Cổ phần hóa HUD: Nhà đầu tư kỳ vọng gì ngoài đất vàng?
TCDN - Sau thông tin HUD xin giữ lại nhiều đất vàng khi cổ phần hóa bị Bộ Tài chính từ chối, có vẻ sức hút của “ông lớn” trong ngành xây dựng đã bị giảm đối với nhà đầu tư. Vậy ngoài đất vàng bị đòi thu hồi trên, sức khỏe tài chính của HUD thế nào?
Hàng tồn kho lớn, hiệu quả kinh doanh thấp
Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD), tại thời điểm 31/12/2018, HUD có 7.783 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 6% so với đầu kỳ tại thời điểm 01/01/2018.
Tuy có giảm nhưng đây vẫn là hạng mục lớn trong bảng cân đối tài sản của HUD, chiếm 56,6% tổng tài sản của doanh nghiệp. Hệ số vòng quay hàng tồn kho năm 2018 của HUD là 0,75, tương đương số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho của HUD là 591 ngày. Quy mô hàng tồn kho và số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho lớn làm giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng thanh toán ngắn hạn của HUD.
Trong cơ cấu nợ của HUD, nợ ngắn hạn chiếm 86% tổng nợ phải trả. Khoản mục nợ phải trả lớn nhất là Chi phí phải trả ngắn hạn 3.756 tỷ đồng, chiếm 45% nợ phải trả ngắn hạn, chủ yếu là số dư khoản trích trước chi phí công trình. Hàng tồn kho và nợ ngắn hạn lớn dẫn đến hệ số khả năng thanh toán nhanh năm 2018 của HUD chỉ đạt 0,44 lần, nhỏ hơn 1. Như vậy không đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn.
So với năm 2017, doanh thu HUD năm 2018 giảm 3,8% và tổng tài sản giảm 8,2%. Chỉ số vòng quay tài sản năm 2018 là 0,42 lần cho thấy 01 đồng tài sản tham gia vào quá trình sản xuất kinh tạo ra 0,42 đồng doanh thu trong năm 2018.
Biên lợi nhuận gộp của HUD được duy trì ổn định ở mức trên 17% trong năm 2017 và năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 giảm 54% so với năm 2017, chỉ còn 212 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận sau thuế của HUD sụt giảm mạnh năm 2018 so với năm 2017 do chi phí tài chính năm 2018 là 129 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2017 là âm 259 tỷ đồng.
Chỉ số tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) năm 2018 và năm 2017 lần lượt là 1,5%, 3,1%. Chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2018 và năm 2017 lần lượt là 5,3%, 10,7%. ROA và ROE năm 2018 thấp và sụt giảm mạnh so với năm 2017 phản ánh hiệu quả kinh doanh thấp của HUD.
So sánh với một số doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán, chỉ số biên lợi nhuận gộp và vòng quay tài sản của HUD đều ở mức thấp. Do đó để có thể cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tời, HUD cần tập trung nâng cao cả hiệu quả sử dụng các tài sản để tăng doanh thu, giảm giá vốn hàng bán và cắt giảm các chi phí (chi phí quản lý và chi phí bán hàng).
Dòng tiền mạnh, cơ cấu vốn hợp lý
Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan, HUD có những điểm sáng mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. BCTC hợp nhất năm 2018 của HUD cho thấy dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HUD năm 2017 dương 812 tỷ đồng và năm 2018 dương 780 tỷ đồng.
Dòng tiền mạnh từ hoạt động kinh doanh đã giúp HUD giảm số dư nợ vay 1.190 tỷ đồng trong 02 năm 2017 và năm 2018. Tại thời điểm 31/12/2018, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 1.229 tỷ đồng và 1.112 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại 31/12/2018 là 2,4 lần, đảm bảo không vượt quá 3 lần theo quy định của Chính phủ về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899