Lạm phát 800%, GDP giảm 19%, Venezuela đổ lỗi cho Mỹ

23/01/2017, 08:46

TCDN -

Theo số liệu sơ bộ của ngân hàng trung ương Venezuela mà hãng tin Reuters nắm được, chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng 800% trong năm 2016 trong khi nền kinh tế sụt giảm 18,6%.

Đây là tỷ lệ lạm phát lớn nhất lịch sử và tốc độ thu hẹp nền kinh tế lớn nhất trong 13 năm qua của quốc gia Nam Mỹ này.

Giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian dài khiến Venezuela từ một quốc gia thịnh vượng trở thành Liên Xô 2.0. Quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) này đang rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, khiến nhiều người không có thực ăn hoặc phải chờ đợi hàng giờ để mua được đồ dùng cần thiết.

Diễn biến tốc độ tăng trưởng GDP của Venezuela trong 4 năm qua

Tổng thống Nicolas Maduro cho rằng tình hình hiện nay là kết quả của một cuộc “chiến tranh kinh tế” mà ở đó các đối thủ chính trị đang được hậu thuẫn bởi Mỹ. Khi những vấn đề leo thang, ngân hàng trung ương Venezuela quyết định ngừng công bố các chỉ số kinh tế hàng tháng và hàng quý.

Theo tài liệu hãng tin Reuters có được, ngành dầu mỏ giảm 12,7% trong khi các lĩnh vực khác giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Gần như toàn bộ lượng ngoại tệ mạnh của Venezuela tới từ lĩnh vực dầu mỏ.

Diễn biến tốc độ tăng trưởng lạm phát của Venezuela trong 4 năm qua

Reuters cho biết các số liệu này có thể thay đổi trong quá trình phê duyệt tại ngân hàng trung ương Venezuela.

Năm 2015, nền kinh tế nước này ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm 5,7% trong khi lạm phát đạt 180,9%.

Ông Maduro cáo buộc các doanh nghiệp có liên quan tới đối thủ của ông cố tình tạo ra các vấn đề kinh tế. Vị lãnh đạo này cho rằng tình trạng lạm phát phi mã là kết quả của quá trình đầu cơ rồi sau đó đẩy giá lên rất cao của các nhà tư bản vô đạo đức. Tổng thống Venezuela khẳng định người lao động tại đất nước Nam Mỹ đang cho thấy sự hiệu quả hơn bao giờ hết, minh chứng là lương cơ bản tăng 454% trong năm 2016 so với năm 2015.

Trong cuộc họp báo tuần trước, ông Maduro cho biết mức lương tối thiểu được tăng 5 lần trong năm 2016 và tốc độ tăng lương cao hơn tỷ lệ lạm phát. Mặc dù vậy, vị tổng thống này không đưa ra con số lạm phát cụ thể.

Các biện pháp kiểm soát tiền tệ tại quốc gia Nam Mỹ này đang khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận với đồng USD, ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh thông suốt của các thương gia và nhà máy sản xuất. Năm 2016, nhiều người Venezuela bắt đầu vượt biên sang Brazil và Colombia để mua thực phẩm.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng Venezuela sẽ không có khả năng trả nợ nước ngoài nữa. Điều này khiến lãi suất trái phiếu tại đây là cao nhất trong số các thị trường mới nổi. Lãi suất trái phiếu Mỹ thấp hơn 21% so với lãi suất trái phiếu Venezuela cùng kỳ hạn.

Ông Maduro bác bỏ những tin đồn về việc công ty dầu nhà nước PDVSA có thể vỡ nợ. Vị lãnh đạo này cho biết PDVSA chưa bao giờ trả thiếu bất kỳ khoản thanh toán trái phiếu nào.

Theo Người đồng hành

Bạn đang đọc bài viết Lạm phát 800%, GDP giảm 19%, Venezuela đổ lỗi cho Mỹ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

x