Luật PPP: Cam kết pháp lý, đảm bảo nghĩa vụ các bên

20/07/2020, 09:30

TCDN - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tỷ lệ tán thành là 92,75% (448/456 đại biểu tham gia biểu quyết).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dự án luật nhằm "tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP".

Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật PPP. Theo báo cáo, về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP (khoản 1 Điều 4), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực, tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và đã có thực tiễn triển khai trong 20 năm qua. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tại Điều 99 cũng đã đề xuất sửa đổi một số điều, khoản tại một số luật liên quan để thống nhất lĩnh vực đầu tư theo quy định của Luật PPP.

Lý giải nguyên nhân Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội giữ quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 2 Điều 4) như dự thảo Luật, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 4 theo hướng những dự án PPP đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thì có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỷ đồng. Quy định này phù hợp với nhiều địa phương, các lĩnh vực đầu tư khác nhau nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu.

Riêng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý thì không khống chế tổng mức đầu tư tối thiểu do loại dự án này không có cấu phần xây dựng. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội giữ các quy định về quy mô đầu tư như dự thảo Luật.

Liên quan đến vấn đề lựa chọn nhà đầu tư (Chương III), ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà đầu tư áp dụng cho tất cả các dự án PPP; 3 hình thức khác trong lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt chỉ được thực hiện trong một số trường hợp và có điều kiện cụ thể như có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ mới, dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Đối với cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (Điều 82), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 quy định biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25% (tương ứng với mức tăng doanh thu từ 125% trở lên và mức giảm doanh thu từ 75% trở xuống). Từ kinh nghiệm một số nước và thực tiễn triển khai một số dự án BOT giao thông, dự thảo Luật quy định khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu; khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thể hiện một phương án như dự thảo Luật và cho giữ biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25%.

Về Kiểm toán nhà nước trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP (Điều 85), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, sửa đổi Điều 85 theo hướng Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước.

Như vậy, Luật PPP được ban hành nhằm tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng, đồng thời, bảo đảm khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, để tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó là bổ sung các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

10 điểm quan trọng của Luật PPP:

1. Lĩnh vực đầu tư: Luật PPP đã rút gọn các lĩnh vực để tập trung đầu tư 5 lĩnh vực thiết yếu: (1) Giao thông; (2) Lưới điện, nhà máy điện; (3) Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; (4) Y tế, giáo dục - đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.

2. Quy mô đầu tư: Nhằm tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, Luật PPP quy định thực hiện đầu tư PPP đối với dự án có TMĐT từ 200 tỷ đồng, trừ dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo (từ 100 tỷ đồng).

3. Phân loại dự án PPP: Khác với quy định trước đây - dự án PPP phân loại theo pháp luật đầu tư công, Luật PPP quy định việc phân loại dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).

4. Hội đồng thẩm định dự án PPP: Luật PPP quy định 3 cấp Hội đồng thẩm định (nhà nước, liên ngành và cơ sở) dự án PPP tương ứng 3 cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả và khả thi trước khi dự án PPP đưa ra thị trường, thu hút đầu tư.

5. Vốn nhà nước trong dự án PPP: Luật PPP quy định rõ vốn nhà nước trong dự án PPP và phương án quản lý từng hình thức hỗ trợ, tham gia vốn nhà nước. Đặc biệt, trong Luật quy định hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

6. Lựa chọn nhà đầu tư: Luật PPP quy định tích hợp nội dung lựa chọn nhà đầu tư (trước đây trong Luật Đấu thầu), bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể và tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP.

7. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ tăng (doanh thu tăng trên 125%), giảm (doanh thu giảm dưới 75%) doanh thu để giảm thiểu rủi ro cho dự án PPP, đặc biệt các rủi ro do những thay đổi từ phía Nhà nước. Đây được đánh giá là một cơ chế mới, rất quan trọng.

8. Huy động vốn của doanh nghiệp dự án: Bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống từ ngân hàng, Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP.

9. Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP: Luật PPP quy định cụ thể phạm vi, nội dung Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán dự án PPP đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP; ngân sách nhà nước dùng để chia sẻ phần giảm doanh thu; và giá trị tài sản khi được chuyển giao cho Nhà nước.

10. Dự án BT: Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện dự án BT trong giai đoạn tới; đặc biệt, kể từ ngày Luật công bố, sẽ dừng nghiên cứu mới các dự án BT. Luật quy định chi tiết cho các trường hợp chuyển tiếp trên tinh thần thừa kế tối đa các kết quả thực hiện trước đây; Chính phủ sẽ quy định rõ thêm nội dung này.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Mai Thanh

Tạp chí in số tháng 7/2020
Bạn đang đọc bài viết Luật PPP: Cam kết pháp lý, đảm bảo nghĩa vụ các bên tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giám sát dự án PPP: Tăng cơ chế và lợi ích cho cộng đồng
Quy định về giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và cộng đồng là một trong những tiến bộ của dự thảo Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, trình tự thủ tục, nội dung giám sát như thế nào, phương thức và kết quả giám sát ra sao vẫn là vấn đề cần bàn.