Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với tăng năng suất lao động của doanh nghiệp

24/07/2020, 10:10

TCDN - Chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa hai quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang diễn ra quyết liệt, khó lường và có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền kinh tế khác trên thế giới.

5-1

Tóm tắt

Chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa hai quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang diễn ra quyết liệt, khó lường và có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền kinh tế khác trên thế giới, nhất là các nền kinh tế có độ mở cao và có quan hệ trực tiếp về thương mại, đầu tư với hai cường quốc này, trong đó có Việt Nam.

Để thích ứng với bối cảnh mới, vấn đề có ý nghĩa quyết định là các doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy “nội lực”, nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động tham gia vào thị trường thế giới, qua đó có thể chuyển hóa khó khăn, thách thức thành những lợi thế mới. Trong đó, yếu tố quyết định để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh chính là cải thiện năng suất lao động của cả nền kinh tế và trong từng doanh nghiệp. Đây được xem là nhiệm vụ “sống còn” đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong số đó, có 508.770 doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 67,1% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018; Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 doanh nghiệp, chiếm 31,6%, tăng 5,1%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, giảm 6,3%.

Riêng năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018; vốn đăng ký của khu vực dịch vụ đạt cao nhất đạt 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 67,6%, tăng 12,9% so với năm 2018;

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95%, tổng số doanh nghiệp đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Điều này khẳng định DNNVV đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước. Xác định rõ vai trò quan trọng, những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn, thúc đẩy khu vực DNNVV phát triển.

Tuy nhiên, năng lực cạnh cạnh tranh của Việt Nam nói chung, đặc biệt là năng lực cạnh cạnh tranh của doanh nghiệp còn một số tồn tại:

Thứ nhất, năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá năng lực cạnh cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như đối với các doanh nghiệp thì Việt Nam hiện nay vẫn ở mức độ thấp trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44% của Indonesia và 55,9% của Philippines. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất (2019) của APO, tính trên mỗi giờ, năng suất lao động của Việt Nam đạt mức 5,2 USD (PPP, 2011) chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar, thấp hơn Lào. So với Singapore, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt khoảng 8%, và 35,86% khi so với Thái Lan.

Cũng cần phân tích thêm rằng, sở dĩ năng suất lao động bình quân của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước không hẳn do nền kinh tế và các doanh nghiệp thua kém các nước này, mà còn do cấu trúc nền kinh tế và phương pháp hạch toán, song thông tin này vẫn cho thấy nhu cầu cấp thiết nâng cao hơn nữa năng suất lao động của Việt Nam.

Thứ hai, khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đại bộ phận là quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc “thâm dụng” lao động trong hoạt động kinh doanh, hạn chế về trình độ công nghệ, năng lực quản lý và chất lượng sản phẩm, rất khó có thể vươn ra thị trường quốc tế, thậm chí còn “thua trên sân nhà” trước áp lực của hội nhập thương mại quốc tế.

Thứ ba, đầu tư cho KHCN, nghiên cứu và triển khai thấp cũng là một yếu tố quan trọng làm hạn chế năng lực cạnh cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là khu vực tư nhân đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, chỉ có khoảng 15,7% doanh nghiệp chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai, các chỉ số về đổi mới-sáng tạo của Việt Nam hiện vẫn ở mặt bằng thấp.

Báo cáo năng lực cạnh cạnh tranh toàn cầu 2019, mặc dù vị trí của Việt Nam đã tăng lên 10 bậc so với năm 2018 đạt 61,5 điểm và ở hạng 67/141 quốc gia được xếp hạng, tuy nhiên một số chỉ số quan trọng liên quan đến đổi mới, sáng tạo vẫn ở mặt bằng thấp như năng lực đổi mới sáng tạo đứng vị trí thứ 76, tính năng động kinh doanh ở vị trí 89, kỹ năng lao động đứng vị trí 93, kỹ năng số hóa ở vị trí thứ 97, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp ở vị trí thứ 116, chất lượng đào tạo nghề ở vị trí 102… Đây là những nhân tố hết sức quan trọng liên quan đến năng lực cạnh cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, các doanh nghiệp lớn và có thương hiệu của Việt Nam tham gia thị trường quốc tế, những năm gần đây có tăng lên tuy nhiên còn khá khiêm tốn. Động lực chính cho xuất khẩu của Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu nông sản, thủy hải sản.

Thứ năm, môi trường kinh doanh là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh cạnh tranh của doanh nghiệp. Những năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam, đã có sự cải thiện rất đáng kể, thứ hạng của Việt Nam đã vươn lên mức trung bình của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, trong năm 2018, thứ hạng và số cải cách của Việt Nam so với năm trước lại có sự giảm nhẹ. Theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business, 2019) của Ngân hàng Thế giới (WB), điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng từ 66,77 điểm lên 68,36 điểm, song thứ hạng bị tụt 1 bậc so với năm trước.

Đánh giá năng lực quản trị của các doanh nghiệp, Việt Nam cũng đang xếp hạng ở mức thấp trong khối ASEAN. Khảo sát chỉ số quản trị của các công ty niêm yết trong 6 nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6. Còn báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam xếp hạng thứ 104/140 nền kinh tế.

Một số giải pháp

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê TS. Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, trước hết, các doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, cần giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước thâm nhập vào các thị trường hoặc những phân đoạn thị trường cao cấp.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.

Cùng với đó, các doanh nhân phải chủ động nâng cao trình độ, cập nhật tri thức, nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp làm việc mới và hiệu quả, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

“Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến.”, TS. Lâm đề nghị.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, cần tập trung 4 giải pháp sau: Thứ nhất, cần thống nhất quan điểm, coi việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là nhân tố quan trong hàng đầu để có thể tham gia thị trường thế giới một cách bình đẳng và chủ động thích ứng với các cuộc chiến thương mai, tiền tệ toàn cầu, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện hay.

Thứ hai, để nâng cao năng lực cạnh tranh, yếu tố quyết định chính là nâng cao năng suất lao động của cả nền kinh tế và trong từng doanh nghiệp. Có thể nói, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ “sống còn” đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, trong điều kiện CMCN 4.0 ngày nay, cách tiếp cận về việc phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế sức khỏe và nghỉ dưỡng chất lượng cao, cần được phát phát huy mạnh mẽ, bởi vì đây là các ngành không chỉ có lợi thế cạnh tranh, mà còn có tình chất “đón đầu”, giúp Việt Nam có thể sớm rút ngắn trình độ phát triển kinh tế với các nước.

Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Theo chúng tôi, vấn đề cấp thiết hiện nay là: (i) Có chính sách thu hút nhân tài, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân Việt Nam, bởi vì trong hoạt động kinh doanh, tư duy và năng lực của nhà quản trị là nhân tố quyết định; (ii) Chính sách đào tạo nguồn nhân lực, bên cạnh tri thức, kỹ năng, tay nghề nói chung, cần hết sức coi trọng tính kỷ luật, tinh thần tập thể, trách nhiệm xã hội của người lao động; (iii) Môi trường làm việc chuyên nghiệp là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng trong việc sử dụng nhân lực và đây cũng là một hình thức đào tạo nhân lực có hiệu quả.

Thứ tư, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, nhất là chiến tranh thương mại và tiền tệ Mỹ - Trung, để các doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được những khó khăn thách thức, tận dụng được các cơ hội mới, thì những kiến thức về kinh tế thị trường quốc tế; các thông tin và phân tích sâu sắc về bối cạnh và tình hình thị trường thế giới, khu vực; năng lực phản ứng nhanh nhạy, chính xác của các doanh nghiệp, chính là những điều kiện cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì và phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 05-NQ/TƯ ngày 1-11-2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế

2. Chỉ thị 07/CT-TTg của ngày 4/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, tháng 4/2019.

4. Tổng Cục Thống kê (2020), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020.

5.http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Nang-suat-lao-dong-diem-song-con-voi-doanh-nghiep-Viet/384917.vgp

NCS. Nguyễn Gia Sơn

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số tháng 7/2020
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với tăng năng suất lao động của doanh nghiệp tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận