Là một chuyên gia Marketing với gần 30 năm kinh nghiệm, Tổng giám đốc Công ty Mancom Ngô Trọng Thanh đã có những chia sẻ với Tài chính Doanh nghiệp về kinh tế Việt Nam và những khó khăn của doanh nghiệp trong cơn bão Covid-19.

Trước đây, ông từng nói “trong đám mây đen luôn có ánh bạc”. Vậy theo ông, kinh tế Việt Nam trong năm nay, đâu là những nét tích cực? Doanh nghiệp Việt hiện nay có thấy ánh bạc nào không?

Thật khó, và có phần bất nhẫn để nói quá nhiều về những ánh bạc trong cơn đại dịch với nền kinh tế và doanh nghiệp của chúng ta trong cơn đại dịch. Ít nhất, trong hơn 30 năm làm việc của tôi, với tư cách người làm công và người chủ doanh nghiệp, chưa có một biến cố nào ảnh hưởng nặng nề, toàn diện, và lâu dài đến vậy. 

Hãy lấy công ty chúng tôi làm ví dụ. Sau 3 năm nghiên cứu, cuối năm 2019 chúng tôi đầu tư một nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất cơm ăn kiêng msSlim (với hàm ý Cô nàng mảnh mai), nhằm phục vụ nhu cầu ăn lành mạnh ngày một lớn của những người thừa cân và tiểu đường. 

Được nấu chậm 36 giờ, từ gạo lứt tím của lão nông Hồ Quang Cua, đậu và chiết xuất nấm Nhật theo quy trình của tiến sỹ Hiroki Kotabe, cơm của chúng tôi cắt giảm ½ lượng calo. Ngay những tháng đầu tiên, sản phẩm được đón chào nồng nhiệt, và chúng tôi có đơn hàng từ các quốc gia Mỹ, Nhật, Úc, châu Âu.

Rồi đại dịch Covid xảy ra, từ quý 1 năm 2020, kéo theo những hệ lụy khôn lường. Các công ty chuyển phát nhanh từ chối chuyển hàng mẫu, giá thành vận chuyển 1 container lạnh tăng vọt lên gấp 3-5 lần, những đơn hàng xuất khẩu tạm thời dừng lại. Và thị trường trong nước là nơi tiêu thụ chính, thì việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng bị bóp nghẹt.

Đến tháng 7 năm nay, khi làn sóng dịch lần 4 với mức ảnh hưởng khủng khiếp, đã làm đứt gãy toàn bộ nguồn cung nguyên liệu từ vựa lúa miền Tây, công nhân trong khu phong tỏa không được đi làm, và kênh phân phối toàn quốc bị đứt gãy. Chúng tôi đã vét những sản phẩm cuối cùng để cung cấp cho bạn hàng, trước khi đóng cửa 3 tháng. Doanh số về zero!. Và ngay trước ngày sản xuất lại, phần lớn nhân công của chúng tôi đã theo dòng người cuồn cuộn hồi hương.

Kịch bản này tôi tin là xảy ra với hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta. Rất nhiều công ty phá sản, và rất nhiều doanh nhân sẽ phải làm lại từ đầu nếu còn nguồn lực, còn nhiệt huyết. 

Vậy, đâu là ánh bạc trong đám mây đen? Cái được lớn nhất, là sự chuyển dịch của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp lên online, một xu hướng tất yếu của cuộc sống. 

Chỉ vài tháng đối mặt với thị trường rối loạn, các doanh nghiệp đã có bước chuyển mình bằng vài năm trong điều kiện bình thường. Đồng thời, cũng trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp nội địa đã vươn lên thống lĩnh và dẫn dắt thị trường trong kênh phân phối và một số ngành sản xuất. Cũng giống như các cuộc khủng hoảng vốn xảy ra có tính chu kỳ tại Mỹ, cũng là lúc sản sinh ra nhiều đại công ty như GM, HP, hay Microsoft vậy. Bên cạnh đó, về mặt nội tại, với mỗi doanh nghiệp và doanh nhân cuộc khủng hoảng luôn là bài học hiệu quả nhất cho chúng ta thêm trưởng thành ít nhất về mặt nhận thức.

Ông đánh giá thế nào về sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế, với doanh nghiệp, và những cái khó của doanh nghiệp Việt sau khi bị dịch bệnh tàn phá là gì?

Với phần lớn các doanh nghiệp, mỗi tháng phong tỏa sẽ kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp ít nhất một năm. Họ bị tổn thương về vốn, về con người, về thị trường. Hệ sinh thái, kéo dài từ nguồn cung đầu vào đến thị trường đầu ra của doanh nghiệp và cả cộng đồng bị phá vỡ, và đòi hỏi ít nhất 2-3 năm để phục hồi. Bên cạnh đó, sức mua của thị trường bị thu hẹp, túi tiền người tiêu dùng khi bị hao mòn, thì chỉ được ưu tiên những mặt hàng thiết yếu.

Xin được tập trung sâu vào nguồn nhân lực, mà với mỗi doanh nghiệp chính là vốn con người. Hãy nhìn dòng người tháo chạy những vùng công nghiệp phía Nam, để thấy rằng sự thiếu hụt lao động trước mắt và lâu dài là khó tránh khỏi. Điều này đặc biệt nguy hiểm với doanh nghiệp nội địa, nơi thường sử dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu dựa vào sức người trong quy trình sản xuất. Việc thiếu hụt lao động sẽ dẫn tới mặt bằng lương bị đấy cao, ăn mòn lợi nhuận vốn rất mỏng của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tôi có người bạn, tỷ phú Peter Vesterbacka người Phần Lan - cha đẻ của trò chơi Angry Birds, một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2012. Peter đang xúc tiến đầu tư dự án khổng lồ với vốn đầu tư 15 tỷ euro, xây dựng đường hầm chạy ngầm dưới biển nối giữa Phần Lan và Estonia, với tham vọng biến khu vực thành một trung tâm phát triển phần mềm lớn nhất thế giới. 

Để chuẩn bị nhân lực cho dự án này, ngay từ khi đỉnh điểm của dịch covid 2020, Peter đã thuyết phục chính phủ Phần Lan cung cấp học bổng toàn phần cho các học sinh cấp 3 tài năng tại Việt nam và hơn 10 quốc gia khác trên thế giới. Họ kỳ vọng những tài năng trẻ này sẽ là nguồn nhân lực trong 10 năm tới, khi dân số Phần Lan đang đối mặt với tình trạng già hóa.

Doanh nghiệp của chúng ta, ở thái cực khác, đang phần lớn cố gắng duy trì mức thu nhập tối thiểu để duy trì cuộc sống cho những người còn ở lại. Sự tương phản về tầm nhìn, nguồn lực đầu tư cho con người giữa Peter bạn tôi - và hàng ngàn doanh nghiệp Việt cũng là bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia, và giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ hay siêu nhỏ với các tập đoàn, giữa các doanh nghiệp Việt với các công ty đa quốc gia trong cuộc cạnh tranh giành chất xám. 

Nhiều doanh nghiệp vẫn xem nộp thuế là “nghĩa vụ” chứ không phải là “quyền lợi”. Theo ông, nhận thức này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển không?

Tôi tin, phần lớn các doanh nhân đều muốn đóng góp thuế một cách công bằng, và đó là niềm vinh dự, khẳng định vị thế họ trong cộng đồng và xã hội. Trong đại dịch, rất nhiều doanh nhân và doanh nghiệp là những người dẫn đầu trong việc đóng góp vào các quỹ vaccine hay các quỹ từ thiện. Điều này không chỉ là tính thiện, mà còn phản ánh trách nhiệm với xã hội như một lẽ tất yếu của mỗi doanh nhân. 

Trong 20 năm trong nghề tư vấn chiến lược marketing, được làm việc với hàng trăm doanh nghiệp nội địa, tôi thấy rằng những doanh nghiệp thành công đều xác định sự minh bạch là yếu tố cốt lõi để phát triển từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp. Cuộc chơi lớn không dành cho những kẻ tham lam, kể cả trong việc nộp thuế.

Tuy nhiên, doanh nhân cũng đòi hỏi sự công bằng trong thuế. Sẽ thật bất công, để một doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ, với hàng loạt các đối thủ cạnh tranh đầy thủ thuật để biến ảo số liệu tài chính.

Để tìm được lối đi riêng, vực lại sản xuất, kinh doanh, theo ông DN Việt cần phải làm gì?

Ngân sách càng hạn hẹp, doanh nghiệp càng khó khăn thì càng cần sự kiên định và sáng tạo trong mỗi sản phẩm và dịch vụ. 

Đại dịch cũng giống như một cuộc sàng lọc tự nhiên, để những cá thể khỏe mạnh được tồn tại, và có cơ hội phát triển. Với những khách hàng hiện tại, chúng tôi luôn khuyến cáo khách hàng tập trung vào những sản phẩm chiến lược, có hàm lượng chất xám cao và mang nét khác biệt với đám đông trên thị trường.

Và đây cũng là thời điểm để chủ mỗi doanh nghiệp lựa chọn một cách khắc nghiệt giữa chiến lược phát triển ‘lợi nhuận’ và ‘quy mô’. Nếu nguồn lực doanh nghiệp hạn chế, lợi nhuận nên được ưu tiên.

Từ khi năm học mới bắt đầu, lượng truy cập tăng vọt do nhu cầu học online của hàng triệu học sinh trên toàn quốc. Đường truyền internet khá tệ, thường xuyên bị rớt mạng kể cả với những gói cước lớn. Bộ kích sóng wifi của Tổng Công ty VNPT Công nghệ (VNPT Technology) thành mặt hàng bán rất chạy, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đó là phần thưởng cho những sản phẩm sáng tạo và khác biệt.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có chia sẻ hay gửi gắm gì đối với cộng đồng doanh nghiệp?

Tôi chỉ nói một điều này thôi: Trong bão tố mới cần người thuyền trưởng.

Thực hiện: Từ Nguyên