Dư nợ tín dụng đạt gần 8,7 triệu tỷ đồng

19/10/2020, 14:50

TCDN - Đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019.

Dư nợ tín dụng có chiều hướng tăng từ nay đến cuối năm 2020.

Dư nợ tín dụng có chiều hướng tăng từ nay đến cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Agribank, đến 30/9/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng.Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 805 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần70%dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm gần 50% dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank (khách hàng có nhu cầu vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng), đến cuối tháng 9/2020 đã cho 408.898 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 18.645 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.525 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến ngày 30/9/2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 223.207 tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách. Chất lượng tín dụng luôn được chú trọng nâng cao. Tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 1%/tổng dư nợ (hiện nay là 0,7%).

Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong quý II/2020, tín dụng khoảng 4,2 - 4,3%. Riêng trong tháng 9 tăng từ 4,3% đến 6,1%, tức là tăng khoảng 1,8%.

“Thời gian sắp tới, trong điều kiện chúng ta kiểm soát tốt dịch như hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp tích cực như hiện nay, thì dư nợ tín dụng trong năm nay có thể tăng khoảng hơn 9% là khả thi”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Dư nợ tín dụng đạt gần 8,7 triệu tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Dư nợ tín dụng năm 2020 có thể tăng hơn 9%
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện chúng ta kiểm soát tốt dịch, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp tích cực như hiện nay, thì dư nợ tín dụng trong năm nay có thể tăng khoảng hơn 9% là khả thi.