M&A DNNN 2019: Vừa phức tạp vừa rủi ro

23/01/2019, 03:05

TCDN -

Tiến độ cổ phần hóa DNNN chậm, phải dồn toa sang năm 2019 được xem là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tham gia mua bán, sáp nhập (M&A) DNNN.

M&A DNNN hấp dẫn dòng vốn mới

Theo kế hoạch năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 11 DNNN và 01 đơn vị sự nghiệp.

Với tiến độ này, cơ hội cho các nhà đầu tư là rất lớn. M&A DNNN được dự báo tiếp tục hấp dẫn dòng vốn mới trong năm 2019. Các nhà đầu tư kỳ vọng hàng loạt doanh nghiệp có giá trị lớn, như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... sẽ sớm được cổ phần hóa.

Thực tế, việc mua lại công sản của Việt Nam được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điển hình như thương vụ kỷ lục thuộc về ThaiBev của Thái Lan, thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco, công ty bia lớn nhất tại Việt Nam, trị giá 5 tỉ USD vào năm 2017.

Người Hàn Quốc đã không đứng ngoài cuộc, bỏ qua mảng thị trường béo bở này. Không bóc tách riêng lượng vốn đổ vào công sản ở Việt Nam, nhưng ông Heehwan Kwon, Giám đốc Uỷ ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB), cho biết, 11 tháng đầu năm 2018, đã có 1.735 số lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị đạt khoảng hơn 1,3 tỉ USD.

Luật sư Phạm Duy Nghĩa - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Nhà nước đã thể hiện rõ mong muốn thoái vốn khỏi DNNN và chỉ giữ lại hình thức doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp chủ chốt (giữ lại 240/2700 doanh nghiệp). Nhưng, số liệu thống kê cho thấy, quá trình này chỉ thực hiện được khoảng 8% trên tổng số vốn nhà nước muốn bán. Như vậy, giao dịch M&A với khối DNNN đang còn nhiều dư địa phát triển và sẽ là xu hướng phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Tuy quá trình có thể phức tạp nhưng là cơ hội tốt cho tất cả các nhà đầu tư với những chiến lược cẩn thận, kỹ lưỡng và chuyên nghiệp.

Khác với giao dịch M&A trong khối tư nhân, công ty mục tiêu (target company) trong giao dịch M&A với DNNN phức tạp hơn, do đó vấn đề rà soát pháp lý cần thực hiện kỹ lưỡng. DNNN hoặc phần vốn nhà nước không chỉ có một ông chủ, tổng giám đốc hay chủ tịch HĐQT chưa phải là những người có đầy đủ thẩm quyền quyết định và ký kết các hợp đồng M&A.CómộtsốvấnđềphảidoBộ chủ quản/phần vốn nhà nước quyết định và phải xin ý kiến của nhiều bên liên quan. Nếu thiếu một ý kiến đồng ý, khi thanh tra nhà nước tiến hành rà soát quy trình quyết định bán phần vốn nhà nước sẽ cho rằng chưa phù hợp quy trình.

Khi đó, hợp đồng bán cổ phần nhà nước đã ký với nhà đầu tư tư nhân có thể có rủi ro về hiệu lực. Không chỉ các quy định luật pháp về mua bán và chuyển nhượng tài sản công, hay còn được gọi là cổ phần hóa DNNN phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, các quy định về M&A cũng có những hạn chế. Ví dụ, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp quy định về các giao dịch M&A như sau: từ 30 - 50% thị phần trên thị trường phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, hay trên 50% thì không được phép, ngoài những trường hợp đặc biệt.
Luật sư Nguyễn Duy Linh, Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF), nhận xét, về mặt văn bản, những quy định này “tưởng là cụ thể” nhưng tác động lớn đến các nhà đầu tư, khi không đóng được giao dịch, hay vượt quá 50% thị phần liên quan có thể bị phạt lên tới 10% doanh số, thậm chí chia tách những doanh nghiệp phải tham gia hoặc mua vào.

Sự không rõ ràng của hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn về tính hợp pháp của giao dịch M&A. Bên cạnh đó, còn dẫn đến khả năng giao dịch M&A bị huỷ bỏ do sự diễn giải hoặc sự phán xét, quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, rủi ro tiềm tàng từ việc thực hiện các biện pháp chế tài nhất định như định nghĩa không rõ ràng về thị trường liên quan, công ty đại chúng, cơ chế về việc kế thừa các nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý và nợ trong trường hợp mua lại tài sản thiếu cụ thể.

Như vậy, M&A DNNN còn nhiều dư địa nhưng chính việc thiếu hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn và khả năng không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khiến nhà đầu tư lo ngại.


Tạo dựng sân chơi bình đẳng

Để doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch M&A, ông Phạm Duy Nghĩa cho rằng cần tạo dựng một sân chơi bình đẳng. Đồng thời, quản lý DNNN theo quy tắc thị trường: Minh bạch, cạnh tranh, quản trị doanh nghiệ

Khi thực hiện M&A với DNNN, có nghĩa là nhà đầu tư mong muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam (mua cổ phần để kiểm soát doanh nghiệp không phải chỉ mua để sau đó bán lại), do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu nhiều các yếu tố khác để thích nghi với các điều kiện tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Theo đó, cần có góc nhìn tổng quan hơn về M&A trong bối cảnh tái cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp là chuyển đổi DNNN từ chủ yếu quản lý công thành thực thể thương mại: DNNN sẽ mang hình thức pháp lý của Công ty TNHH, Công ty Cổ phần hoặc có thể là hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ thành các Công ty lớn hơn, thành tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Đồng thời, quá trình cổ phần hóa cũng thay đổi cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp, trong đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp sau cổ phần hóa bằng việc đa dạng hóa quyền sở hữu: bán cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân, ban quản lý và nhân viên, cho thuê và chuyển giao các công ty vốn nhà nước (nhỏ) cho tập thể người lao động, bán các DNNN nhỏ cho các nhà đầu tư tư nhân.

Thêm nữa, Việt Nam hiện nay được đánh giá là nền kinh tế mở bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs), nổi bật nhất gần đây là CPTPP. Điều 17 của CPTPP đã ràng buộc chặt chẽ Nhà nước trong việc quản lý các doanh nghiệp của mình khi thực hiện các giao dịch với nhà đầu tư tư nhân. Nhà đầu tư có thể sử dụng nhiều công cụ nhân để bảo vệ mình trong các giao dịch này như là khởi kiện chính quyền ra trọng tài quốc tế.

Minh Nguyệt - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết M&A DNNN 2019: Vừa phức tạp vừa rủi ro tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899