Lọc hóa Dầu Bình Sơn "nhẹ gánh lo âu" sau thông tin giảm thuế?
TCDN - Thông tin thuế nhập khẩu dầu thô nhẹ Azeri sẽ giảm xuống 0% được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh Lọc Hóa dầu Bình Sơn.
Ngày 17/09/2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2019/QĐ-TTg. Theo đó, mức thuế đối với dầu thô nhẹ Azeri nhập từ Azerbaijan sẽ giảm từ 5% xuống 0% từ ngày 01/11/2019.
Thông tin này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lọc dầu, tiêu biểu như CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Thuế không giảm, BSR khó khăn ra sao?
Trong báo cáo thường niên năm 2018, BSR cho biết, chính sách và các mức thuế suất thuế nhập khẩu dầu thô, xuất khẩu sản phẩm xăng dầu đang gây rất nhiều khó khăn cho BSR trong tiếp cận nguồn dầu thô phù hợp, khó có thể linh hoạt thực hiện công tác tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hiệu quả chung.
BSR cho biết thêm, dầu thô Azeri (xuất xứ từ Azerbaizan) là loại dầu thô chiến lược của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang chịu mức thuế suất 5% làm giảm hiệu quả chế biến của Nhà máy. Từ quý 3/2018 với việc NMLD Nghi Sơn (NSRP) cung cấp sản phẩm ra thị trường nội địa đúng vào thời điểm nhu cầu thị trường khá thấp, trong khi nguồn cung từ nhập khẩu và xăng dầu từ NMLD Dung Quất lại khá dồi dào khiến cho thị trường dư thừa nguồn cung dẫn đến việc tiêu thụ cũng như giá bán các sản phẩm xăng dầu bị ảnh hưởng lớn.
Việc xăng dầu của NSRP được bán ra thị trường với giá thấp dẫn đến mặt bằng giá của BSR giảm sâu trong quý 3/2018 và tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của BSR. Từ tháng 10/2018 giá dầu thô giảm sâu và nhanh, từ 86,16 USD/thùng (ngày 04/10/2018) xuống còn 50,21 USD/thùng (dầu Dtd Brent) tại ngày 28/12/2018. Điều này đã dẫn đến tốc độ suy giảm doanh thu lớn hơn nhiều so với tốc độ giảm chi phí nguyên vật liệu chính là dầu thô do ảnh hưởng của tồn kho dầu thô và sản phẩm có giá cao.
Thuế nhập khẩu dầu thô giảm còn 0%, trong ngoài đều tích cực
Qua "lăng kính chuyên gia", công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, trong những năm qua, Lọc hóa Dầu Bình Sơn không hề nhập khẩu dầu thô nhẹ Azeri vì mức thuế nhập khẩu 5% khiến chi phí sản xuất kém cạnh tranh dù loại dầu này có thể là đầu vào chiến lược cho công ty vì phù hợp với thiết kế nhà máy lọc dầu.
Theo đánh giá của VCSC, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp BSR tiếp tục đa dạng hóa đầu vào ngoài việc nhập khẩu dầu thô WTI từ Mỹ và dầu thô từ Đông Nam Á và Tây Phi. Ngoài ra, việc giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với dầu Azeri được đánh giá giảm thiểu rủi ro về nguồn cung và chi phí đầu vào cho BSR cả dầu Azeri và dầu WTI.
Nội bộ BSR cũng đánh giá tích cực trước thông tin về thuế. Cụ thể, ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết "Đây là tín hiệu rất khả quan cho Công ty tiếp cận nguồn dầu thô Azeri, loại dầu có trữ lượng lớn ở Azerbaijan, có chất lượng tương đương dầu Bạch Hổ và có thể chế biến với tỷ lệ phối trộn cao. Việc giảm thuế nhập khẩu dầu thô về 0% sẽ giúp BSR mở rộng cơ hội nhập khẩu dầu thô. Qua đó có thể nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR".
Ông Tiến cho biết thêm, từ năm 2020, BSR sẽ tự chủ trong hoạt động mua dầu thô, đứng tên trong hợp đồng ký trực tiếp với nhà cung cấp, chủ động trong ra quyết định, thời điểm nhập hàng… là yếu tố giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thuận lợi trên thị trường để tối đa hóa lợi nhuận
Ngoài ra, thông tin thêm từ phía BSR, tại Hội nghị APPEC - Diễn đàn quốc tế về lĩnh vực dầu khí, SOCAR Trading SA – Công ty thành viên của Công ty Dầu Quốc gia Azerbaijan sẵn sàng cam kết cung cấp dài hạn dầu thô chiến lược Azeri cho NMLD Dung Quất. Được biết, năm 2018, SOCAR Trading SA khai thác 441 triệu thùng dầu, trong đó có khoảng 200 triệu thùng dầu Azeri.
Cổ phiếu tăng tích cực trong tuần vừa qua
Kết phiên giao dịch 20/09, cổ phiếu BSR đóng cửa tại mức giá 9.600 đồng/cổ phiếu. Tổng kết tuần, cổ phiếu BSR tăng hơn 9% với khối lượng khớp lệnh bình quân hơn 3 triệu cổ phiếu. Đặc biệt, trong phiên giao dịch 18/09, có hơn 7 triệu cổ phiếu BSR được giao dịch, cao nhất kể từ phiên giao dịch 15/10/2018 đến nay.
Theo Nhịp cầu đầu tư
email: [email protected], hotline: 086 508 6899