Kiểm điểm người đứng đầu nếu chậm phân bổ vốn đầu tư công 2022

27/04/2022, 07:00

TCDN - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì thực hiện ngay việc tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có dự án và nhu cầu bổ sung vốn.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 125/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương án xử lý số vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết.

Theo Thông báo, tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có dự án và nhu cầu bổ sung vốn.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chậm phân bổ kế hoạch vốn chịu trách nhiệm kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đối với việc chậm phân bổ kế hoạch vốn mà không có lý do khách quan, bất khả kháng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022.

Đồng thời, tại văn bản số 1993/VPCP-KTTH ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: hết Quý I năm 2022, nếu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương nào chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, chưa phân bổ hết số vốn được giao tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg và Quyết định số 97/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đề xuất chuyển số vốn chưa phân bổ này cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác để tập trung giải ngân và kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm phân bổ vốn.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện ngay việc tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có dự án và nhu cầu bổ sung vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2022.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo rõ thực trạng, tình hình, nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chậm phân bổ, đánh giá tác động của việc điều chuyển vốn; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì cần báo cáo, giải trình rõ ràng, thuyết phục và đề xuất phương án xử lý phù hợp, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, bảo đảm hoàn thành việc phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2022 trong thời gian sớm nhất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 3720/BTC-ĐT ngày 25/4/2022 báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 3 tháng, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2022.

Về tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng số vốn đã phân bổ là 519.838,827 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 41.994,149 tỷ đồng.

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 40.261,217 tỷ đồng, chiếm 7,77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính cũng cho biết nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương: Có 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như Thanh tra Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp.

Nguyên nhân là do các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương: Còn 16/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.

Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%); trong đó, vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt 3,25%.

Có 7 Bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%).

Có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 là do các chủ đầu tư của một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao; một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Kiểm điểm người đứng đầu nếu chậm phân bổ vốn đầu tư công 2022 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 11%
Bộ Tài chính cho biết, đến cuối quý I năm 2022 giải ngân vốn đầu tư công đạt 11,03%, vẫn còn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ và 29 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Bộ trưởng đề nghị giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 trước ngày 31/12/2021