Một năm "khó" của cổ phiếu ngân hàng

03/01/2023, 10:45
báo nói -

TCDN - Hầu hết cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong năm 2022, mức giảm đạt trên 2 chữ số. Trong khi đó, BID và VCB là 2 cổ phiếu ngân hàng duy nhất không giảm giá trong năm vừa qua.

Một năm "sắc đỏ" của cổ phiếu ngân hàng

Năm 2022 là một năm không mấy khả quan của thị trường chứng khoán Việt Nam khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như rủi ro lạm phát, suy thoái kinh tế, các vấn đề địa chính trị,… VN-Index, chỉ số đại diện cho thị trường, đã giảm gần 35%, xuống còn mức 1.007 điểm. 

Trong đó, cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành chiếm tới ¼ vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng không tránh khỏi xu hướng chung với sắc đỏ bao trùm. Tính đến hết năm 2022, có tới 25/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá và riêng trong đó, có 24 mã đã giảm với mức 2 con số.

Cụ thể, cổ phiếu VBB của Vietbank giảm mạnh nhất trong năm vừa qua với mức -59,9%, xuống còn 7.880 đồng/cp, chỉ còn bằng một nửa so với mức giá hồi tháng 8/2020, khi cổ phiếu này lần đầu được giao dịch trên thị trường.

gia-co-phieu-ngan-hang-thay-doi-trong-nam-2022-2023010215061968

Nhóm cổ phiếu trên thị trường UPCoM chiếm áp đảo trong top giảm giá mạnh nhất khi 4 mã xếp sau VBB là các mã BVB, ABB, KLB và PGB. Trong nhóm này, chỉ có duy nhất PGB vẫn đang trên mệnh giá.

Đối với nhóm được niêm yết, TPB và SHB là 2 cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với mức -48,7%, xuống còn lần lượt là 21.050 đồng/cp và 9.950 đồng/cp. SHB cũng là cổ phiếu ngân hàng được niêm yết trên HOSE duy nhất đang có giá giao dịch thấp hơn mệnh giá tính đến hết năm 2022. Ở nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn như TCB, MBB, HDB, STB, ACB, … mức giảm cũng đều trên 20%. 

2 cổ phiếu giảm giá nhẹ nhất là SSB (-7%) và EIB (-17%). Trong đó, SSB là cổ phiếu có diễn biến ít gây “shock”, với thị giá chỉ dao động quanh vùng 28.000-32.000 đồng trong năm qua.

Cổ phiếu EIB giữ giá khá tốt trong 10 tháng đầu năm, thậm chí có thời điểm thị giá tăng lên trên 40.000 đồng/cp, cao thứ 2 toàn ngành, chỉ đứng sau VCB. Tuy nhiên, cổ phiếu này bất ngờ lao dốc với chuỗi phiên giảm sàn liên tiếp đầu tháng 11 khiến cổ phiếu này mất hơn 57% chỉ trong 3 tuần giao dịch. Cổ phiếu này sau đó đã hồi phục, giúp mức giảm trong năm 2022 lùi về còn 17%.

2 cổ phiếu ngân hàng duy nhất không giảm giá

BID và VCB là 2 cổ phiếu ngân hàng duy nhất không giảm giá trong năm vừa qua. Kết thúc năm 2022, giá cổ phiếu BID ở mức 38.600 đồng/cp, tăng 4% so với cuối năm 2021, trong khi đó VCB tăng 2% lên 80.000 đồng/cp. Ở những giai đoạn thị trường lao dốc không phanh, chẳng hạn như từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10, BID và VCB cũng giảm theo thị trường nhưng với mức độ điều chỉnh nhẹ hơn.

Hiện vốn hoá của VCB đứng đầu thị trường chứng khoán, đạt khoảng 378 nghìn tỷ đồng, bỏ xa VHM đứng thứ 2 (209.000 tỷ đồng). Vốn hoá BID đứng thứ 4 với hơn 195.000 tỷ đồng.

Thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh trong năm vừa qua, không chỉ do biễn biến xấu của thị trường mà còn do bị pha loãng do chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cuối năm 2022, có 6 mã rơi xuống dưới mệnh giá, trong đó có SHB, NVB, VAB, NAB, ABB, VBB. Cổ phiếu VCB có thị giá cao nhất (80.000 đồng), tiếp đến là BID (38.600 đồng) và SSB (32.900 đồng). Với nỗ lực giữ giá trong năm qua, BID giao dịch quanh mốc 40.000 đồng, trong khi SSB giao động quanh mốc 30.000 đồng.

Có hơn một nửa trong 27 ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm vừa qua, theo đó thị trường ghi nhận sự đổ bộ thêm hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, VPB là ngân hàng có tỷ lệ chia cao nhất, tới 50%, để đưa vốn điều lệ từ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, cao nhất hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo KB Secuities Việt Nam, trong năm 2022, định giá P/B của ngành ngân hàng đã có thời điểm về gần đáy Covid-19 rồi hồi phục tốt trong thời gian vừa qua. P/B ngành hiện giờ đang là 1,49 lần – tương đương -1Std. Trong khi đó kết quả kinh doanh của toàn ngành cho đến quý 3 vẫn khả quan, ROE toàn ngành là khoảng 15,97% - trên đường TB 12 năm. Kết quả kinh doanh của ngành được dự báo chậm lại trong quý 4 và nửa đầu năm 2023 do biên lãi ròng (NIM) bị thuhẹp và áp lực thanh khoản khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Dù vậy định giá ngành bây giờ vẫn ở mức hấp dẫn.

(Chỉ số P/b hay Price to book ratio, đây là chỉnh số quan trọng áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực tài chính từ ngân hàng cho đến chứng khoán. P/b trong chứng khoán được sử dụng để so sánh giá một cổ phiếu hiện tại, với giá trị được ghi chép trên sổ của cổ phiếu đó.)

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Một năm "khó" của cổ phiếu ngân hàng tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan