Kỳ họp thứ 10 Quốc hội sẽ quyết nhiều vấn đề kinh tế

19/10/2020, 16:57

TCDN - Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV được tiến hành theo 2 đợt, trong đó, đợt 1 tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Đợt 2, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế...

Chiều 19/10, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên bên cạnh việc tập trung thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, kinh tế xã hội, công tác giám sát, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong cả giai đoạn 2016 - 2020; dự kiến các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra trong vòng 19 ngày.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra trong vòng 19 ngày.

Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 ngày xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII; thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.

Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Bên cạnh đó, các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng sẽ được cơ quan lập pháp xem xét, thông qua.

Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự, cụ thể là phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phê chuẩn việc miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bắt đầu khai mạc từ ngày 20/10/2020. Kỳ họp diễn ra trong thời gian 19 ngày chia làm 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 27/10/2020. Đợt 2 họp tập trung tại hội trường từ ngày 2/11 đến ngày 17/11/2020.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Kỳ họp thứ 10 Quốc hội sẽ quyết nhiều vấn đề kinh tế tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 1,9%
Dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19 đạt 1,9% năm 2020 và 11,2% vào năm 2021.