Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những chia sẻ với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

Title1

Xin chào Bộ trưởng, năm 2021 là một năm đầy thách thức của đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng, Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi nét trong điều hành tài chính năm qua?

Như chúng ta đã biết, năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh buộc nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội trong đó có vùng kinh tế trọng điểm như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội và hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành Tài chính hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2021: thu ngân sách đạt 1.483.000 tỷ đồng, đạt 110,3%; bội chi ngân sách nhà nước ở mức 4% GDP Quốc hội quyết định, nợ công khoảng dưới 43% GDP, tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước dưới 25%, trong ngưỡng giới hạn an toàn…

Đặc biệt, trong năm vừa qua Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19. Sự ra đời của Quỹ Vaccine thu được 8.800,4 tỷ đồng đã góp phần đẩy nhanh quá trình đàm phán, mua và tiêm vaccine cho người dân. Qua đó, giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, đồng thời là tiêu chí quan trọng để huy động nguồn lực xã hội hóa, thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước bị eo hẹp do nguồn thu gặp khó, trong lúc đó nhu cầu chi ngân sách lại lớn hơn nhiều để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chi dự phòng cho lực lượng phòng chống dịch… Bộ Tài chính đã cân đối bài toán này thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như quyết định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm 30% thuế VAT, 30% thuế TNDN, 50% thuế hộ kinh doanh và miễn tiền phạt chậm nộp; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 để quy định và hướng dẫn thực hiện các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. 

Trong số giải pháp giảm thuế được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 21,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, ban hành chính sách giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, nguyên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô; giảm 30 loại phí, lệ phí, giảm thuế đến 31/12/2021.

Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất miễn giảm, giãn đã được ban hành, thực hiện năm 2021 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 200 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng và đến hết tháng 12/2021 tổng số Ngân sách Trung ương để tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Chi từ các quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giảm nghĩa vụ đóng góp các quỹ của doanh nghiệp. Điều này đã giúp người dân, doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch.

Quote

Năm 2022 sẽ là năm thực hiện “chương trình phục hồi” tiến tới phát triển đất nước. Với việc sử dụng các gói kích thích mới sẽ là thách thức đối với ngành Tài chính đặc biệt việc cân đối ngân sách nhà nước. Xin Bộ trưởng cho biết, định hướng năm 2022 của ngành?

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và các cân đối lớn về tài chính - ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, đặc biệt là về tài chính, ngân sách, tài sản, quản lý giá… Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nước. Bộ Tài chính sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội gói kích cầu góp phần phục hồi kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, hiện nay chủ trương là sẽ cổ phần hóa những đơn vị làm ăn không hiệu quả, còn những đơn vị, những doanh nghiệp nhà nước làm ăn đang hiệu quả, là con gà đẻ trứng vàng thì tiếp tục giữ thúc đẩy để phát triển. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ cùng với các bộ, ngành và địa phương sẽ đẩy mạnh phê duyệt phương án tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về vấn đề thể chế, định giá, về vấn đề đất đai và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, Bộ sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; trốn thuế… Chủ động cân đối và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn… góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Title2

Các doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, nhưng những đánh giá gần đây, các doanh nghiệp vẫn đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn, vậy trong năm 2022, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn những chính sách của ngành Tài chính nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm tới?

Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam ở mức cao so với thế giới. Tuy nhiên, những biến chủng của virus SARS-CoV-2 vẫn phức tạp, khó lường. Điều đó gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trên cơ sở Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa; giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp cùng các chính sách khác. Cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan áp dụng hóa đơn điện tử có mã, chuyển đổi số mạnh mẽ thành tài chính số, ứng dụng CNTT là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi nét về công tác thông tin tuyên truyền lĩnh vực tài chính trong thời gian tới?

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, bên cạnh công tác chuyên môn thì công tác thông tin tuyên truyền cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để “dân biết, dân bàn, dân làm theo”. Trong thời gian vừa qua, công tác thông tin tuyên truyền đã góp phần quan trọng để đưa các cơ chế chính sách điều hành đi vào cuộc sống. Các cơ quan báo chí cũng đã trở thành diễn đàn đa chiều truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh những khó khăn vướng mắc tới các bộ, ngành để bộ, ngành, cơ quan quản lý có thêm thông tin, kênh tham khảo làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định không còn thích hợp bởi vì các quy định pháp luật được đúc rút từ thực tiễn, hoàn thiện pháp luật để phục vụ thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Trong thời gian tới, tôi hi vọng các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả về chính sách, chế độ, pháp luật, thông tin đa chiều, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên tinh nhuệ, có đức, có tài để xây dựng cơ quan phát triển bền vững; sáng tạo, đổi mới trong công tác tuyên truyền...

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Box

Thanh Phương (thực hiện)