu minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh: toàn bộ người vay và tài sản đảm bảo đều phải được ghi chép và báo cáo; ngoài lãi suất, các chi phí khác mà người vay phải trả phải được công bố công khai (tại cửa hàng và trên website).
- Quy chuẩn hợp đồng dân sự trong quan hệ tín dụng: nhiều người vay trong trường hợp vay cấp bách không am hiểu/ hoặc không kịp tìm hiểu về các nội dung của hợp đồng vay mượn.
- Nghiêm cấm quảng cáo sai: các cách thức tính lãi phải được công bố, các loại chi phí phải được nêu rõ trong hợp đồng; phải khuyến nghị các bất lợi cho người vay (giống như ghi lên bao thuốc lá là hút thuốc gây ưng thư)…
- Ghi rõ cách thức đòi nợ: như bán tài sản đảm bảo (nếu cho vay cầm cố), đề nghị phong tỏa tiền gửi tại các ngân hàng, kiện ra tòa. Các cách thức đòi nợ đều phải được ghi rõ trong hợp đồng tín dụng.
- Thu hồi giấy cơ sở kinh doanh của chủ cơ sở có hoạt động tội phạm.
Tăng cung tín dụng tiêu dùng
Tín dụng phi chính thức đáp ứng nhu cầu tín dụng của một số nhóm người nhất định trong xã hội. Theo TS.Cấn Văn Lực dẫn số liệu của StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè, hoặc tín dụng phi chính thức.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, đến 2018, tại Việt nam có 5 nhóm thu nhập. Hiện tại, các NHTM cho vay tiêu dùng trên chuẩn đối với nhóm 4, nhóm 5; Ngân hàng chính sách xã hội cho vay người nghèo, cận nghèo nhóm 1 và 1 phần thu nhập thấp của nhóm 2. Vậy nhu cầu tín dụng của nhóm 3 và phần thu nhập cao của nhóm 2 thì ai sẽ đáp ứng?
Theo qui luật cung cầu, nếu tăng cung tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần giảm lãi suất của tín dụng phi chính thức. Để tăng nguồn cung, cần thay đổi mức trần lãi suất.
Với cơ chế tổn tại của tín dụng phi chính thức như trên, việc tạo cơ chế để các tổ chức tài chính chính thức cung cấp tín dụng nhanh, thuận tiện cho một số nhóm khách hàng dưới chuẩn phải giải quyết được các vấn đề sau:
(i) Cho phép cho vay với các đối tượng dưới chuẩn (mục tiêu vay hợp pháp): người vay cần tiền gấp cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân, người có thu nhập thấp, nghèo, người có thu nhập không ổn định, sinh viên, lao động tự do, kinh doanh nhỏ…;
(ii) Cho vay món nhỏ với lãi suất cao để bù đắp chi phí;
(iii) Giảm bớt điều kiện vay vốn (nếu vay cầm cố chỉ cần không sử dụng tiền cho hoạt động bất hợp pháp). Điều kiện vay vốn là do tổ chức tài chính công bố;
(iv) Cho phép tổ chức tài chính bán tài sản cầm cố theo thỏa thuận với người vay;
(v) Cho phép áp dụng các phương pháp đòi nợ được thỏa thuận với người vay và ghi trong hợp đồng.
Kết luận: Tín dụng phi chính thức là một hình thức tín dụng tồn tại và phát triển trong điều kiện nghèo đói, tệ nạn, và hoạt động kinh tế ngầm, cũng như có hạn chế trong hoạt động của các tổ chức tài chính chính thức. Mở rộng tín dụng là hoạt động thường xuyên của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên việc mở rộng tín dụng dưới chuẩn sẽ đẩy rủi ro lên cao. Do vậy để hạn chế tín dụng phi chính thức, cần ưu tiên hoạt động trấn áp tội phạm. Các tổ chức tín dụng chính thức nếu phát triển tín dụng dưới chuẩn cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tương ứng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị số 12/CT- ttg, 2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "Tín dụng phi chính thức".
2. Chính phủ, ND 19/2019 về Hụi, Họ, Biêu, Phường
3. Tổng cục Thống kê , “Thống kê thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành, 2010, 2012, 2014, 2016, sơ bộ 2018”
4. news.zing.vn/lai-suat-thuc-o-cac-tiem-cam-do-ra-sao-post995717.html
5. infonet.vn/quy-lai-suat-cao-la-tin-dung-den-la-sai-lam-post293427.info
6. vnexpress.net/kinh-doanh/vi-sao-tin-dung-den-van-co-dat-song3894802.html?ctr=related_news_click
ThS. Lê Hoàng Anh
Đại học Kinh tế Quốc dân
email: [email protected], hotline: 086 508 6899