Giải pháp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng suất ngành nông nghiệp

01/12/2020, 09:10

TCDN - Mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số của ngành nông nghiệp còn thấp, doanh nghiệp gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới.

Tóm tắt:

Công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động do giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số của ngành này còn thấp, doanh nghiệp gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới do các vấn đề kỹ thuật và tài chính.

Từ khóa: Công nghệ số; năng suất lao động; năng suất lao động nông nghiệp; nâng cao năng suất ngành nông nghiệp.

5

Tác động của công nghệ số đến năng suất ngành nông nghiệp

Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (2018) ghi nhận, trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội để tăng năng suất lao động do giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Các công nghệ như thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh… sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp đạt được những bước tiến lớn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân, công nghiệp 4.0 đang có bước khởi đầu triển vọng trong ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp ở Việt Nam. Ngoại trừ các hộ nông dân, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất. Nhìn chung, các doanh nghiệp cho thấy sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ số cao nhất về cơ sở vật chất và logistics. Tuy nhiên, họ lại có ít sự chuẩn bị về tài chính, chiến lược và sản xuất thông minh.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kết quả ước lượng 2 phương pháp REM và PSM đều cho thấy công nghệ số có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến năng suất lao động của ngành nông lâm thủy sản, theo đó 1% tăng lên của tỷ lệ lao động sử dụng Internet trong doanh nghiệp ngành này có thể làm năng suất lao động tăng lên 0,001% (PP REM – mức thấp nhất trong các ngành sản xuất) đến 0,002% (PP PSM), phản ảnh vai trò của công nghệ số trong ngành này còn hạn chế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đóng góp lớn cho năng suất lao động ngành nông lâm thủy sản vẫn là số lượng lao động và cường độ vốn. Hệ số trình độ người lao động mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê ở PP REM, phản ánh trình độ lao động cao (từ đại học trở lên) chưa hẳn là yếu tố quan trọng làm gia tăng năng suất lao động trong ngành nông lâm thủy sản. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tìm thấy có năng suất lao động ngành nông lâm thủy sản cao nhất cả nước, phù hợp với điều kiện thuận lợi của vùng địa lý này. Hợp tác xã là hình thức có mức năng suất lao động thấp nhất, phản ánh sự thiếu hiệu quả của hình thức hợp tác xã đối với hoạt động nông lâm thủy sản.

Thêm vào đó, khái niệm về cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn khá mới mẻ đối với hầu hết các doanh nghiệp trong hai ngành nói trên. Đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nghiên cứu các phương án thực hiện số hóa nhưng chỉ một số ít thực sự phát triển các kế hoạch cụ thể hoặc phân bổ kinh phí cho việc ứng dụng công nghệ số. Khoảng 35% các doanh nghiệp chính thức trong ngành nông nghiệp và khoảng 25% các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo đã có kế hoạch đầu tư vào các công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 trong năm tới.

Nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng chỉ ra rằng, đối với quan điểm sử dụng về công nghệ số có ảnh hưởng lớn nhất tới các hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nông nghiệp ưu tiên tự động hóa, máy móc, cảm biến và thu thập dữ liệu. Trong khi đó các hộ kinh doanh nông nghiệp ưu tiên các công nghệ hỗ trợ việc đưa ra quyết định tức thời và giải quyết các vấn đề quản lý hàng ngày. Ngành sản xuất, chế tạo ưu tiên phát triển công nghệ hỗ trợ sản xuất như giám sát và kiểm soát quá trình, rô‑bốt và tự động hóa. Rất ít các doanh nghiệp quan tâm tới các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, marketing hoặc nghiên cứu phát triển. Quá trình chuyển đổi số gặp nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng đầu tư vào công nghệ số tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chi phí quá cao và hiệu quả lâu dài của những công nghệ này vẫn chưa được kiểm chứng.

Cả hai ngành đều phải đối mặt với những thách thức tương tự nhau trong quá trình chuyển đổi số như: Tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); Thiếu thông tin về các công nghệ và dịch vụ số mới, đặc biệt là với các hộ kinh doanh, nông lâm thuỷ sản; Quyết định nên lựa chọn công nghệ nào để áp dụng và xác định nhà cung cấp công nghệ nào cho phù hợp; Các kỹ năng và năng lực sẵn có để triển khai và quản lý các hệ thống và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành nông lâm thủy sản.

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính. Những ngành công nghiệp này cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, các nghiên cứu trường hợp trong ngành nông nghiệp và sản xuất chế tạo cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số còn thấp. Dù các doanh nghiệp đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của công nghệ số trong sản xuất, họ vẫn gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới do các vấn đề kỹ thuật và tài chính.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, xu hướng ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực trồng trọt đang ngày càng định hình và phát triển ở Việt Nam. Có thể thấy, hầu hết các nhóm công nghệ số cơ bản trong nông nghiệp đều đã được triển khai hoặc bắt đầu được thử nghiệm tại nước ta. Trong đó, các công nghệ đang được áp dụng nhiều nhất là hệ thống thiết bị máy móc được kỹ thuật số hóa, gắn cảm biến và kết nối internet (IoT sensors) và/hoặc được kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để tạo thành hệ thống canh tác thông minh trong nhà, được điều khiển tự động hoặc bán tự động với quy trình khép kín.

Tại một số doanh nghiệp, các trang trại sản xuất tập trung, quy mô tương đối lớn, các công nghệ này đang được áp dụng khá đồng bộ. Có thể kể đến một số vùng sản xuất điển hình đang ứng dụng các công nghệ số này, như vùng trồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời; mô hình “Canh tác lúa tốt nhất” của HTX Mỹ Đông phối hợp với Công ty Rynan Smart Fertilizers; các vùng sản xuất rau an toàn của VinEco, của Công ty Cầu Đất Farm, Công ty TNHH Đà Lạt GAP…

Mặc dù, hiện nay tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng nuôi trồng cây còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,07% diện tích đất trồng cây hằng năm, nhưng việc áp dụng các công nghệ này đang ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, không chỉ tại các tỉnh, thành phố lớn - như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội, Quảng Ninh - mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước đều đang có các mô hình ứng dụng hiệu quả các công nghệ này, như: Quảng Ngãi, Kon Tum, Sơn La, Cao Bằng….

Bên cạnh các công nghệ cảm biến, hệ thống canh tác thông minh trong nhà, công nghệ sử dụng đèn LED đơn sắc để cung cấp đủ ánh sáng giúp thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây trồng cũng đã được áp dụng tại nhiều cơ sở trồng thanh long từ Bình Thuận đến Tiền Giang, hay trong sản xuất nấm và trồng hoa ở một số địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội. Các phần mềm ứng dụng trong quản lý, giám sát quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm trồng trọt cũng đã được phát triển bởi các doanh nghiệp Việt, như phần mềm Agricheck của Công ty cổ phần Đại Thành; phần mềm của VIFARM kết nối toàn cầu cho từng bao gói sản xuất, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, quy trình chế biến, thời gian bảo quản; phần mềm của Công ty Mimosatek; phần mềm Nextfarm QRcheck của Công ty NextFarm; công nghệ điện toán đám mây Akisai của Tập đoàn FPT hợp tác với Fujitsu,… đã được đưa vào ứng dụng tại không ít cơ sở sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố.  

Ngoài các công nghệ đang được áp dụng khá hiệu quả nói trên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại khác như: công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, robot gắn các thiết bị cảm biến để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó đưa ra quyết định chăm sóc cây trồng phù hợp; sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời (NLMT) phục vụ cho SXNN.

Có thể thấy, mặc dù chưa có một mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0 nhưng đã có ngày càng nhiều công nghệ số được đưa vào thử nghiệm và áp dụng trong SXNN ở Việt Nam.

Hàm ý chính sách

Để phát triển nông nghiệp 4.0, cũng như nâng cao năng suất lao động ngành nông nghiệp, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt và chung tay phòng ngừa rủi ro cùng với các thành phần kinh tế khác thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp thông qua việc ban hành chiến lược, quy hoạch và các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Chiến lược, quy hoạch tổng thể cho nông nghiệp 4.0: Ứng dụng công nghệ  số vào nông nghiệp vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, chi phí đầu tư không rẻ và nếu phát triển tràn lan cũng sẽ gây ra các tác động tiêu cực. Vì vậy, cần có chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp 4.0 của cả nước. Trong đó, lựa chọn vùng sản xuất với các loại nông sản cụ thể và định hướng công nghệ sử dụng rõ ràng; đi cùng với phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp 4.0. Khi Nhà nước thay đổi quy hoạch làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, hộ sản xuất phải bồi thường thỏa đáng với mức giá được xác định theo giá thị trường từ các tổ chức định giá chuyên nghiệp độc lập.

Chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai cho SXNN: Hiện nay, đất SXNN còn nhỏ, manh mún, phân tán và thiếu ổn định đã phần nào hạn chế nhu cầu và khả năng ứng dụng công nghệ  số vào nông nghiệp. Bởi vậy, chính sách cần nghiên cứu xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhằm đảm bảo quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm việc xác định và thu hồi các diện tích đất dôi dư, đất sử dụng không hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp để chuyển giao về cho chính quyền địa phương quản lý nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc đấu thầu quyền sử dụng đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường.

Chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho đổi mới và ứng dụng công nghệ  số trong nông nghiệp: Với đặc điểm của khu vực nông nghiệp, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và các biến động khó lường của thời tiết, dịch bệnh, đầu tư cho nông nghiệp 4.0 tiềm ẩn nhiều rủi ro, chi phí cao, cần hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng với sự đầu tư, góp vốn ban đầu của Nhà nước. Các quỹ này cần được quản lý và điều hành trực tiếp bởi các tổ chức tư nhân chuyên nghiệp độc lập; Nhà nước giám sát các quỹ này thông qua ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, như các ứng dụng công nghệ  điện toán đám mây quản lý, truy xuất dòng tiền một cách minh bạch. Bên cạnh đó, sửa đổi cơ chế hỗ trợ sau đầu tư quy định tại khoản 4, Điều 15 Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo cơ chế giải ngân từng hạng mục để đảm bảo hỗ trợ nguồn vốn kịp thời cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ  số vào nông nghiệp. Nếu giữ cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, nên chuyển sang theo cơ chế thưởng sau đầu tư và đơn giản các thủ tục xét thưởng, theo đó, doanh nghiệp không cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký hỗ trợ trước khi đầu tư.

Chính sách đào tạo phát triển nguồn lao động và phát triển công nghệ số cho nông nghiệp: Đào tạo lao động cho nông nghiệp 4.0 cần gắn kết với nhu cầu thực tế, thông qua việc phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo - nghiên cứu - khuyến nông giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo số hóa (Digital Innovation Hubs - DIHs), là nơi tụ hội của các nhà cung cấp IT, nông dân, các chuyên gia công nghệ, các nhà đầu tư và các đối tác khác. DIHs là cầu nối giúp cho khu vực nghiên cứu và phát triển công nghệ tương tác chặt chẽ với cộng đồng làm nông nghiệp để đưa ra các giải pháp công nghệ thiết thực cho đồng ruộng. DIHs là nơi kiểm nghiệm và thử nghiệm các công nghệ mới/đột phá, ở tất cả các khâu từ lúc có ý tưởng cho tới phát triển sản phẩm.

Chính sách phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp: Quản lý thị trường cần đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa những người chơi. Theo đó, cần có các quy định đầy đủ và hệ thống giám sát đủ mạnh về việc chứng nhận, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động chứng nhận, dán nhãn này nhằm không làm tăng chi phí của người sản xuất, qua đó khuyến khích họ áp dụng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn tiến bộ. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nên được ủy thác hoặc thuê các đơn vị chuyên nghiệp độc lập thực hiện, thay vì các cơ quan, tổ chức của Nhà nước trực tiếp thực hiện như hiện nay.

Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp: Hiện nay, bảo hiểm nông nghiệp chủ yếu mang tính an sinh xã hội cho các đối tượng người nghèo và cận nghèo, với phạm vi hỗ trợ hẹp nên chưa phát huy tác dụng là kênh phòng ngừa rủi ro quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn tới cần mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các sản phẩm nông nghiệp đang có lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như các loại rau, hoa ở nhiều tỉnh, thành hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo Chính phủ về Thực trạng và giải pháp thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp tại Hội nghị toàn quốc Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

2. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (2017c). Báo cáo đề tài Đánh giá hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp.

3. GreenID và Rosa Luxemburg Stiftung, 2018. Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam.

4. CIEM- GIZ (2019). Báo cáo tổng hợp nghiên cứu chuyển đổi/ tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách.

5. http://www.asti.cgiar.org/pdf/APC_brief.pdf

6.https://vn.sputniknews.com/vietnam/201911028203953-nhung-sang-che-an-tuong-cua-nguoi-nong-dan-viet-nam/

NCS. Lê Thanh Dung - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng suất ngành nông nghiệp tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tốc độ tăng GDP ngành Nông nghiệp ước đạt trên 1%
Mức tăng trưởng 6 tháng ngành Nông nghiệp vẫn duy trì ở mức khá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; tốc độ tăng GDP ước đạt trên 1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 18,8 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ.