Mua cổ phiếu quỹ: "Con bài chiến lược" của các ngân hàng thương mại?

12/10/2019, 19:47

TCDN - Làn sóng ngân hàng đăng ký mua cổ phiếu quỹ đang nổi lên thời gian gần đây, tập trung tại những ngân hàng thương mại. Việc các ngân hàng mua cổ phiếu quỹ có nhiều lý do, nhưng nếu sử dụng cổ phiếu quỹ hợp lý thì đây sẽ là công cụ mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng.

Trong hoạt động kinh doanh, mục tiêu cuối cùng của một doanh nghiệp nói chung là tối đa hóa giá trị cho cổ đông và mua cổ phiếu quỹ là một trong những quyết định phân bổ vốn quan trọng nhất của ban lãnh đạo doanh nghiệp để đạt được mục tiêu này.

Thông thường, doanh nghiệp có nhiều cách để tạo thêm giá trị cho cổ đông là mở rộng hoạt động hiện tại, chia cổ tức bằng tiền mặt, mua lại doanh nghiệp khác, trả bớt nợ vay và nếu không biết đầu tư vào đâu tốt hơn thì có thể đầu tư ngược lại vào chính công ty của mình bằng cách mua cổ phiếu quỹ.

z-2_fmix

Theo đó, không xét đến chất lượng lợi nhuận các năm qua, quyết định mua cổ phiếu quỹ dường như xuất phát từ lý do thị giá thấp hơn giá trị nội tại và tiềm năng của những ngân hàng này, do thị giá lúc này chỉ nhỉnh hơn giá trị sổ sách và được giao dịch ở mức P/E dưới 10 lần trong xu hướng giá giảm.Tất nhiên, cũng không ngoại trừ trường hợp mua cổ phiếu quỹ để “cứu giá” cổ phiếu. Về nguồn tài trợ để mua cổ phiếu quỹ, nguồn vốn này tại các ngân hàng đều khá dồi dào.

Các nhà đầu tư đều hiểu, khi doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, giá trị của cổ đông còn nắm giữ cổ phần sẽ tăng lên và sở hữu càng nhiều thì giá trị mang lại sẽ càng lớn. Lấy ví dụ, nếu ngân hàng mang 1.000 tỷ đồng để cho vay kỳ hạn 1 năm, thì với mức biên lãi ròng (NIM) bình quân khoảng 3% như hiện nay, thu nhập lãi thuần chỉ khoảng 30 tỷ đồng/năm (chưa tính các chi phí vận hành khác). Nhưng nếu mua khoảng 5% cổ phần đang lưu hành, thì tỷ lệ sở hữu tăng lên, đồng thời thị giá sẽ tăng cao hơn, tức là việc mua cổ phiếu quỹ mang lại nhiều tài sản hơn. Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, khối này không mua cổ phiếu quỹ do đang tập trung tái cơ cấu theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và tăng vốn hướng tới chuẩn quốc tế.

Kể từ năm 2020, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ theo chuẩn Basel II, nhưng hiện mới có khoảng 10 ngân hàng được công nhận đạt chuẩn.

Đồng thời, các ngân hàng này cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi hệ thống lõi và đầu tư công nghệ theo xu thế của thế giới nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng, nên cần nguồn lực lớn.

Bởi vậy, khó có thể kết luận là việc mua cổ phiếu quỹ của các ngân hàng hiện tại có phù hợp với thực tế thị trường và triển vọng tương lai hay không, cho nên hoàn cảnh giao dịch là yếu tố đáng cân nhắc và cần xem xét sâu vào nội lực, tiềm năng và định hướng của các ngân hàng trong tương lai.

Trong trường hợp thị giá cổ phiếu đang cao hơn giá trị nội tại, thì việc mua cổ phiếu quỹ sẽ chỉ phục vụ lợi ích ngắn hạn và điều này có thể dẫn tới quá trình phá hủy giá trị của cổ đông, còn nếu bán thì dễ dẫn đến tình trạng bán rẻ tài sản của doanh nghiệp.

Để xem xét thêm tính khả thi của việc mua cổ phiếu quỹ, nhà đầu tư cần tìm hiểu thêm về chính sách cổ tức tiền mặt và hiệu suất đầu tư của lợi nhuận giữ lại qua các năm của doanh nghiệp có thực sự hiệu quả hay không.

Hiệu suất đầu tư của lợi nhuận giữ lại của các NHTM giai đoạn 2013 - 2018.

Hiệu suất đầu tư của lợi nhuận giữ lại của các NHTM giai đoạn 2013 - 2018.

Chỉ số hiệu suất đầu tư của lợi nhuận giữ lại cho biết, 1 đồng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư thì sẽ giúp gia tăng bao nhiêu lợi nhuận trên vốn cổ phần. Nếu ngân hàng giữ lại lợi nhuận, nhưng đầu tư, sử dụng không hợp lý, hoặc tăng vốn quá nhanh thì chỉ số này sẽ thấp, tức là việc giữ lại lợi nhuận không hiệu quả. Ngoài ra, việc giữ lại nhiều lợi nhuận sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông nhỏ vì họ cần lượng tiền mặt hàng năm cho những nhu cầu riêng.

Thực tế, các cổ đông nhỏ có niềm tin hơn vào những tổ chức duy trì cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm, cho dù tỷ lệ này ở ngành ngân hàng thường không cao và việc lưu chuyển tiền trong ngành ngân hàng phức tạp hơn những ngành nghề khác.

Do đó, những ngân hàng chia ít hoặc không chia cổ tức tiền mặt, thường xuyên phát hành riêng lẻ, phát hành ESOP và mua cổ phiếu quỹ được xem là không thích hợp đối với những nhà đầu tư nhỏ.

Hoạt động kinh doanh ngân hàng gắn với nhiều quyết định hàng ngày, cũng như những quyết định lớn mang tầm chiến lược và cao nhất là chiến lược phân bổ vốn. Cổ phiếu quỹ là một công cụ quyền lực, đồng thời cũng là “lời giao tiếp” của ban lãnh đạo ngân hàng với các cổ đông. Sử dụng hiệu quả công cụ này sẽ mang lại giá trị lớn, thể hiện kỹ năng phân tích, nhìn nhận và sự nhất quán lợi ích trong các tình huống cụ thể.

Lê Khôi
Bạn đang đọc bài viết Mua cổ phiếu quỹ: "Con bài chiến lược" của các ngân hàng thương mại? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

DCI mua cổ phiếu quỹ để tối đa lợi ích cá nhân?
HĐQT CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (UPCoM: DCI) vừa thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ nhằm tối đa lợi ích cho cổ đông. Tuy nhiên, số cổ phiếu quỹ sẽ được chào mua từ 3 cá nhân thay vì mua trên sàn.