Lạm phát hay giảm phát sau Covid-19?

26/08/2020, 10:16

TCDN - Nhiều người cho rằng việc các chính phủ bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế sẽ khiến giá cả leo thang. Một số khác nhận định giảm phát mới là vấn đề tương lai của các nước phát triển.

"Liệu lạm phát có quay trở lại hay không?" là câu hỏi gây chia rẽ bậc nhất đối với các chuyên gia kinh tế. Nhiều người cho rằng cuộc chiến không tiếc tiền chống lại tác động của dịch Covid-19 đã khiến những nền kinh tế phát triển đối mặt với nguy cơ giá cả leo thang ở quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Trong khi đó, bên còn lại khẳng định vấn đề mà các nền kinh tế này phải đối mặt là giảm phát chứ không phải lạm phát. Cuộc tranh cãi liên quan đến mọi lĩnh vực từ chính sách, cạnh tranh thương mại đến trợ cấp thất nghiệp.

Các chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới có thể đối mặt với áp lực cắt giảm gói cứu trợ, vốn đã lên đến 20.000 tỷ USD, theo Bank of America. Nếu lạm phát quay trở lại, thu nhập và hóa đơn của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Hơn 40.000 tỷ USD tiền tiết kiệm hưu trí có nguy cơ bị xói mòn.

Một số quốc gia từng ở trong tình trạng giảm phát trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, giờ chứng kiến giá cả tăng vọt. Trên thị trường trái phiếu và thị trường tiêu dùng, các thước đo về lạm phát kỳ vọng đã tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta sẽ mất nhiều năm để biết câu trả lời cuối cùng.

Cung tiền tăng chóng mặt

Theo nhà kinh tế Milton Friedman, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ. Đó là một quan điểm rộng rãi. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng số tiền khổng lồ mà các chính phủ bơm vào nền kinh tế sớm hay muộn cũng sẽ đẩy giá cả lên cao.

Ở nhiều quốc gia, cung tiền đang tăng với tốc độ chóng mặt. Thêm vào đó, không giống như một thập kỷ trước, khi một dòng tiền tương tự không bao giờ vượt quá bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, có những dấu hiệu cho thấy tiền mặt đang chảy vào túi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Trong cuốn The Great Demographic Reversal, tác giả Goodhart và Manoj Pradhan của Talking Heads Macro nhận định: "Kết quả không tránh khỏi là khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng, nền kinh tế phục hồi, lạm phát sẽ tăng vọt".

Lượng lớn tiền bơm vào các nền kinh tế có thể khiến giá cả leo thang. Ảnh: Reuters.

Lượng lớn tiền bơm vào các nền kinh tế có thể khiến giá cả leo thang. Ảnh: Reuters.

Quan điểm ngược lại cho rằng không phải việc bơm tiền mà cách sử dụng tiền mới ảnh hưởng đến giá. Đó là lời giải thích cho việc lạm phát đã giảm nhẹ kể từ năm 2008, ngay cả khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh in tiền. Kịch bản tương tự có thể diễn ra trong cuộc khủng hoảng này.

Vận tốc của tiền tệ là thước đo số lần tiền chuyển từ thực thể này sang thực thể khác của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Vận tốc tiền đã giảm xuống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Như vậy, rất nhiều tiền được bơm vào nền kinh tế nhưng không được lưu hành.

"Mối liên hệ giữa cung tiền và lạm phát rất hời hợt. Cung tiền có thể lớn. Nhưng điều đó không nhất thiết dẫn đến lạm phát", Bloomberg dẫn lời ông Derek Tang, nhà kinh tế tại LH Meyer, nhận định.

Chi tiêu hay tiết kiệm?

Chi tiêu có thể tăng trở lại nhanh hơn so với năm 2008 và dẫn đến giá cả tăng cao. Bởi những chính sách hỗ trợ quyết liệt đã tác động trực tiếp đến các hộ gia đình.

Nhờ sự hỗ trợ của các ngân hàng trung ương, thị trường chứng khoán đã phục hồi trong vài tháng thay vì nhiều năm. Giá nhà không bị ảnh hưởng nhiều. Chính phủ cũng hỗ trợ đáng kể cho những người lao động bị giãn việc hoặc mất việc.

Không giống như kích thích tiền tệ, kích thích tài khóa đi thẳng vào tài khoản ngân hàng của mọi người.

Những yếu tố trên có thể tạo ra lạm phát do cầu kéo, tức lạm phát xảy ra khi tổng cầu tăng. "Tại sao nhu cầu cuối cùng không tăng mạnh khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Khi có trong tay bất cứ sức mạnh thị trường nào để tăng giá, các công ty sẽ làm vậy", ông Stephen Jen, nhà điều hành quỹ đầu tư và công ty tư vấn Eurizon SLJ Capital, nhận xét.

Chính phủ tăng hỗ trợ nhưng các hộ gia đình lại tiết kiệm nhiều hơn. Ảnh: Bloomberg.

Chính phủ tăng hỗ trợ nhưng các hộ gia đình lại tiết kiệm nhiều hơn. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, theo bên ủng hộ quan điểm về giảm phát, thu nhập của người lao động có thể lành lặn qua khủng hoảng, nhưng không phải tất cả tiền đều được chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm đã tăng vọt.

Một phần nguyên nhân là các cửa hàng, quán bar phải đóng cửa, mọi người hạn chế di chuyển bằng đường hàng không. Nhưng ngay cả khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, lo ngại về sức khỏe và công việc vẫn khiến họ thận trọng.

"Rõ ràng là chúng ta sẽ không trở lại bình thường trong ngắn hạn cho đến khi mọi người chi tiêu số tiền mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã bơm vào thị trường và chính phủ Mỹ trao đến họ", John Ryding, Cố vấn kinh tế trưởng tại Brean Capital bình luận.

Việc làm và cú sốc cung

Một nguyên nhân khác khiến giới phân tích dự đoán lạm phát cao hơn là các ngân hàng trung ương - những người giúp ổn định giá cả - sẵn sàng để giá tăng hơn bao giờ hết.

FED khẳng định rõ mục tiêu hàng đầu là chống khủng hoảng và chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng có các động thái tương tự.

Tuy nhiên, giá cả chỉ đối mặt với áp lực tăng liên tục khi nền kinh tế sử dụng tất cả nguồn lực, bao gồm lao động. Trong khi đó, việc làm ở khắp mọi nơi đều sụt giảm và khó phục hồi nhanh chóng lên như trước đại dịch.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng đẩy giá lên cao. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, lạm phát lương thực đã tăng nhanh trong vài tháng qua. Dịch Covid-19 cũng có thể khiến các xung đột thương mại trở nên căng thẳng hơn. Nguyên nhân là nhiều chính phủ phụ thuộc vào hàng hóa của quốc gia khác như khẩu trang, thuốc và chip máy tính. Họ sẽ gây áp lực để buộc doanh nghiệp đưa dây chuyền sản xuất về nước với bất cứ giá nào.

Các ngân hàng trung ương sẵn sàng để giá tăng cao trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Các ngân hàng trung ương sẵn sàng để giá tăng cao trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 thường được so sánh với một cuộc chiến tranh thực sự. Trong lịch sử, những cuộc chiến tranh này thường dẫn đến lạm phát.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng chú ý. Xung đột quân sự làm suy yếu nguồn cung của nền kinh tế, tàn phá nhà máy và các tuyến đường sắt, dẫn đến giá cả leo thang. Trong khi đó, những cơ sở hạ tầng này hoàn toàn nguyên vẹn trong dịch Covid-19 ngay cả khi chúng không được sử dụng.

"Vốn không bị phá hủy hay cạn kiệt. Sẽ rất dễ dàng để khôi phục công suất. Và nhu cầu mới là vấn đề chính", Alicia Garcia Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA, bình luận. Đó là lý do bà ủng hộ quan điểm về khả năng giảm phát của các nền kinh tế lớn.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Lạm phát hay giảm phát sau Covid-19? tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan