Một năm sau ngày VN-Index đạt đỉnh
TCDN - Trong phiên giao dịch 9/4/2018, VN-Index đã đạt đỉnh tại mức 1.204,33 điểm. Với những diễn biến bất ổn từ thế giới, chỉ số đã điều chỉnh rất mạnh và cho đến hiện tại, VN-Index vẫn chưa thể quay lại mốc này.
Cách đây tròn 1 năm (9/4/2018), VN-Index đã đạt đỉnh tại mức 1.204,33 điểm. Tuy nhiên, chỉ số ngay sau đó đã điều chỉnh rất mạnh. Diễn biến này có phần đi ngược lại nhận định của các chuyên gia chứng khoán. Còn nhớ vào thời điểm PV trao đổi với một số Giám đốc Phân tích, đa phần họ đều đưa ra nhận định chỉ số chuẩn sẽ lình xình quanh vùng đỉnh một thời gian để bước vào nhịp tăng mới.
Tuy vậy, thực tế cho thấy VN-Index đã có nhịp điều chỉnh kéo dài và có thời điểm rơi xuống mức 860 điểm (đầu năm 2019).
Trong những tháng đầu năm, VN-Index đã có sự hồi phục nhất định, tuy vậy chỉ số vẫn cách vùng đỉnh cũ 17%. Thống kê từ Indexq đánh giá, VN-Index là chỉ số giảm mạnh thứ hai thế giới trong 1 năm giao dịch trở lại đây (tính từ phiên 9/4/2018).
Mặt khác, đà hồi phục của chỉ số vẫn rất mong manh khi lực bán thường diễn ra mạnh tại các vùng kháng cự tâm lý (đặc biệt các vùng trên 1.000 điểm).
Có nhiều lý do cho việc TTCK 1 năm qua điều chỉnh mạnh (và cũng là chưa quay về vùng đỉnh cũ?). Trước hết, đó là lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, việc FED 4 lần nâng lãi suất trong năm 2018 đã khiến dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, cận biên, qua đó cũng tác động tiêu cực cực tới thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược vào cuối năm 2018, ghi nhận lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, cũng khiến giới đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế diễn ra.
Một lý do khác được nhiều chuyên gia đưa ra là chỉ số chuẩn đã tăng khá nóng trong thời gian dài.
Nhà đầu tư vẫn có lý do để hy vọng
Nhà đầu tư vẫn còn lý do để kỳ vọng vào sự hồi phục của chỉ số.
Đầu tiên, cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang dần đi đến hồi kết. Phía Trung Quốc đã đưa ra những “nhượng bộ” rất lớn, đó là bước tiến lớn về vấn đề sở hữu trí tuệ. Tân Hoa Xã đưa tin, các nhà đàm phán Trung Quốc, dẫn đầu là Phó thủ tướng Lưu Hạc, đã thảo luận với các quan chức Mỹ về văn bản của một thỏa thuận bao gồm các điều khoản về chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, các biện pháp phi thuế quan, ngành dịch vụ nông nghiệp, cán cân thương mại song phương, và điều khoản thực thi.
Một tín hiệu đáng chú ý khác là FED đã chuyển sang trạng thái “bồ câu” khi tuyên bố sẽ không tăng lãi suất trong năm 2019. Đây được coi là dấu hiệu tích cực và kỳ vọng dòng tiền khối ngoại sẽ trở lại thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, vào cuối quý II/2019, TTCK Việt Nam được kỳ vọng đón dòng tiền “khủng” mới. Theo đó, trong trường hợp Argentina được MSCI nâng hạng kỳ 5/2019 tỷ trọng, Việt Nam sẽ tăng từ 17% lên khoảng 23%. Khi Kuwait nâng hạng chính thức 5/2020 thì tỷ trọng Việt Nam sẽ tăng lên 30% của MSCI frontier 100 Index. Trường hợp Việt Nam tăng tỷ trọng thêm 6% thì sẽ có 31 triệu USD từ ETF iShare đầu tư bổ sung, chưa kể nhiều quỹ đầu tư theo chỉ số MSCI frontier 100 cũng sẽ tăng tỷ trọng tương ứng đầu tư vào Việt Nam.
Theo Nhà đầu tư
email: [email protected], hotline: 086 508 6899