Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp ngành dầu khí

19/10/2020, 08:41

TCDN - Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2020, thông qua kết quả kiểm toán đã phát hiện hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp, tổng công ty đặc biệt trong ngành dầu khí.

Báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước gửi tới kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV nêu rõ, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp.

Cụ thể, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư -CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.

Bên cạnh đó, theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Nợ khó đòi tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) 214,4 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP 643,3 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 17,4 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm của các tổng công ty, doanh nghiệp ngành dầu khí.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm của các tổng công ty, doanh nghiệp ngành dầu khí.

Một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. PVPower - Công ty mẹ: Cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 chỉ đạt 0,2% tổng vốn đầu tư, trích lập dự phòng 100%/vốn đầu tư tương ứng 20,2 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Công ty mẹ đầu tư vào 01/05 công ty con lỗ; 05/17 công ty liên doanh lỗ.

Theo Kiểm toán Nhà nước còn tình trạng sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong cùng tổng công ty; quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn. Đơn cử như PVOIL: PVOIL Bạc Liêu, PVOIL Bình Thuận, PVOIL Tây Ninh, PVOIL Phú Thọ, Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP , PVOIL Thanh Hóa, PVOIL Nam Định.

Kết quả của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 09 mặt bằng đất tại Dự án Rạch Ụ Cây trước khi có quyết định giao đất, không có cơ sở xác định thời điểm tính tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất đối với 10 mặt bằng đất không thông qua đấu giá, thông báo và thu tiền sử dụng đất đối với 2 mặt bằng đất sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ không theo quy định Luật Đất đai.

Ngoài ra, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước thuộc diện phải giám sát đặc biệt: Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Ngọc Minh, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý BĐS UDIC, Công ty cổ phần UDIC Kim Bình, Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng và XNK Hồng Hà, Công ty cổ phần Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt.

Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2020, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 169 cuộc kiểm toán (bao gồm 158 cuộc kiểm toán được lập từ đầu năm và điều chỉnh, bổ sung trong năm theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề nghị của các đơn vị có liên quan). Đến 30/9/2020, toàn ngành đã triển khai 147/184 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 114/147 đoàn kiểm toán (đạt 77,5% số cuộc đã triển khai), phát hành 98 báo cáo kiểm toán.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp ngành dầu khí tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính gần 53.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, tính đến ngày 30/9/2020 toàn ngành đã kiến nghị xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng, trong đó: tăng thu 3.074,5 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 10.700 tỷ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỷ đồng.