Đầu tư cho VinFast: Vingroup ôm nợ lớn, mòn lợi nhuận

11/10/2019, 18:55

TCDN - Tháng 9/2019, Standard & Poor’s công bố mức tín nhiệm của Tập đoàn Vingroup thay đổi triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Vingroup sau đó nói chấp nhận việc này khi đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp và công nghệ, nhất là đầu tư sản xuất ôtô VinFast. Vậy, đâu là "cái giá" cho sự chấp nhận đó?

Để đầu tư vào Vinfast, Vingroup đã tăng cường vay nợ khiến chi phí lãi vay tăng 48% so với cùng kỳ, lợi nhuận bị ăn mòn. Nguồn: ooc.vn

Để đầu tư vào Vinfast, Vingroup đã tăng cường vay nợ khiến chi phí lãi vay tăng 48% so với cùng kỳ, lợi nhuận bị ăn mòn. Nguồn: ooc.vn

Tiền đầu tư từ đâu?

Ngày 14/6/2019, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast – Tập đoàn Vingroup tiến hành khánh thành nhà máy sản xuất ôtô sau 21 tháng thi công. Cùng với Vinfast, Vingroup đã triển khai hàng loạt các dự án đầu tư lớn trong giai đoạn 2017 - 2019.

Theo BCTC hợp nhất năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 của Vingroup, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Vingroup âm 121.796 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,3 tỷ USD, trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2019 âm 32.966 tỷ đồng. Để tăng cường hoạt động đầu tư trong giai đoạn này, Vingroup cần bổ sung dòng tiền "khủng".

Hoạt động sản xuất kinh doanh chắc chắn không thể tạo ra dòng tiền đủ để đáp ứng cho hoạt động đầu tư. Do đó, việc tăng cường vay nợ của Vingroup là điều tất yếu. Cụ thể, trong giai đoạn này Vingroup đã vay nợ bổ sung khoảng 73.642 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ đồng USD.

Cùng với tăng vay nợ, Vingroup đã tăng cường phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp, thu về khoảng 61.273 tỷ đồng. Tổng dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính trong giai đoạn này là dương 118.348 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,1 tỷ USD.

Như vậy, dòng tiền từ hoạt động tài chính tài trợ chiếm khoảng 97% cho hoạt động đầu tư của Vingroup trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2019. Hay nói cách khác tiền Vingroup đem đi đầu tư chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, không phải đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chi phí tài chính tăng cao, ăn mòn lợi nhuận

Tăng vay nợ làm dư nợ vay của Vingroup tăng mạnh, đặc biệt là vay nợ dài hạn. Theo BCTC hợp nhất của Vingroup 6 tháng đầu năm 2019, dư nợ vay ngắn hạn tại ngày 30/6/2019 là 23.112 tỷ đồng, tăng 27% so với thời điểm ngày 01/01/2017; dư nợ vay dài hạn là 68.906 tỷ đồng, tăng 121% so với thời điểm ngày 01/01/2017.

Tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vingroup tại ngày 30/6/2019 là 92.108 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của Vingroup cũng tăng mạnh trong giai đoạn này, đảm bảo cơ cấu nguồn vốn hợp lý của Vingroup. Vốn chủ sở hữu của Vingroup tại ngày 30/6/2019 là 126.221 tỷ đồng và chỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,68 lần.

Tương ứng với dư nợ tăng, chi phí tài chính của Vingroup 6 tháng đầu năm 2019 là 3.546 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay là 2.837 tỷ đồng tăng 48% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng cao đã ăn mòn đáng kể lợi nhuận của Vingroup. Lợi nhuận sau thuế TNDN 6 tháng đầu năm 2019 của Vingroup là 3.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2.400 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 10/2018, Fitch công bố kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm với Vingroup ở mức B+, tuy nhiên hạ triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Tháng 9/2019, Standard & Poor’s công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Tập đoàn Vingroup ở mức B+, tuy nhiên thay đổi triển vọng từ “ổn định” thành “tiêu cực”.

Việt Đặng
Bạn đang đọc bài viết Đầu tư cho VinFast: Vingroup ôm nợ lớn, mòn lợi nhuận tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan