Giám sát dự án PPP: Tăng cơ chế và lợi ích cho cộng đồng

01/06/2020, 09:02

TCDN - Quy định về giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và cộng đồng là một trong những tiến bộ của dự thảo Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, trình tự thủ tục, nội dung giám sát như thế nào, phương thức và kết quả giám sát ra sao vẫn là vấn đề cần bàn.

Chưa rõ nội dung phương thức giám sát

Ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho biết, một nội dung được dư luận khá quan tâm đó là quy định về giám sát của MTTQ và cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án. Dự thảo luật hiện đang quy định tách riêng phản biện xã hội và quy định về giám sát xã hội của MTTQ. Phản biện xã hội là chức năng của Mặt trận tổ quốc đã quy định trong Luật Mặt trận tổ quốc. 

Dự thảo Luật bổ sung quy định về giám sát của Mặt trận tổ quốc theo hướng chỉ tập trung vào dự án quan trọng quốc gia, dự án có quy mô di dân, tái định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư, nói tóm lại là các vấn đề liên quan đến dân sinh, xã hội và môi trường, không nên đi vào các nội dung có tính chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ.

PGS.TS Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), cho rằng giám sát thực hiện hợp đồng dự án quy định tại điều 61 và 67 dự thảo, đang thiên về ghi nhận quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án. Doanh nghiệp dự án chịu quyền giám sát của cơ quan Nhà nước nhưng tại sao không được sát lại. Ví dụ, giải phóng mặt bằng Nhà nước phải bảo đảm, trên thực tế nhà nước vi phạm gây thiệt hại thì doanh nghiệp dự án có quyền kiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không?

Quy định về giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và cộng đồng là một trong những tiến bộ của dự thảo, vì Nghị định 63/2018/NĐ-CP không có.

Tuy nhiên, nội dung về giám sát cộng đồng đối với các dự án PPP trong dự thảo luật còn sơ lược. Dự thảo chỉ có 2 điều quy định về nội dung giám sát của cơ quan MTTQ, không có quy định cụ thể về nội dung giám sát của cộng đồng dân cư.

Dự luật nên dành nhiều hơn nữa sự quan tâm cho vấn đề này thay vì chỉ dành một Điều 90. Ít nhất phải giải quyết được các vấn đề: ai được tổ chức giám sát? giám sát cái gì, không thể để MTTQ cái gì cũng giám sát? trình tự, thủ tục giám sát; nội dung giám sát, phương thức và nhất là giá trị pháp lý của kết quả giám sát cộng đồng. Trách nhiệm của các đơn vị giải trình về kết quả giám sát như thế nào, việc tiếp thu và kết quả tiếp thu sẽ phản hồi cho người dân ra sao.

03 giải pháp chính sách

Ông Nguyễn Tiến Lập, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, có 4 vấn đề nổi cộm trong thực tế triển khai các dự án PPP: (1) mất cân đối, nhiều BOT giao thông và BT vì dễ sinh lời, dễ trục lợi; (2) quyền của cộng đồng và người dân không được bảo đảm, nhất là quyền lựa chọn; (3) chất lượng đầu ra không đạt về quản lý và công nghệ; (4) tài chính dự án không rõ ràng, minh bạch, vốn tư nhân rất ít và Nhà nước phải chịu rủi ro thông qua bảo lãnh ngân hàng.

Giải pháp chính sách trước tiên cần triển khai là cơ chế tài chính. Hiện còn nhầm lẫn, tài chính của dự án PPP là tài chính dự án, không phải doanh nghiệp nên các bên tham gia phải xoay quanh hiệu quả của dự án, phê duyệt tính khả thi. Muốn tăng phần vốn phải cho phát hành trái phiếu công trình, không phải trái phiếu doanh nghiệp. Ban đầu nhà đầu tư không cần bỏ nhiều vốn nhưng dự án đó phải hấp dẫn để thu hút tư nhân dưới dạng cổ phiếu trái phiếu, chứng chỉ đầu tư, thu hút tư nhân và ngân hàng thương mại.

Tiếp đến là cơ chế giám sát. Vai trò tham gia và giám sát của cộng đồng quy định tại Điều 90 dự thảo luật PPP. Đây là điểm mới đáng hoan nghênh trong quan điểm chính sách về vai trò của cộng đồng trong các dự án PPP.

Tuy nhiên, cần làm rõ và nhấn mạnh các nội dung như sau: Thứ nhất, quyền tham gia phản biện và được tham khảo ý kiến của cộng đồng phải được thực hiện ngay từ ban đầu khi quyết định chủ trương và phê duyệt dự án trong trường hợp dự án có tác động đến các quyền và lợi ích của họ. Việc giám sát đối với triển khai dự án sau đó chỉ có ý nghĩa bổ sung, hỗ trợ mà không thay thế quyền này.

Thứ hai, theo nguyên lý chung về phát triển bao trùm, các dự án PPP có tác động đến đời sống của cộng đồng sở tại phải gắn với chính sách mang lại lợi ích mới cho cộng đồng, thay vì chỉ hạn chế hay bù đắp các thất thiệt phát sinh.

Thứ ba, ý kiến của cộng đồng phải được tham khảo trên cơ sở giải trình rõ ràng về dự án định triển khai và trực tiếp thông qua Hội nghị cộng đồng với đại diện của các hộ dân có liên quan (theo nguyên tắc dân chủ trực tiếp ở cơ sở) mà không thể thay thế bằng ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội tại địa phương.

Cuối cùng, theo mô hình các nước và khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, cần thành lập Trung tâm PPP. Theo đó, ý thức được tính mới, tính phức tạp của phương thức đầu tư này xét từ các góc độ pháp lý, chính trị, kinh tế và xã hội, hầu như ở tất cả các quốc gia lựa chọn PPP (khoảng 67 nước) đều chủ động thành lập các cơ quan chuyên trách được gọi là Trung tâm PPP hoặc dưới tên khác với cùng chức năng hỗ trợ Chính phủ trong việc lập và thực thi chính sách về PPP.

Các Trung tâm này không phải là cơ quan hành chính có thẩm quyền quyết định mà thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và tư vấn về chính sách và pháp luật liên quan đến PPP, cũng như lưu trữ và công bố thông tin về các dự án PPP, hỗ trợ thẩm định các dự án, hỗ trợ đàm phán và xử lý các tranh chấp về PPP.

Tóm lại, đó là cơ quan chuyên môn, nơi tập trung trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm có liên quan. Trong điều kiện của Việt Nam, một khi nhu cầu triển khai các dự án PPP còn khá lớn trong tương lai, để nâng cao và bảo đảm chất lượng đồng đều và thống nhất cho các dự án PPP trong cả nước, tôi đề xuất thành lập thí điểm cơ quan/tổ chức này, đặt dưới quyền của Chính phủ theo mô hình của nhiều nước.

Điều 90. Giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ sau đây theo quy định của pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

a) Phản biện xã hội đối với dự án PPP trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP;

b) Giám sát dự án PPP trong giai đoạn thực hiện hợp đồng.

2. Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP, cơ quan có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh của địa phương có dự án, tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án.

3. Sau khi nhận được ý kiến quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư trên địa bàn và ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi ý kiến giám sát dự án PPP theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này tới Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP quy định tại Điều 87 của Luật này.

Lê Hải

Tạp chí in số tháng 5/2020
Bạn đang đọc bài viết Giám sát dự án PPP: Tăng cơ chế và lợi ích cho cộng đồng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Trái chiều quan điểm kiểm toán dự án PPP trước khi ký hợp đồng
Phiên họp ngày 24/3 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu tập trung thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức công - tư (PPP), trong đó một số đại biểu bày tỏ quan điểm trái chiều về việc kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức này.