Kỳ họp thứ 8 tạo tiền đề bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
TCDN - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 là kỳ họp đầu tiên khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, hôm nay, Quốc hội khóa 15 trọng thể khai mạc kỳ họp lần thứ 8. Theo chương trình, đây là kỳ họp của khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương lần thứ 10 khóa 13, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề chuẩn bị ngay về mọi mặt để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, vừa qua Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã thành công rất tốt đẹp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đến cấp cơ sở quán triệt triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 với tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao. Hội nghị Trung ương 10 đã thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, thống nhất nhận thức và hành động, việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội 13, chuẩn bị các công việc cho Đại hội 14 của Đảng. Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có vấn đề vượt dự báo, chưa có tiền lệ, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là mất mát to lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh kiên cường là một khối thống nhất về ý chí và hành động, sớm kiện toàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự đồng thuận cao, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị nỗ lực cố gắng tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 cơ bản hoàn thành và vượt với chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều điểm sáng tích cực. Chính trị xã hội ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với khu vực và thế giới. Các cân đối lớn được bảo đảm, chúng ta tăng lương nhưng không làm tăng giá, đã thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão Yagi đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tinh thần tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã được khơi dậy mạnh mẽ trong lúc khó khăn. Tiềm lực quốc phòng, an ninh đã được tăng cường, Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng và nâng tầm, thể hiện sự chủ động đóng góp tích cực của Việt Nam vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
Những thành tựu quan trọng đó đã củng cố thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta qua 40 năm đổi mới, tạo nên diện mạo mới, thế và lực mới để chúng ta có thể tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời gian tới. Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa 15 nói riêng. Trong thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng quan trọng.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó tập trung nhấn mạnh 3 vấn đề.
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
Thứ hai, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần sớm nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn, tránh trùng dẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, gây lãng phí. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn giải trình, giám sát văn bản pháp luật; chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất đi đôi với việc giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách.
Tại kỳ họp này, khối lượng các công việc giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng rất lớn, thực tiễn đang đặt ra, cử tri đang mong chờ, như là đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2025; giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023"; xem xét quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương... Đề nghị Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng này.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai thuộc bài, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao gương mẫu đi đầu đóng góp tích cực quan trọng trong xây dựng thể chế phát triển đất nước với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trình độ và năng lực công tác, giữ mối liên hệ chặt chẽ, phản ánh trung thực, ý kiến, kiến nghị của cử tri và chịu sự giám sát của cử tri. Luôn khắc cốt, ghi tâm và thực hiện cho bằng được lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với đại biểu Quốc hội phải ra sức giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu "vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng". Sắp xếp kiện toàn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của Quốc hội, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, nhà nước, của Quốc hội. Tôi đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, phấn đấu sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa sánh vai với các cường quốc 5 châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899