Tốc độ tăng GDP ngành Nông nghiệp ước đạt trên 1%
TCDN - Mức tăng trưởng 6 tháng ngành Nông nghiệp vẫn duy trì ở mức khá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; tốc độ tăng GDP ước đạt trên 1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 18,8 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng vẫn duy trì ở mức khá: tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; tốc độ tăng GDP ước đạt trên 1%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 18,8 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt quý II, ngành nông nghiệp đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng với giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%; trong nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực – thực phẩm tiêu dùng trong thời gian cao điểm dịch bệnh và vẫn đảm bảo phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, cơ cấu lại ngành tiếp tục được triển khai tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng; các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu đã được giải quyết; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, tái đàn lợn được thực hiện tốt; và nguồn nước được điều tiết kịp thời phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và phòng chống cháy rừng.
Để đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn hơn của toàn ngành nông nghiệp. Do đó, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Trong bối cảnh đó, toàn ngành phải đối phó kép để thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề mà Chính phủ giao (tăng trưởng GDP từ 2,8 đến 3,2%).
Đặc biệt, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau... cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 42 tỷ USD.
“Chúng ta phải nhìn lại cục diện bất thuận, thách thức trong 6 tháng qua và các tháng tiếp theo, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch điều hành và hành động đồng bộ tất cả các khu vực, từ hành chính, sự nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Phương châm là với thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện 2-3 lần”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Khi đứng trước khó khăn, thách thức lớn, chúng ta phải tập trung trí tuệ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, không bàn lùi, không thay đổi mục tiêu kế hoạch năm 2020 mà Chính phủ giao.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899