Chia sẻ Tài chính Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Apec cho rằng: Sau Siêu thị Hạnh Phúc 0đ, nhiều sáng kiến, sáng tạo đột phá đã được người Apec đề xuất và triển khai, năng suất và chất lượng công việc cũng tăng hơn, góp phần giúp công ty hoàn thành xuất sắc KHKD năm 2020. Chúng tôi ngộ ra rằng: sáng tạo đến từ lòng từ bi, khi chúng ta cho đi cũng chính là nhận lại.
Xin chào Ông, Cảm ơn Ông đã bớt chút thời gian trò chuyện cùng độc giả của Tài chính Doanh nghiệp trong số đặc biệt kỷ niệm 17 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2021).
Ông có thể chia sẻ với độc giả của Tài chính Doanh nghiệp được biết, cơ duyên nào khiến Ông lựa chọn và quyết định đi theo con đường kinh doanh?
Có câu người chọn ngành còn nghề chọn người. Tôi đến với con đường kinh doanh có lẽ là do nghiệp dẫn dắt. Qua quá trình làm các công tác về chuyên môn trong lĩnh vực Kiểm toán, chứng khoán, ngân hàng, tài chính doanh nghiệp thì tôi nhận thấy mình có duyên với nghiệp kinh doanh kể từ khi tham gia tập đoàn APEC từ năm 2017 cho tới nay.
Ông đánh giá như thế nào về kinh tế VN hiện nay? Dịch bệnh vừa qua đã ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp nói chung?
Theo tôi, dịch bệnh đã khiến phần lớn các doanh nghiệp đến giới hạn của sức chịu đựng. Các doanh nghiệp hiện phải đối diện nhiều nguy cơ như mất thanh khoản, đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng gián đoạn, chi phí lưu thông tăng cao, kinh doanh đình trệ trong thời gian dài và ngắt quãng, mạch máu tài chính bị tắc nghẽn từ khách hàng, ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp… Sẽ phải mất rất lâu để doanh nghiệp có thể phục hồi về trạng thái bình thường, thậm chí nhiều doanh nghiệp có lẽ không thể trở lại được do tổn thương quá sâu, buộc phải phá sản.
Được biết đến là “ông lớn” trong ngành bất động sản, APEC Group đã phải chịu những “tổn thương” nào trong những đợt dịch vừa qua không? Cụ thể đó là những gì?
Suốt thời gian giãn cách xã hội, CBNV của Apec tại Hà Nội và Hồ Chí Minh đều phải làm việc online. Các sự kiện bán hàng của chúng tôi đều phải hủy hết để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Hoạt động bán hàng gần như chỉ cầm chừng, doanh thu bị sụt giảm hơn 50% do không thể tổ chức các cuộc mở bán và nhiều khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nên chậm thanh toán. Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, đơn hàng nhập từ nhà cung cấp bị chậm khiến việc tập kết nguyên liệu hay nhân công tới các công trường cũng bị gián đoạn, ảnh hưởng rất nhiều.
Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới sáng tạo, chúng tôi đã linh hoạt chuyển đổi sang hình thức bán trực tuyến, tung chính sách ân hạn nợ gốc hay kéo giãn tiến độ thanh toán cho khách hàng, chủ động tìm thêm nhiều nguồn cung cấp đầu vào để tiến độ thi công dự án không bị gián đoạn. Nhờ vậy hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của các thành viên trong tập đoàn như CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam ( HNX: IDJ), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (HNX: API), CTCP Chứng Khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS) đều tăng trưởng tốt, doanh thu và lợi nhuận gấp 150% so với cùng kỳ năm 2020.
Vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều quyết sách nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Ông đánh giá như thế nào về động thái của Chính phủ?
Theo tôi các chính sách của Chính phủ đề ra đúng và trúng. Các chính sách như tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19, gia hạn nộp thuế, BHXH, kéo giãn thời gian cơ cấu nợ… thực sự là những chính sách cần thiết, kịp thời giúp cho doanh nghiệp trụ vững và lấy lại đà hồi phục.
Nhiều người cho rằng, thuế nhà đất hiện nay chưa hợp lý, chưa tạo ra được những yếu tố thị trường, chưa làm cho bđs hướng theo thị trường. Ông bình luận, đánh giá thế nào?
Để ra được các dự luật, biểu thuế phí, chính sách… Nhà nước sẽ cần thời gian nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất lấy ý kiến rồi mới ban hành, đưa vào thực hiện. Còn thị trường luôn biến đổi từng ngày, từng giờ nên thỉnh thoảng sẽ có sự lệch pha.
Chính phủ, Quốc Hội sẽ sớm ban hành chính sách thuế phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước đảm bảo công bằng và minh bạch.
Là doanh nghiệp BĐS, Ông có kiến nghị gì về các chính sách thuế BĐS hiện nay không?
Chính sách thuế ban hành cần chú trọng bồi dưỡng và phát triển nguồn thu, khuyến khích người dân tự giác nộp thuế.
Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ của cá nhân không ạ?
Năm 2020, khi toàn thành phố bắt đầu giãn cách khiến rất nhiều người lao động gặp khó khăn, Apec chúng tôi khi ấy đã họp bàn và đưa ra quyết định sẽ mở Siêu thị Hạnh Phúc 0đ để hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội. Nguồn kinh phí hoạt động sẽ lấy từ quỹ Khai trí do CBNV đóng góp và một phần là ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Suốt nhiều ngày tháng, CBNV APEC tạm gác việc kinh doanh, những kiến trúc sư, kỹ sư, chuyên viên tài chính,… bỗng hóa thành nhân viên của một siêu thị đặc biệt, tận tâm phục vụ cho những vị khách đặc biệt. Bắt đầu tại Hà Nội sau đó mở rộng ra 18 tỉnh thành với 21 chi nhánh trên cả nước, Siêu thị Hạnh phúc 0đ của chúng tôi đã tiếp sức được cho hàng trăm ngàn người dân yên tâm vượt dịch. Tất cả vì một Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau.
Sau Siêu thị Hạnh Phúc 0đ, nhiều sáng kiến, sáng tạo đột phá đã được người Apec đề xuất và triển khai, năng suất và chất lượng công việc cũng tăng hơn, góp phần giúp công ty hoàn thành xuất sắc KHKD năm 2020. Chúng tôi ngộ ra rằng: sáng tạo đến từ lòng từ bi, khi chúng ta cho đi cũng chính là nhận lại.
Ông có nhắn nhủ, gửi gắm gì với doanh nhân Việt đặc biệt là thế hệ doanh nhân trẻ trong ngày 13/10?
Kinh doanh là hành trình phụng sự xã hội còn đổi mới sáng tạo là động lực chính của sự phát triển. Các doanh nghiệp nên nghĩ về khách hàng, về xã hội nhiều hơn, cố gắng đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm xuất sắc vượt kỳ vọng của khách hàng. Luôn mang trong mình niềm tự tin và tự hào Việt Nam, cùng hành động để kinh doanh kiến quốc, xây dựng một Việt Nam phát triển hùng cường.
Chân thành cảm ơn Ông và chúc Ông cùng APEC GROUP sức khỏe, và đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế đất nước.
Trân trọng cảm ơn!
Thực hiện: Hoàng Tư