Mỹ đẩy mạnh thực hiện gói trợ cấp 52 tỷ USD sản xuất chất bán dẫn

28/07/2022, 12:50

TCDN - Chính phủ Mỹ hối thúc Quốc hội thông qua gói trợ cấp 52 tỷ USD cho ngành sản xuất chất bán dẫn để lấy lại vị thế dẫn đầu.

Mới đây nhất, Tổng thống Joe Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật trị giá 52 tỷ USD trợ cấp cho ngành sản xuất chip bán dẫn ngay tại Mỹ. Dự luật này cũng cung cấp khoản tín dụng thuế 25% nhằm nhằm khuyến khích các công ty xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn trong nước. Một khi dự luật này được thông qua sẽ mở đường cho các công ty sản xuất chip của Mỹ tăng cường sản xuất ở trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất ở châu Á.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm trong tay một chip bán dẫn. (Ảnh: REUTERS)

Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm trong tay một chip bán dẫn. (Ảnh: REUTERS)

Đây là nội dung quan trọng được thảo luận trong hội nghị trực tuyến với tên gọi "Chip bán dẫn cho nước Mỹ" diễn ra ngày 25/7. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng thảo luận với các quan chức kinh tế, an ninh quốc gia cấp cao, đại diện từ các nhà sản xuất về tầm quan trọng của linh kiện bán dẫn đối với nền kinh tế Mỹ. Ông Biden nêu rõ, nước Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn nhưng lại dần trở nên phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Ông Biden cho rằng, đã đến lúc Mỹ phải lấy lại vị thế dẫn đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn.

Các quan chức Mỹ cũng lưu ý Tổng thống Biden rằng, chip bán dẫn không chỉ đóng vai trò là công nghệ trung tâm trong cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng đáng kể đối với an ninh quốc gia. Nước Mỹ sẽ không thể củng cố sức mạnh quốc gia nếu không tăng cường tự lực sản xuất.

Hội nghị này nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của Chính phủ của Tổng thống Biden nhằm nâng cao vị thế của Mỹ trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn cầu.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết, tình trạng thiếu chip bán dẫn đã tác động đến ít nhất 169 ngành công nghiệp, trong đó sản xuất ô-tô là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua đã khiến hai hãng sản xuất ô-tô hàng đầu của Mỹ là General Motors và Ford Motor phải cắt giảm sản lượng. Lợi nhuận của hãng sản xuất ô-tô lớn nhất Mỹ General Motors giảm khoảng hai tỷ USD trong năm 2021 do bị gián đoạn hoạt động bởi thiếu chất bán dẫn.

Thị trường chất bán dẫn thế giới gần đây liên tục rơi vào tình trạng khan hiếm do tác động của đại dịch và xung đột địa chính trị. Bảo đảm ổn định nguồn cung loại vật liệu chiến lược này trở thành vấn đề cấp bách đối với nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 20% thị phần ngành bán dẫn toàn cầu. Nhật Bản coi sản xuất chất bán dẫn là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp quốc gia, vì vậy đặc biệt chú trọng triển khai các chính sách thúc đẩy phát triển ngành này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (G.Rai-môn-đô) cảnh báo, Mỹ đang tụt lại trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn. Cho rằng chip bán dẫn là công nghệ trụ cột làm nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế, Bộ trưởng Raimondo nêu rõ, Mỹ không thể có được một nền kinh tế mạnh mẽ nếu không tăng cường tự lực sản xuất chất bán dẫn. Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan (G.Xu-li-van) cho rằng, việc phụ thuộc một số lượng hạn chế các cơ sở sản xuất nước ngoài trong lĩnh vực đặc biệt này là mối nguy với Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung chip từ Đài Loan (Trung Quốc). Mỹ dẫn đầu thế giới về thiết kế các loại chip công nghệ cao, tuy nhiên, khâu sản xuất những loại chip phức tạp nhất lại nằm ở châu Á. Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Mỹ, các công ty hoạt động trong lĩnh vực chất bán dẫn của Mỹ chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu, nhưng chỉ 12% số chip trên toàn cầu được sản xuất tại Mỹ.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Mỹ đẩy mạnh thực hiện gói trợ cấp 52 tỷ USD sản xuất chất bán dẫn tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vinfast sử dụng vốn ngoại cho nhà máy ở Mỹ
Hãng xe VinFast đã ký thoả thuận thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup, huy động ít nhất 4 tỷ USD cho các hoạt động tại Mỹ, không cần dùng đến nguồn vốn trong nước.