Phát triển kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

20/07/2020, 13:45

TCDN - Trong giai đoạn 2010 - 2017, với những cải cách về chính sách phát triển, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu khu vực về đóng góp GDP. Năm 2017, có duy nhất tỉnh Quảng Ngãi có mức tăng trưởng thấp do nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo trì bảo dưỡng.

3-1

Tóm tắt

Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giữa đất liền với các quần đảo. Trong những năm qua, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, định hướng phát triển, vị thế kinh tế của vùng ngày càng cải thiện. Bài viết thực hiện đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nhằm làm rõ những những thành công và hạn chế trong phát triển kinh tế của vùng và định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Vùng kinh tế duyên hải Nam Trung Bộ với 9 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh thuận, Bình Thuận đóng vai trò quan trọng, làm cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ với Tây Nguyên; giữa đất liền với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong vài năm gần đây, mức tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh trong vùng có xu hướng giảm khiến vị thế kinh tế của Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đang có xu hướng giảm mặc dù tổng GDP của vùng vẫn tăng trưởng. Năm 2010 GDP của toàn vùng đạt 237,4 nghìn tỷ đồng, năm 2017 là 461,4 nghìn tỷ đồng. Trong thời kỳ 2010 - 2017, tỷ trọng GDP toàn Vùng so với cả nước giảm từ 11% xuống 9,2%.Trong giai đoạn 2010 - 2017, với những cải cách về chính sách phát triển, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu khu vực về đóng góp GDP. Năm 2017, có duy nhất tỉnh Quảng Ngãi có mức tăng trưởng thấp, lí do là do nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo trì bảo dưỡng nên giảm tỉ lệ đóng góp vào GDP của tỉnh.

Empty

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT THEO TỪNG NHÓM NGÀNH CỦA VÙNG

Ngành nông, lâm và thủy sản

Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng có tất cả các tỉnh đều giáp biển ở phía Đông, tiếp đến là dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển và vùng đồi núi thấp phía Tây. Vì vậy, vấn đề hình thành cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp có ý nghĩa lớn với tất cả các tỉnh trong vùng.

Tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2011- 2017 nhìn chung cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành nông, lâm thủy sản cả nước, mặc dù mức tăng trưởng không ổn định; mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2011 (108,1%) giảm dần đến mức thấp nhất vào năm 2013 (101,8%); năm 2014 tăng trở lại mức 105,1% rồi lại tiếp tục giảm vào năm 2015, 2016 xuống mức 102,8% và tăng trở lại vào năm 2017 (105,5%). Đa số các tỉnh trong vùng cũng có mức tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn mức trung bình của cả nước, ngoại trừ Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng chú trọng phát huy kinh tế biển, gồm du lịch biển và khai thác thủy hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Sản lượng thủy hải sản khai thác ước đạt 887,5 nghìn tấn/năm (chiếm 29,23% cả nước); số lượng tàu khai thác thủy hải sản biển có công suất từ 90 CV trở lên là 11.673 chiếc (chiếm 40,65% cả nước). Đặc biệt, vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định là nơi cho khai thác nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, tôm hùm, hải sâm...

bai3_bang2

Ngành công nghiệp

Giai đoạn 2010 - 2017, đa số các tỉnh có mức tăng ngành công nghiệp cao hơn mức trung bình của cả nước, chỉ có tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng thấp hơn mức trung bình cả nước nhưng không đáng kể, cho thấy, công nghiệp vủa vùng trong giai đoạn này đã có sự tăng trưởng khá tốt.

Đặc biệt tỉnh Quảng Ngãi có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) = 1.684,6% tức là giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 cao hơn gấp gần 17 lần so với năm 2009 (theo giá so sánh năm 2000); Tỉnh Quảng Ngãi đạt được kết quả này nhờ: Khu kinh tế Dung Quất ra đời sớm và thành công là một lợi thế lớn. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đánh dấu bước phát triển trong lĩnh vực lọc, hóa dầu của cả nước. Nhiều dự án lớn như Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy Polypropylene và cụm nhà máy hóa chất, đã đầu tư hệ thống công nghệ tiên tiến, sản xuất có hiệu quả đã tác động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh.

Tính đến năm 2017, toàn vùng có 6 khu kinh tế 52 KCN đã có quyết định thành lập với diện tích đất tự nhiên 10.446,5 ha, trong đó có 29 KCN với tổng diện tích hơn 3.649,6 ha đã đi vào hoạt động. Số lượng dự án đầu tư là 986. Quy mô bình quân 1 KCN là 200,9 ha, thấp hơn so với bình quân chung cả nước 268,5 ha. Tỷ lệ lấp đầy còn thấp chiếm 34,9%.

bai3_bang3

Ngành dịch vụ

Tăng trưởng ngành dịch vụ của toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2011- 2017 nhìn chung cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, tăng trưởng khá ổn định hầu hết các năm đều đạt mức trên 110%; mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2012 (112,9%%); chỉ có 2 năm mức tăng trưởng thấp hơn 110% là vào năm 2014 (105,4%) và năm 2017 (106,2%). Đa số các tỉnh trong vùng cũng có mức tăng trưởng ngành dịch vụ cao hơn mức trung bình của cả nước, đặc biệt là Đà Nẵng, địa phương có ngành dịch vụ phát triển và chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; chỉ ngoại trừ Quảng Ngãi là tỉnh có mức tăng trưởng ngành dịch vụ giảm do tỉnh này tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp và đây cũng là tỉnh có tỉ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu ngành kinh tế thấp nhất của vùng (28,4% năm 2017) và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước là 45,9% (năm 2017).

Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và lợi thế tài nguyên, hai ngành dịch vụ phát triển nhất của vùng là du lịch, dịch vụ vận tải. Tổng lượng khách du lịch đến các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung tăng nhanh: năm 2010 toàn vùng chỉ đạt 13,2 triệu lượt khách, đến năm 2017 đã tăng lên 34 triệu lượt, chiếm 39% tổng lượt khách của cả nước, tốc độ tăng trưởng khách bình quân thời kỳ 2010 - 2017 đạt 13,3%/năm. Tổng thu nhập từ du lịch (đạt trên 61.448 tỷ đồng năm 2017), tăng trưởng bình quân 25,2%/năm, tăng trưởng bình quân vốn đầu tư ngành du lịch 17,1%/năm; năm 2017 tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP chung toàn vùng đạt tới 8,9% so (tỷ lệ của cả nước đạt 7,5%).

bai3_bang4

THÀNH CÔNG, HẠN CHẾ

Thành công

Đa số các tỉnh trong vùng đều chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý với ngành công nghiệp hoặc dịch vụ chiếm tỉ trọng chính trong nền kinh tế. Là thế mạnh của vùng, phát triển kinh tế biển tại đây được quan tâm chú trọng. Toàn vùng đã có 6 khu kinh tế, 54 KCN tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thủy sản, hóa chất.

Hạn chế

Thiếu sự liên kết trong quy hoạch, phát triển vùng: hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế nên các địa phương trong vùng chưa mặn mà trong liên kết phát triển, thậm chí còn cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư, làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng.

Về liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa có sự kết nối chặt chẽ với các giá trị văn hóa trong vùng. Ngành nông nghiệp chưa có sự liên kết theo từng khâu đoạn sản xuất. Về kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn nhiều bất cập, chưa phát huy lợi thế, thúc đẩy giao thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng. Việc tiến hành kêu gọi đầu tư nhìn chung còn thiếu đồng bộ, dàn hàng ngang, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương.

Về tổng thể, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, cấu trúc không gian phát triển vùng chủ yếu tập trung phát triển khu vực ven biển phía Đông, trong khi các khu vực miền núi phía Tây còn kém phát triển.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, mức tăng trưởng còn thấp và chưa ổn định, đặc biệt là tính liên kết vùng giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành kinh tế của vùng nói riêng còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền các tỉnh trong vùng cần có chiến lược thích hợp, khai thác tích cực các tiềm năng sẵn có của các tỉnh và của cả vùng để thúc đẩy kinh tế xã hội của vùng phát triển hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Bá Ân (2011), “Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh của 7 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

2. Bộ Công Thương (2016), Quyết định số 3447/QĐ-BCT, Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn 2035”, ngày 22 tháng 8 năm 2016.

3. Kỷ yếu Hội thảo Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, tại Bình Định, 2012; Hội thảo Xúc tiến đầu tư vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Đà Nẵng, 2013.

4. Trần Du Lịch (2011), “Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ” Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ).

5. Niên giám thống kê các tỉnh giai đoạn 2011 - 2017.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên

Tạp chí in số tháng 7/2020
Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận