Kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm: Hà Nội ổn định cán bộ các cấp

16/11/2023, 14:29
báo nói -

TCDN - Việc nhiều cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm bị các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phát hiện, xử phạt cho thấy công tác kiểm tra, giám sát cần được duy trì thường xuyên hơn nữa.

3-1

Trong 9 tháng năm 2023, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành lấy 862 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; hiện đã có kết quả 658 mẫu, còn 204 mẫu đang chờ kết quả phân tích. Đối với các mẫu đã có kết quả, có 632 mẫu nông lâm sản và thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm 96,02%); 25 mẫu vi phạm (tỷ lệ 3,98%).

Công tác giám sát được các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện nghiêm túc; qua đó đã kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm, những mẫu vi phạm. Các ngành chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Cũng trong 9 tháng qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 478 lượt cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Theo đó, phát hiện 33 cơ sở có vi phạm quy định, chiếm tỷ lệ 4,2%; đã tiến hành xử phạt 33 trường hợp, với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Hà Tiến Nghi, hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương còn khó khăn. Nguyên nhân là do các xã, thị trấn chưa bố trí được cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, công tác hậu kiểm đối với cơ sở sau ký cam kết còn hạn chế. Ngoài ra, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm đã chuyển biến nhưng còn hạn chế; ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường...

Nhằm kiểm soát chặt chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, từ nay đến cuối năm 2023, các địa phương cần bố trí ổn định lực lượng cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản từ cấp quận, huyện, thị xã tới các xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong giám sát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đối với những mẫu phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương đôn đốc các cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Trước đó, UBND Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kế hoạch nêu rõ quan điểm bảo đảm an ninh, chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì ổn định nguồn cung thực phẩm nông sản có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thuộc thành phố, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn quốc gia và quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

Cùng với đó, huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản.

Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện, tham mưu HĐND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân. Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Kim Ngân

Tạp chí in tháng 11/2023
Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm: Hà Nội ổn định cán bộ các cấp tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận