Kinh nghiệm thu hút FDI cho mục tiêu phát triển bền vững của Singapore và bài học cho Việt Nam

31/10/2022, 16:28

TCDN - Trước bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID19, Singapore vẫn chứng tỏ là điểm đến FDI đầy hấp dẫn. Bài viết tập trung nghiên cứu một số chính sách của Singapore trong việc thu hút FD, từ đó kiến nghị một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Tóm tắt:

FDI là một bộ phận cấu thành cơ cấu nguồn vốn đầu tư; trong đó, thu hút FDI được xem là một trong những kế hoạch, mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong những năm qua, Singapore được xem là quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút FDI ổn định và bền vững qua các năm. Đại dịch COVID19 xảy ra từ cuối tháng 12 năm 2019 và lan ra hơn 220 quốc gia và vùng lãnh, khiến cho cả thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng. Sự cạnh tranh trong việc thu hút FDI trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trước bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID19, Singapore vẫn chứng tỏ là điểm đến FDI đầy hấp dẫn. Bài viết tập trung nghiên cứu một số chính sách của Singapore trong việc thu hút FDI. Những kinh nghiệm thu hút FDI tại quốc đảo này có giá trị tham khảo lớn cho Việt Nam, từ đó bài viết kiến nghị một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

8-1

1. THỰC TRẠNG THU HÚT FDI CỦA SINGAPORE

Với môi trường kinh tế canh tranh và thân thiện hàng đầu, cùng chính sách thu hút FDI trên mọi lĩnh vực, Singapore là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Theo Báo cáo đầu tư thế giới của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI vào Singapore đứng ở mức 83 tỷ USD năm 2017, giảm nhẹ xuống còn 79 tỷ USD năm 2018, sau đó dần phục hồi và đạt đỉnh 92 tỷ USD năm 2019. Con số này giúp Singapore lọt vào top ba thị trường đầu tư quan tâm nhất toàn cầu, chỉ xếp sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Như vậy, sau một năm, Singapore đã thăng hạng thăng hạng từ vị trí thứ năm lên vị trí thứ 3, đẩy đối thủ Hà Lan xuống vị trí thứ 4 (84 tỷ USD FDI) và bỏ xa Hồng Kông, Trung Quốc ở vị trí thứ 7 (68 tỷ USD), dù hai quốc gia này lần lượt xếp trên Singapore hai và một bậc năm 2018.

Là một trong 10 quốc gia thành viên ASEAN, những năm qua, Singapore luôn dẫn đầu khu vực về khối lượng FDI thu hút được từ nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, từ năm 2010 đến năm 2018, tỷ trọng FDI đổ vào quốc gia nhỏ bé nhất về diện tích của khu vực dao động từ mức thấp nhất 45,6% năm 2011 đến mức cao nhất 60,4% năm 2016, so với tổng FDI của ASEAN. (Ban Thư ký ASEAN). Xét riêng năm 2019, ngoài Singapore, Indonesia là quốc gia duy nhất lọt vào top 20 địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất thế giới, tuy nhiên tổng FDI đổ vào quốc gia có GDP lớn nhất ASEAN này chỉ khiêm tốn ở mức 23 tỷ USD, bằng ¼ so với Singapore.Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch COVID19, Singapore ghi nhận mức sụt giảm FDI tương đối lớn, 37%, xuống chỉ còn 58 tỷ USD. Bù lại, Singapore tụt dốc về FDI vẫn nhẹ hơn so với toàn cầu, ở mức 42%, từ 1,5 nghìn tỷ USD xuống còn 859 tỷ USD.

Với tổng dòng vốn FDI đạt 58 tỷ USD, Singapore vẫn duy trì vị thế là quốc gia thu hút FDI lớn nhất, bỏ xa các quốc gia khác trong khu vực ASEAN như Indonesia với 18 tỷ USD, Việt Nam 14 tỷ USD, Philippines 6,4 tỷ USD, Malaysia và Thái Lan lần lượt chỉ đạt 2,5 và 1,5 tỷ USD.

2. CHÍNH SÁCH THU HÚT FDI CHO MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA SINGAPORE

Đại dịch COVID19 có thể làm giảm các khoản FDI, tuy nhiên, Singapore có những nền tảng vững chắc, nhờ đó, lý do khiến các công ty toàn cầu muốn đầu tư vào Singapore vẫn còn “nguyên vẹn”. Đây là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC.

Quả thật, một trong những yếu tố căn bản nhất tạo nên sự thành công trong thu hút FDI của Singapore chính là môi trường vĩ mô ổn định và hấp dẫn.

Trong những năm qua, Singapore nổi tiếng với bộ máy hành chính hoạt động rất trơn tru, nhanh chóng, với sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dễ dàng. Các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần xin cấp giấy phép hoạt động và đăng ký thành lập thông qua Cơ quan Quản lý doanh nghiệp và Kế toán (ACRA), với nhiều hình thức như mở công ty con, văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện,… thủ tục đăng ký rất rõ ràng và nhất quán. Không chỉ vậy, Chính phủ Singapore còn tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh và cư trú cho người nước ngoài muốn hoạt động kinh doanh tại Singapore. Với sự hỗ trợ tối đa từ Chính phủ thông qua các chương trình khuyến khích, Singapore được nhìn nhận là nơi dễ dàng nhất thế giới để mở hoạt động kinh doanh cũng như nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu.

Trong hơn một thập kỷ qua, Singapore luôn nằm trong số ba quốc gia dẫn đầu về chỉ số thuận lợi kinh doanh (EBDI - Ease of Doing Business Index). Theo Doing Business Study (2019) của World Bank, Singapore đứng thứ hai trong số 190 quốc gia và có thứ hạng cao nhất trong hai lĩnh vực khởi sự kinh doanh và thực thi hợp đồng. Năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID19, Singapore vẫn giữ nguyên vị trí thứ hai về môi trường thuận lợi cho kinh doanh (theo EBDI của World Bank) với điểm số 86,2 tăng gần 1 điểm so với năm 2019 và chỉ xếp sau New Zealand với 86,8 điểm.

Đặc biệt, trong bối cảnh COVID19, Singapore không thay đổi bất cứ quy tắc nào về đầu tư nước ngoài, trong khi không ít các quốc gia đưa thêm nhiều quy định hạn chế FDI, như Australia, Séc, Pháp, Đức, Hungary, Italia, Ba Lan, Tây Ban Nha và Anh. Xét ví dụ về Cộng hoà Liên bang Đức. Theo quy định thông thường của Đức, trước khi đại dịch COVID19 xảy ra, nhà đầu tư nước ngoài không thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc không phải thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), có thể bị kiểm tra, hạn chế hoặc cấm mua lại cổ phần hoặc tài sản của công ty trong nước, tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức có quyền xem xét việc mua lại cổ phần/tài sản từ công ty trong nước của nhà đầu tư nước ngoài, nếu như nhà đầu tư giành được ít nhất 25% quyền biểu quyết của công ty này, để đánh giá xem giao dịch này có gây rủi ro cho trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia hay không.

Đặc biệt, đối với việc mua lại cổ phần/tài sản từ công ty trong nước hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến khai thác các cơ sở hạ tầng trọng điểm như năng lượng, nước, thực phẩm, công nghệ thông tin và viễn thông, điện toán đám mây, y tế, tài chính và bảo hiểm, vận tải và giao thông hoặc các lĩnh vực liên quan đến an ninh khác, nhà đầu tư nước ngoài có thể bị đánh giá khi sở hữu ít nhất 10% quyền biểu quyết. Nhà đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ thông báo về giao dịch cho

Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang. Trường hợp Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang tiến hành thủ tục kiểm tra, nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu. Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang sau đó sẽ có bốn tháng, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ cần thiết, để xem xét và ra quyết định phê duyệt hoặc cấm giao dịch này.

Tuy nhiên, kể từ ngày 03 tháng 06 năm 2020, một số thay đổi liên quan đến FDI bắt đầu có hiệu lực, khiến các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát các công ty trong nước hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược. Thứ nhất, phạm vi của lĩnh vực nhạy cảm được mở rộng thêm cơ sở hạ tầng về truyền thông của Chính phủ và các hàng hoá/dịch vụ liên quan đến COVID19. Thứ hai, các khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài giờ đây sẽ được kiểm tra toàn diện và nghiêm ngặt hơn, không chỉ dừng lại ở việc đánh giá rủi ro về trật tự công cộng và an ninh công cộng của riêng Cộng hoà Liên bang Đức, mà còn xem xét đến lợi ích về an ninh của các quốc gia EU khác. Thứ ba, tất cả các giao dịch, không phân biệt liên quan đến lĩnh vực thông thường hay lĩnh vực nhạy cảm, đều bị cấm thực hiện hoàn toàn cho đến khi được Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang phê duyệt. Thứ tư, thời hạn cho quá trình kiểm tra của cơ quan chuyên trách cũng được sửa đổi theo hướng kéo dài hơn: hai tháng cho thủ tục sơ bộ, thêm bốn tháng nữa khi thủ tục kiểm tra được mở ra và có thể gia hạn đến tám tháng với những trường hợp phức tạp.

Trái ngược lại với việc mở rộng lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài của Đức khi dịch bệnh COVID19 diễn biến ngày một phức tạp trên toàn cầu, Singapore vẫn mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, cho phép 100% sở hữu nước ngoài, ngoại trừ một số lĩnh vực như viễn thông, truyền thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ pháp lý và kế toán, y như trước kia. Nói cách khác, Singapore không đưa ra bất cứ hạn chế bổ sung nào về FDI. Các thủ tục liên quan đến việc xin cấp phép hoạt động cho công ty ở Singapore vẫn giữ nguyên, rất thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao, luôn là điểm sáng thu hút FDI của Singapore.

Singapore, dù bất lợi về diện tích và quy mô dân số, cũng như không có tài nguyên thiên nhiên, đã trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất châu Á, nhờ chú trọng nguồn nhân lực và liên tục đầu tư đáng kể vào nguồn nhân lực của mình. Nhân lực đã được xác định là nguồn vốn chiến lược quan trọng nhất đối với Singapore.

Một trong những đặc điểm mang đậm dấu ấn của Singapore chính là việc đào tạo nguồn nhân lực luôn gắn chặt với việc phát triển theo chiều sâu. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, Singapore luôn cho thấy một mối liên kết chặt chẽ giữa các chiến lược phát triển kinh tế và chính sách phát triển lực lượng lao động. Chẳng hạn như, trong những năm đầu xây dựng đất nước, thực hiện định hướng mở cửa với đầu tư nước ngoài, Singapore quy định tiếng Anh là môn học bắt buộc ngay từ bậc tiểu học năm 1960 và mở rộng lên bậc trung học năm 1966. Điều này thể hiện Chính phủ Singapore muốn chuẩn bị cho lực lượng lao động trong tương lai điều kiện thiết yếu để tiếp nhận được kỹ năng và kinh nghiệm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn này, Singapore tập trung vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, chưa đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nên Chính phủ chỉ xây dựng một hệ thống giáo dục công, dành cho tất cả dành cho tất cả học sinh. Tuy nhiên, khi Singapore chuyển hướng từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động sang các ngành thâm dụng kỹ thuật, Chính phủ đưa ra một hệ thống giáo dục mới, gồm ba loại hình trường cấp ba: (i) trường chuyên về học thuật, chuẩn bị cho học sinh vào đại học; (ii) trường tập trung vào đào tạo nghề và kỹ thuật tiên tiến và (iii) học viện kỹ thuật tập trung đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật cho học sinh. Việc đưa ra nhiều sự lựa mô hình về trường học nhằm mục đích khai thác và phát huy hết tiềm năng của học sinh, định hướng các em lựa chọn hướng phát triển theo sở trường của bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để trở thành thế hệ lao động nòng cốt, chất lượng trong tương lai.

Liên quan đến việc đào tạo lực lượng lao động, từ năm 1970, Ban Phát triển kinh tế Singapore (EDB) đã phối hợp với các công ty nước ngoài, thành lập các trung tâm đào tạo về các chuyên môn thế mạnh của chính công ty đó. Một số trung tâm đào tạo có thể kể tên là Trung tâm đào tạo EDB-Rollei về quang học và cơ khí chính xác (phối hợp cùng công ty của Đức, thành lập năm 1973), Trung tâm đào tạo EDB Philips về công cơ khí chính xác (phối hợp cùng công ty của Hà Lan, thành lập năm 1975). Sự tham gia của các công ty đảm bảo rằng lực lượng lao động, chính là các học viên của các trung tâm đào tạo, sẽ được đào tạo những kỹ năng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp. Nhờ việc thích ứng chính sách phát triển nhân lực với thay đổi về đường hướng phát triển kinh tế, Singapore đã sở hữu một trong những lực lượng lao động có trình độ cao nhất trên thế giới. Năm 2019, Tổ chức Lao động quốc tế xếp hạng Singapore ở vị trí thứ thứ tư toàn cầu và thứ nhất ở Đông Nam Á, xét theo năng suất lao động (GDP theo năm cơ sở 2011, PPP, đơn vị USD).

Đại dịch COVID19 bắt đầu xuất hiện tại Singapore từ tháng 1 năm 2020, cụ thể, ngày 23 tháng 01 năm 2020, Singapore ghi nhận ca mắc đầu tiên. Tính đến hết ngày 29 tháng 06 năm 2021, đảo quốc sư tư có 62.563 ca nhiễm, tốc độ lây lan của dịch bệnh nhìn chung đã được kiểm soát tốt ngay từ ban đầu, khi số ca mắc mới tăng rất chậm và tỷ lệ tử vong thấp. Tuy nhiên, không thể phủ định tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế của quốc gia này. Năm 2020, GDP của Singapore tụt dốc -5,8%, dù khả quan hơn mức dự đoán -6,5% đến -6,0% trước đó, nhưng cũng ghi nhận là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1961. Mặc dù tình hình kinh tế kém khả quan, Singapore vẫn đưa ra nhiều gói hỗ trợ khác nhau về cả việc làm và đào tạo lao động, dành cho người dân Singapore. Có thể kể đến:

- Gói hỗ trợ về việc làm và kỹ năng SGUnited (SGUnited Jobs and Skills Package) với mục tiêu hỗ trợ gần 100.000 người tìm kiếm việc làm, gồm:

• 40.000 việc làm trong cả khu vực công (15.000) và tư nhân (25.000)

• 21.000 vị trí thực tập cho người mới tìm việc lần đầu và 4.000 vị trí cho người tìm việc mới

• Tổ chức các khóa đào tạo cho 30.000 người, cùng với trợ cấp lên đến S$1.200/tháng trong suốt thời gian từ 6 đến 12 tháng của khóa học

Không chỉ dừng lại ở đó, Chính phủ Singapore còn tìm cách giải quyết việc làm đầu ra cho các học viên hoàn thành các khóa thực tập và đào tạo trên, bằng cách đưa ra các hình thức trợ cấp tài chính cho người sử dụng lao động, lên đến 40% lương hàng tháng trong sáu tháng, giới hạn ở mức S$12.000 đối với lao động từ 40 tuổi trở lên và 20% lương hàng tháng trong sáu tháng, giới hạn ở mức S$6.000 đối với lao động dưới 40 tuổi. Gói hỗ trợ này kéo dài đến hết ngày 31 tháng 03 năm 2022.

Những lao động đã có kinh nghiệm và muốn tìm kiếm việc làm mới còn có cơ hội tham gia các khóa đào tạo, do các công ty “săn đầu người” Korn Ferry hay công ty công nghệ SAP, trong một chương trình hợp tác giữa Chính phủ Singapore và các doanh nghiệp toàn cầu, đứng đầu trong mỗi lĩnh vực hoạt động. Chương trình tiếp tục thể hiện sự nhạy bén của Chính phủ Singapore trong việc đào tạo nguồn nhân lực, vừa đem lại hiệu quả cao nhất cho người lao động về rèn luyện kỹ năng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm, vừa duy trì được chiến lược phát triển lực lượng lao động trình độ cao.

Kết quả thu được là giá trị gia tăng trên mỗi giờ thực tế làm việc của người lao động Singapore năm 2020 lên tăng, dù khá khiêm tốn, chỉ 1,3% so với năm 2019, nhưng trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và hạn chế do dịch bệnh, nỗ lực và thành quả của Singapore vẫn rất đáng ghi nhận.

Thứ ba, Chính phủ Singapore rất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, khiến đảo quốc sư tử dẫn đầu thế giới về chất lượng cơ sở hạ tầng.

Diễn đàn Kinh tế thế giới tiến hành đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng của các quốc gia trên thế giới năm 2019, dựa trên các tiêu chí như kết nối đường bộ/đường sắt/sân bay/cảng biển, hiệu quả dịch vụ đường bộ/đường sắt/hàng không/cảng biển, cho biết Singapore đứng ở vị trí thứ nhất với tổng điểm 95,4/100, vượt xa nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản (vị trí thứ 5), Đức (vị trí thứ 8), Anh (vị trí thứ 11) và Hoa Kỳ (vị trí thứ 13).

Tháng 5 năm 2021, Nghị viện Singapore đã thông qua Đạo luật cho vay Chính phủ về cơ sở hạ tầng quan trọng (SINGA), mở đường cho Chính phủ chi trả các dự án cơ sở hạ tầng lớn, dài hạn thông qua hình thức vay vốn. Cụ thể, SINGA cho phép Chính phủ Singapore vay tới 90 tỷ SGD (khoảng 67 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng kéo dài ít nhất 50 năm. Số tiền này được huy động thông qua chứng khoán Chính phủ Singapore (SGS) mới, do Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) phát hành. Biện pháp này một lần nữa thể hiện khả năng thích ứng của tầng lớp lãnh đạo Singapore đối với bối cảnh kinh tế mới: đại dịch COVID19 khiến thâm hụt ngân sách của Singapore ghi nhận kỷ lục mới trong năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng 3 năm 2021) kể từ ngày độc lập, 64,9 tỷ S$, tương đương với 13,9% GDP, do đó, Singapore phát hành trái phiếu, tận dụng dòng tiền rảnh rỗi của người dân và doanh nghiệp, để tài trợ cho các dự án về cơ sở hạ tầng, phục vụ mục đích phát triển bền vững của quốc gia.

Thứ tư, hệ thống thuế, ưu đãi thuế đóng một phần quan trọng trong việc khuyến khích và mở rộng thu hút FDI ở Singapore.

Singapore đưa ra nhiều mức thuế đơn giải và thân thiện với các nhà đầu tư, khôngphân biệt nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất là 17%, kể từ năm 2009 cho đến nay, là mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất thế giới. Thậm chí, để khuyến khích các công ty đa quốc gia chuyển trụ sở đến Singapore, EDB còn giới thiệu nhiều ưu đãi như: các công ty được công nhận là trụ sở khu vực (regional headquarter) được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 15% đối với thu nhập đủ điều kiện phát sinh từ các hoạt động ở Singapore, hay những công ty được công nhận là trụ sở quốc tế (international headquarter) được hưởng mức thuế suất hấp dẫn hơn nữa, từ 0 đến 10%. Nhờ đó, mức thuế trung bình mà các công ty thực chất phải chịu chỉ rơi vào khoảng 8% so với mức thuế suất danh nghĩa 17%.

Dưới tác động của đại dịch COVID19, hiểu được những thử thách mà doanh nghiệpđang phải đối mặt, Chính phủ Singapore còn giới thiệu nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính hữu hiệu như hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân trong ba tháng, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 25% (giới hạn ở mức S$15.000) cho năm 2020, so với tỷ lệ 20% năm 2019 (giới hạn ở mức S$ 10.000) hay hoàn thuế tài sản từ 30%-100% cho tài sản thương mại đủ điều kiện,…

Hay theo Ngân sách Singapore 2018, thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) sẽ được tăng từ 7% lên 9%, trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2025, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Chính phủ Singapore quyết định không tăng thuế suất thuế GST vào năm 2021. Tất cả các khoản phí và lệ phí liên quan đến Chính phủ cũng sẽ không tăng trong một năm, từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021.

Với các phân tích trên về chính sách thu hút FDI, chúng ta có thể thấy để ứng phó với tác động của đại dịch COVID19, Chính phủ Singapore đưa ra nhiều hỗ trợ về tài chính, tuy nhiên, đây không phải là một biện pháp khác biệt mà có lẽ hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều áp dụng giải pháp này, không chỉ trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay mà còn trong rất nhiều trường hợp suy thoái kinh tế khác đã từng xảy ra trước đây. Ngược lại, mấu chốt của vấn đề nằm ở môi trường kinh tế vĩ mô ổn định (bộ máy hành chính giải quyết việc cực kì nhanh chóng, hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng và vô tư) và lực lượng lao động trình độ cao, những yếu tố nền tảng, không thể đạt được trong một sớm một chiều, mà Singapore đã định hướng, theo đuổi và duy trì từ những ngày đầu xây dựng đất nước. Bộ máy lãnh đạo nhà nước, từ Thủ tướng Lý Quang Diệu, Goh Chok Tong và gầy đây là Lý Hiển Long, đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược trong việc xác định được căn nguyên của mọi thành tựu, bao gồm ổn định chính trị, hiệu suất hành chính của Chính phủ và tài nguyên nhân lực.

3. BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Qua nghiên cứu chính sách thu hút FDI bền vững của Singapore, có thể rút ra những kinh nghiệm sau đây cho Việt Nam:

Thứ nhất, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, không ngừng đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Theo Trang Thông tin về dịch bệnh COVID19, tính đến thời điểm hiện tại, ngày 09 tháng 07 năm 2021, Việt Nam đã phải đối mặt với 4 làn sóng COVID19 trong cộng đồng và ngay từ đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên, (từ ngày 23 tháng 01 đến ngày 16 tháng 04 năm 2020), Việt Nam đã được đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ứng phó với dịch COVID19 (Liên Hợp quốc). Điều này đã mang lại kết quả rất tích cực về kinh tế cho Việt Nam: Việt Nam là một trong ba quốc gia duy nhất, cùng với Trung Quốc và Myanmar, đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 (+2,91%) (Tổng Cục Thống kê Việt Nam) và trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực (sau Indonesia, Thái Lan và Philippines). Điểm sáng này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao Việt Nam về sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, xã hội và sự linh hoạt của nền kinh tế qua đại dịch. Theo đó, mặc dù năm 2020 FDI vào Việt Nam sụt giảm so với năm trước (14 tỷ USD năm 2020 và 16,1 tỷ USD năm 2019, theo UNCTAD), nhưng làn sóng đầu tư mới được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng trong khu vực vẫn sẽ là những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Việt Nam trong việc thu hút FDI, do đó Việt Nam vẫn cần phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, thông thóa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ số EBDI của Việt Nam năm 2020 đạt 69,8 điểm, tăng 1,2 điểm, nhưng lại tụt một hạng xuống vị trí thứ 70 trên 190 quốc gia, so với năm 2019. Đặc biệt, chỉ số thành phần về khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong năm 2020 còn tụt hơn mười bậc, từ 104 xuống 122. Trong khi đó, như đã trình bày ở trên, Singapore xếp ở vị trí thứ hai trên toàn cầu và vị trí số một ở Đông Nam Á, theo sau là Malaysia (vị trí thứ 12 toàn cầu) và Thái Lan (vị trí thứ 21).

Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam phải chuẩn bị tốt nhất về môi trường đầu tư để có thể đón được FDI trong bối cảnh các quốc gia khác trên thế giới cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn lao động có kỹ năng và năng suất cao ở mức chi phí cạnh tranh là lực hút lớn đối với các nhà đầu tư tìm kiếm hiệu quả (UNCTAD). Do vậy, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực có thể coi là yếu tố then chốt đối với chính sách thu hút FDI bền vững.

Cũng giống như Singapore, Việt Nam rất chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam ưu tiên dành nguồn lực ngân sách lớn cho giáo dục: Điều 91 của Luật Giáo dục 2019 quy định cụ thể dành tối thiểu 20% chi ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục, khuyến khích xã hội hóa giáo dụ, đầu tư vào giáo dục, đào tạo.

Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu tổng quát đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới. Chiến lược cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể như tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, số trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế đạt trên 10 trường vào năm 2020…

Các chính sách giáo dục của Việt Nam nhìn chung tạo thuận lợi cho giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách còn bất cập khiến cho chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu. Chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam không được cải thiện nhiều trong những năm qua.

Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam, quý I năm 2019, cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó, 124.500 người trình độ từ đại học trở lên. Con số này cùng kỳ năm 2018 chạm mức 142.300 người. Thực tế này cho thấy số lượng người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp ngày càng giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, đây vẫn là nhóm trình độ có số lượng người không tìm được việc làm cao nhất.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam cũng rất thấp, 13.817 USD năm 2019, xếp thứ 142 trên tổng số 189 quốc gia và thứ tám trong khu vực Đông Nam Á, tụt hậu rất nhiều so với Singapore, 159.680 USD.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần phát triển và đổi mới cơ bản đào tạo, dạy nghề theo định hướng yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, của các nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu việc làm của người lao động; phát triển thị trường lao động và hoàn thiện thị trường lao động theo hướng tiếp cận với chuẩn mực chung của quốc tế về đào tạo, dạy nghề, về lao động, việc làm, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế của đất nước trong quá trình hội nhập.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật.

Hiện nay, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng tối đa các nguồn lực nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua phương thức đầu tư công - tư (PPP). Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút khoảng 150 dự án đầu tư theo hình thức PPP (không tính các dự án đầu tư theo hình thức BT), với tổng mức đầu tư trên một triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD). Những dự án đầu tư với nguồn lực từ khu vực tư nhân quan trọng này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng giúp giảm chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư là yêu cầu cấp bách, không chỉ có tác dụng thu hút thêm các dự án FDI mà còn giữ chân những dự án đang hiện hữu.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần có quy chế ưu đãi rõ ràng, cụ thể và đủ sức hấp dẫn đối với các hình thức đầu tư khác nhau vào các dự án, lĩnh vực trọng điểm, để tăng thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

4. KẾT LUẬN

Trong xu thế hội nhập, mở cửa kinh tế quốc tế, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của FDI trong việc phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của Singapore là minh chứng cho sự thành công trong việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI.

Qua thời gian, Singapore hiện vẫn đang là một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Sự thành công đó đến từ nhiều yếu tố trong đó phải kể đến những chính sách thu hút FDI của Singapore - đây cũng là một trong những điểm sáng để các quốc gia khác trong đó có Việt Nam có thể nghiên cứu và học tập kinh nghiệm. Trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam cũng như những tác động không nhỏ của đại dịch COVID19, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong việc xử lý và ngăn chặn đại dịch. Những thành công đó mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội mới, tạo được sự tin tưởng cho các nhà đầu tư và tăng thêm uy tín cho Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn. Để nhanh chóng có thể đón nhận được những dòng vốn đầu tư FDI chất lượng này, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đã thành công trong khu vực trong việc thu hút FDI như Singapore. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị thật tốt các yếu tố nội tại để có thể nắm bắt và không bỏ lỡ những cơ hội trong việc thu hút FDI để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. IMF (1993), Balance of Payment mannual, 5th Edition, 1993

2. OECD (1996), https://www.oecd.org/daf/inv/investment-policy/2090148.pdf

3. Department of Statistics Singapore, https://www.singstat.gov.sg/

4. Doing Business (2020), https://www.doingbusiness.org/en/reports/global-reports/doing-business-2020

5. Doing Business (2020), https://www.doingbusiness.org/en/reports/global-reports/doing-business-2019

6. Doing Business (2020), Ease of Doing Business rankings, https://www.doingbusiness.org/en/rankings

7. Dr. Peter Veranneman, Alberto Salvadè (2021), Foreign direct investment in times of the COVID-19pandemic, https://www.twobirds.com/en/news/articles/2020/global/foreign-direct-investment-intimes-of-the-covid-19-pandemic#Australia

8. Gayle Goh (2021), Singapore’s FDI flows were down 37% in 2020, 2021, https://www.businesstimes.com.sg/government-economy/singapores-fdi-flows-were-down-37-in-2020

ThS. Nguyễn Ngọc Diệp, ThS. Chu Tiến Minh

Trường Đại học Thương Mại

Tạp chi in số 9/2022
Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm thu hút FDI cho mục tiêu phát triển bền vững của Singapore và bài học cho Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới
Theo báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), với 16 tỷ USD năm 2020, Việt Nam đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng thu hút FDI. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 20 nước thu hút FDI nhất thế giới..
Thu hút FDI đạt hơn 12 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/4/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020.